Kế hoạch được ban hành nhằm đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, xác định trách nhiệm và hành động của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ sở giáo dục, doanh nghiệp, cá nhân trong bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học.
Ảnh minh họa. |
Cùng với đó đẩy mạnh công tác quản lý an toàn thực phẩm chủ động phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm đối với học sinh trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội.
Mặt khác, công tác kiểm tra, giám sát, truy xuất nguồn gốc thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học được thực hiện nghiêm túc thường xuyên, liên tục; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm an toàn thực phẩm, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Chuyên đề được thực hiện từ tháng 8/2024 triển khai tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn Hà Nội. UBND TP.Hà Nội yêu cầu các cơ sở tập trung tuyên truyền, hướng dẫn cho các đối tượng hiểu đúng, thực hiện đúng Luật An toàn thực phẩm, văn bản quản lý về an toàn thực phẩm.
Các cơ sở tuyên truyền, phổ biến kiến thức về tầm quan trọng của công tác bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống nguy cơ ô nhiễm thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm, vận chuyển, bảo quản, kinh doanh, sử dụng thực phẩm, góp phần giảm thiểu ngộ độc thực phẩm.
Cùng với đó, TP.Hà Nội yêu cầu tuyên truyền về các hoạt động kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học trên địa bàn toàn TP.
Các cơ sở nêu gương điển hình tổ chức, cá nhân tích cực tham gia hoạt động tăng cường kiểm soát an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học. Đồng thời phê phán, đưa tin các đơn vị, cá nhân vi phạm các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm. Mặt khác, các cơ sở thông tin, xử lý kịp thời các vấn đề bức xúc về an toàn thực phẩm trong và xung quanh cổng trường học.
Ngoài ra, TP.Hà Nội yêu cầu các cơ sở, đơn vị tuyên truyền về công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm; quy định về điều kiện an toàn thực phẩm.
Từ nay đến cuối năm 2024, nhu cầu tiêu dùng thực phẩm của người dân sẽ tăng cao, các địa phương cần nâng cao hiệu lực quản lý và chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm. Cùng với đó, các địa phương đẩy mạnh phối hợp liên ngành trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm; triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm.
Còn Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội Đặng Thanh Phong khẳng định, ngành Y tế Hà Nội tiếp tục tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch, chuyên đề, đột xuất; hậu kiểm cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm sau công bố sản phẩm; thực hiện xét nghiệm mẫu thực phẩm để đánh giá chất lượng thực phẩm; xử lý vi phạm nếu mẫu không đạt.
Cùng với đó, ngành Y tế triển khai dự án và mô hình điểm về an toàn thực phẩm; trong đó tiếp tục duy trì các chuyên đề về dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố, an toàn thực phẩm tuyến phố văn minh tại 30 quận, huyện, thị xã.
Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường công tác phòng, chống ngộ độc thực phẩm, duy trì và nâng cao năng lực hệ thống giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới cơ sở.
Mặt khác, các địa phương cần kiện toàn Ban chỉ huy và đội ứng trực phòng, chống ngộ độc thực phẩm, với đầy đủ phương tiện, trang thiết bị sẵn sàng triển khai điều tra xử lý ngộ độc thực phẩm trên địa bàn quản lý; chủ động giám sát chất lượng thực phẩm lưu thông trên thị trường, cảnh báo nguy cơ và truy xuất nguồn gốc thực phẩm không bảo đảm an toàn