Theo báo cáo của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, trong 6 tháng qua, trên địa bàn TP đã xảy ra 2 vụ ngộ độc Methanol tại huyện Thanh Oai và huyện Mê Linh; 1 vụ sự cố về an toàn thực phẩm tại quận Hoàn Kiếm với 2 người mắc, 1 ca tử vong.
Ảnh minh họa |
Cụ thể, một bệnh nhân nam nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, nhiễm toan chuyển hóa và 1 bệnh nhân nữ tử vong do sock, nhiễm toan chuyển hóa nặng, tổn thương đa cơ quan.
6 tháng qua, cơ quan chức năng TP đã kiểm tra, hậu kiểm 305 cơ sở. Trong đó, có 36 cơ sở chuyển Thanh tra Sở Y tế xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền hơn 678 triệu đồng.
Các lỗi vi phạm chủ yếu là khu vực bếp có côn trùng động vật gây hại, hệ thống cống hở, ứ đọng, không ghi chép hoặc ghi không đúng sổ kiểm thực 3 bước; ghi nhãn sản phẩm không đúng, quảng cáo sản phẩm thực phẩm không đúng,...
Cũng trong 6 tháng qua, ngành Y tế đã lấy 46 mẫu kiểm nghiệm, xét nghiệm trong labo, trong đó, 15/16 mẫu có kết quả đạt, 1 mẫu nước uống đóng chai có chỉ tiêu vi sinh không đạt; 30 mẫu chưa có kết quả và có 1.720 mẫu xét nghiệm nhanh (đạt 98%).
Cũng về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, UBND TP.Hà Nội vừa có kế hoạch bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Trung thu trên địa bàn thành phố năm 2024.
Theo đó, từ ngày 5/8 đến 20/9/2024, các sở, ngành liên quan và UBND các cấp huyện, cấp xã tăng cường tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức và thực hành cho người sản xuất, người kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm trong dịp Tết Trung thu.
Đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, tuyên truyền thực hiện nghiêm các quy định về điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị dụng cụ, kiến thức, thực hành của người trực tiếp tham gia sản xuất thực phẩm, chế biến thực; quy định về nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, quy định về sử dụng phụ gia, hương liệu, bao bì thực phẩm, ghi nhãn sản phẩm, đăng ký bản công bố sản phẩm/tự công bố sản phẩm, bảo quản sản phẩm thực phẩm;
Điều kiện vệ sinh nơi bày bán sản phẩm, nhập khẩu sản phẩm thực phẩm, công bố sản phẩm; tuyệt đối không bán bánh quá hạn sử dụng, bánh mốc, không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Bên cạnh đó, các đơn vị tuyên truyền về quyền lợi và nghĩa vụ của người tiêu dùng trong sử dụng thực phẩm; hướng dẫn lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn; không sử dụng phụ gia thực phẩm ngoài danh mục, không đúng đối tượng, liều lượng theo quy định.
Trong thời gian này, các ban, Sở, ngành căn cứ tình hình quản lý, chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh, nhập khẩu các mặt hàng thực phẩm được sử dụng nhiều trong dịp Tết Trung thu.
Các quận, huyện, thị xã chủ động tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra chuyên ngành hoặc liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm Tết trung thu năm 2024 tại các xã, phường, thị trấn; kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đã được phân cấp trên địa bàn;
Đồng thời truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm không bảo đảm an toàn; tổ chức ký cam kết trách nhiệm bảo đảm an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo quy định.
UBND thành phố giao Sở Y tế xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện hoạt động đối với lĩnh vực thuộc ngành Y tế quản lý.
Sở Y tế, Sở Công thương triển khai hoạt động thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý; trong đó chú trọng các cơ sở sản xuất, kinh doanh các mặt hàng bánh Trung thu, nguyên liệu sản xuất bánh trung thu, rượu, bia, nước giải khát…
Cục Quản lý thị trường Hà Nội căn cứ chức năng, nhiệm vụ thành lập đoàn kiểm tra về đảm bảo an toàn thực phẩm, kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm đối với các thực phẩm lưu thông trên địa bàn thành phố;
Phát hiện, điều tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định về an toàn thực phẩm, đặc biệt hàng giả, hàng nhập lậu, chú trọng nguồn gốc, chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường, nhãn mác sản phẩm, chuyển truy tố các vụ nghiêm trọng theo quy định của pháp luật.