Theo số liệu của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2023- 2024, học sinh các lớp đầu cấp tại Hà Nội đều tăng, đặc biệt là học sinh lớp 6. Cụ thể, toàn Thành phố có 188.429 học sinh sẽ vào lớp 6, tăng 38.519 em so với năm học trước.
Với áp lực quá tải tuyển sinh đầu cấp trong năm học tới, các biện pháp giảm tải đang được các cơ sở giáo dục thực hiện. |
Vậy nên nếu so số lượng lớp 6 vào trường với khối lớp 9 ra trường, các trường THCS trên địa bàn thành phố sẽ tăng thêm 59.158 học sinh. Điều này đồng nghĩa phải có thêm 1.315 phòng học THCS để đáp ứng nhu cầu.
Các đơn vị có số lượng tăng mạnh gồm Hà Đông (vào lớp 6 tăng 5.208 học sinh so với số hết lớp 9, tương ứng cần thêm 116 phòng học). Tỷ lệ này ở Hoàng Mai là 3482/77, Nam Từ Liêm là 3351/74, Chương Mỹ là 3199/71, Bắc Từ Liêm là 3099/69.
Nói về vấn đề quá tải tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội, nhiều chuyên gia cho rằng, câu chuyện thiếu trường học, sĩ số cao ở Hà Nội đã tồn tại nhiều năm vẫn nóng, các quận, huyện vẫn loay hoay với điệp khúc thiếu quỹ đất.
Địa phương phải xác định, dù có phát triển hệ thống trường ngoài công lập nhưng đa số người dân không đủ điều kiện chi phí, do đó, trường công lập vẫn là lựa chọn tối ưu.
“Hà Nội là Thủ đô của cả nước, cần phải quyết tâm chi ngân sách cho giáo dục cao hơn các lĩnh vực khác nếu không sẽ lực bất tòng tâm khi học sinh vẫn tăng lên, quỹ đất, kinh phí hằng năm không đủ xây thêm trường lớp đảm bảo điều kiện giáo dục”, chuyên gia nêu.
Để đảm bảo nhu cầu học tập cho học sinh trên địa bàn, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết, quận đã xây dựng thêm 7 đơn nguyên cho các trường trung học cơ sở, đồng thời tăng cường rà soát, có kế hoạch cải tạo, nâng cấp và tiếp tục xây dựng thêm phòng học, trường học mới.
Ngoài ra, quận Hà Đông đã và đang có nhiều chính sách hỗ trợ, khuyến khích các trường ngoài công lập phát triển và hoạt động có chất lượng tốt, từ đó góp phần giải quyết áp lực về số học sinh tăng nhanh.
Quận Nam Từ Liêm dự kiến tuyển sinh vào lớp 6 so với học sinh khối lớp 9 ra trường năm học 2022-2023 tăng 3.351. Để chuẩn bị chỗ học cho học sinh, thời gian tới, quận tiếp tục xây dựng thêm 4 trường học ở các cấp mầm non, tiểu học, THCS.
Ở quận Bắc Từ Liêm, năm nay địa phương xây mới, đưa vào sử dụng 3 trường học ở bậc mầm non, tiểu học và THCS. Tuy nhiên, đại diện Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Bắc Từ Liêm cho biết, sĩ số trung bình ở bậc tiểu học, THCS tại địa phương hiện là 42 em/lớp, trong đó có lớp hơn 50 em.
Địa phương đang nỗ lực giãn sĩ số bằng cách tách trường, tách phòng nhưng rất khó khăn để có thể đáp ứng đúng quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Giai đoạn 2023-2025, đơn vị đề xuất xây dựng thêm 24 trường học nữa mới có thể đáp ứng nhu cầu.
Tại huyện Mê Linh, năm học 2023 - 2024 dự báo số lượng học sinh vào các lớp đầu cấp (mầm non 5 tuổi, lớp 1, lớp 6) tăng khoảng 1.900 em.
Dù quy mô các lớp đầu cấp đều tăng, song huyện không gặp nhiều áp lực bởi số học sinh tăng trải đều ở các trường.
Toàn huyện hiện có 20 trường trung học cơ sở, điều kiện cơ sở vật chất, số phòng học hiện có cơ bản bảo đảm đáp ứng chỗ học cho học sinh lớp 6 năm học tới.
Một trong những giải pháp trọng tâm của huyện hiện nay là tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng 7 trường đạt chuẩn quốc gia, nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn của toàn huyện lên 77% vào cuối năm 2023.
Về phía Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, cơ quan này cũng yêu cầu bên cạnh việc tham mưu UBND cấp quận, huyện, thị xã phân tuyến tuyển sinh phù hợp, các phòng giáo dục và đào tạo cần có biện pháp kiểm tra, quản lý chặt chẽ việc thực hiện chỉ tiêu ở các nhà trường, không để xảy ra hiện tượng quá tải.
Các nhà trường cũng cần chủ động phối hợp với chính quyền, Công an địa phương xác minh thông tin cư trú đối với các trường hợp phát sinh trong quá trình tuyển sinh.
Đối với các khu đô thị mới chưa có trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu Phòng giáo dục và đào tạo báo cáo UBND quận, huyện, thị xã để có biện pháp giải quyết chỗ học cho học sinh, thúc đẩy việc xây thêm trường mới theo quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn;
Bên cạnh đó, quan tâm tới con của các hộ dân thuộc diện tái định cư do giải phóng mặt bằng, con của công nhân tại các khu công nghiệp;
Đồng thời tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số, con các gia đình chính sách, gia đình có hoàn cảnh khó khăn vào các trường công lập.
Đặc biệt, UBND TP. Hà Nội vừa ban hành kế hoạch xây dựng 7 trường phổ thông có nhiều cấp học tiên tiến, hiện đại theo Chương trình 06 của Thành ủy.
Hy vọng với những giải pháp cụ thể nêu trên, vấn đề nan giải là quá tải tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội sẽ dần được khắc phục trong những năm học tới. Tuy nhiên, để giải quyết triệt để thì câu chuyện quy hoạch, xây dựng trường lớp theo kịp tốc độ tăng của dân số vẫn là mấu chốt.