Tại các bãi chôn lấp ở Nam Sơn (Sóc Sơn), Xuân Sơn (ở Sơn Tây) hay tại lò đốt của nhà máy điện rác vừa mới được đưa vào vận hành tại khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn… những núi rác vẫn là rác hỗn hợp, chưa được phân loại.
Mặc dù các nhà máy điện rác được kỳ vọng sẽ coi chất thải là tài nguyên theo hướng đốt rác phát điện, giúp giảm tỉ lệ chôn lấp rác của thành phố, nhưng việc rác thải chưa được phân loại như hiện nay chính là lãng phí nguồn tài nguyên lớn.
Thực tế, việc phân loại rác thải tại nguồn (mô hình 3R) đã được triển khai ở Hà Nội (giai đoạn 2006-2009) do cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ.
Theo đó, người dân được hướng dẫn phân rác thải thành 3 loại: Rác hữu cơ (hoa, rau, củ, quả...), rác vô cơ (xương, sành sứ...), rác tái chế (giấy, bìa, nhựa, kim loại…).
Sau khi thu gom, rác vô cơ được chuyển đến bãi rác Nam Sơn; rác hữu cơ đưa đến Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn để sản xuất phân bón; rác tái chế dành cho người thu gom phế liệu. Dự án thí điểm tại 4 phường Phan Chu Trinh, Nguyễn Du, Thành Công, Láng Hạ.
Năm 2009, khi dự án kết thúc, người dân phân loại thêm một thời gian rồi dừng lại. Là đơn vị phối hợp thực hiện dự án, đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hà Nội (URENCO) đánh giá cao mục tiêu của dự án.
Tuy nhiên, khi rác hữu cơ được đưa đi sản xuất phân bón, công nhân phải phân loại thêm, sau đó vận chuyển lên bãi rác Nam Sơn, tốn kém chi phí. Giá thành phân hữu cơ bán ra lại không bù đắp được chi phí đầu vào nên càng làm càng lỗ.
Vì thế, đến nay, Nhà máy Chế biến phân hữu cơ Cầu Diễn vẫn đang tạm dừng hoạt động vô thời hạn, trang thiết bị máy móc có thể trở thành một đống sắt vụn.
Nhiều cư dân sống tại các chung cư ở Hà Nội cho biết, việc phân loại rác từ nguồn cần được triển khai đồng bộ, có quy trình cụ thể và kĩ thuật, hạ tầng thu gom rác phải đáp ứng điều này.
Đặc biệt, khi có quy định xử phạt với người không phân loại rác tại nguồn, các cơ quan, chính quyền cần hướng dẫn tới tổ dân phố, ban quản lý tòa nhà, truyền thông để người dân nắm bắt chủ trương, quy định này. Như hiện nay, người dân không biết và cũng không được tuyên truyền, hướng dẫn.
Theo lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, mô hình phân loại và xử lý rác thải tại nguồn đã được triển khai tại hầu hết các nước phát triển và mang lại nhiều lợi ích, không chỉ giúp giảm lượng rác phát sinh, bảo vệ môi trường, tạo ra nguồn phân bón hữu cơ phục vụ sản xuất nông nghiệp… mà quan trọng là giúp hình thành ý thức tiết kiệm, nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường của mỗi người dân.