Đó là hai trong số những thông tin về đầu tư đáng chú ý trong tuần qua.
Việt Nam - Nhật Bản ký 3 thỏa thuận vay ODA trị giá 10.672 tỷ đồng
Ngày 4/7, tại Hà Nội, Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) đã ký ba thỏa thuận vay với Chính phủ Việt Nam để cung cấp khoản vay ODA với tổng trị giá lên tới 60.983 triệu yên.
Hai bên thực hiện nghi thức ký kết ba thỏa thuận vay vốn ODA |
Trong đó bao gồm 50.000 triệu yên (tương đương 8.750 tỷ đồng) dành cho Chương trình “Hỗ trợ ngân sách chung để phục hồi và phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam hậu đại dịch Covid-19”.
Theo số liệu mới được công bố tăng trưởng GDP quý I/2023 và nửa đầu năm 2023 của Việt Nam ghi nhận ở mức thấp với 3,32% và 3,72%. Điều này cho thấy tầm quan trọng và tính cấp thiết của các chính sách hỗ trợ và thúc đẩy chi tiêu công của Chính phủ để kích thích nền kinh tế.
Vì vậy, khoản vay ODA này sẽ cung cấp cho Chính phủ Việt Nam nguồn vốn ưu đãi để thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ hậu Covid-19 đã được Quốc hội thông qua.
Dự án thứ hai được cung cấp khoản vay là Dự án cải tạo hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương trị giá 6.244 triệu yên (tương đương 1.093 tỷ đồng). Số vốn vay này sẽ được sử dụng để xây dựng hạ tầng giao thông kết nối thành phố mới Bình Dương với tuyến đường sắt đô thị số 1 của TP.HCM tại ga Suối Tiên.
Dự án thứ ba được cung cấp khoản vay ODA là Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng nhằm phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 1) trị giá 4.739 triệu yên (tương đương 829 tỷ đồng).
Số vốn vay này sẽ dùng cho việc xây dựng cơ sở hạ tầng, bao gồm mạng lưới đường bộ (để tăng cường vận chuyển nông sản), hệ thống thủy lợi và Trung tâm thu mua hoa, hướng tới mục tiêu cao hơn là nâng cao thu nhập cho người nông dân và đẩy mạnh công nghiệp hóa ngành nông nghiệp tại Lâm Đồng.
Dự án cải thiện cơ sở hạ tầng phát triển nông nghiệp tỉnh Lâm Đồng (giai đoạn 1) nhằm chuyển đổi ngành nông nghiệp tại địa phương này trở thành một khu vực kiểu mẫu trong sản xuất nông nghiệp.
Việc ký kết ba thỏa thuận vay ODA đánh dấu một cột mốc quan trọng nữa hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản.
Đường vành đai 4 qua Hưng Yên: Tỉnh đã bồi thường, thu hồi, bàn giao mặt bằng trên 78%
Vừa qua, tại trụ sở Tỉnh ủy Hưng Yên đã diễn ra hội nghị đánh giá kết quả giải phóng mặt bằng (GPMB) và quán triệt thực hiện đẩy nhanh tiến độ triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội đoạn qua địa phận tỉnh.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội được UBND tỉnh phê duyệt dự án thành phần 1.2 tại Quyết định số 1239/QĐ-UBND ngày 7/6/2023 và được UBND tỉnh phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu tại Quyết định số 1326/QĐ-UBND ngày 23/6/2023. Đến nay, đang triển khai thực hiện các bước lựa chọn các nhà thầu khảo sát, thi công và giám sát công tác rà phá bom, mìn, vật nổ; lựa chọn nhà thầu tư vấn quản lý dự án hạng mục: Di dời hệ thống điện 110kV, 220kV, 500kV trình Bộ Công Thương thẩm định, phê duyệt làm cơ sở tổ chức lựa chọn nhà thầu xây lắp.
Tính đến ngày 30/6/2023, diện tích đất trong phạm vi GPMB đã rà soát, quy chủ đạt 186,9/230,9 ha chiếm tỷ lệ 80,9% ; diện tích đất trong phạm vi GPMB đã ban hành thông báo thu hồi đất và tổ chức kiểm đếm đạt 163,9/230,9 ha chiếm tỷ lệ 71% ; diện tích đã chi trả tiền bồi thường, thu hồi bàn giao cho chủ đầu tư đạt 149,6/190,9ha chiếm tỷ lệ 78,3%. Trong đó, đã trừ diện tích đất giao thông, thủy lợi khoảng 40 ha; số kinh phí đã bồi thường, hỗ trợ cho người dân đạt gần 743 tỷ đồng.
UBND tỉnh đã chấp thuận vị trí xây dựng các khu tái định cư, cải tạo mở rộng nghĩa trang tại các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ. Hiện nay, các huyện Văn Lâm, Văn Giang, Yên Mỹ đang tổ chức triển khai thực hiện lập quy hoạch xây dựng các khu tái định cư, cải tạo, mở rộng nghĩa trang và tổ chức thực hiện các bước tiếp theo theo quy định.
Đối với dự án thành phần 2.2, ngày 1/6/2023, UBND tỉnh phê duyệt dự án tại Quyết định số 1228/QĐ-UBND. Ngày 12/6/2023, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1266/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án thành phần 2.2, Sở Giao thông vận tải đang tổ chức triển khai công tác lựa chọn các nhà thầu tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra bước bản vẽ thi công, dự toán công trình.
Dự kiến đến ngày 31/12/2023 Tỉnh sẽ hoàn thành GPMB diện tích đất nông nghiệp còn lại (khoảng 6,57 ha); khoảng 14,3ha đất ở, khoảng 10,8ha đất doanh nghiệp; di chuyển khoảng 4,3 nghìn ngôi mộ...
Tại hội nghị, các ban ngành và địa phương báo cáo tình hình triển khai, những khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai thực hiện Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ đô Hà Nội. Bên cạnh đó, đề xuất một số giải pháp để tháo gỡ và đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trong thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên ghi nhận những nỗ lực của các sở, ngành trong việc triển khai Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng thủ thô Hà Nội đoạn qua địa phận tỉnh trong thời gian qua. Để bảo đảm tiến độ triển khai dự án, Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên yêu cầu sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Tập trung hoàn thành việc GPMB phần diện tích còn lại một cách nhanh nhất; đồng thời triển khai dự án thành phần 2.2 theo đúng kế hoạch đề ra.UBND tỉnh sớm có báo cáo, đề xuất Quốc hội điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án thành phần 1.2.
Các ngành, địa phương quản lý chặt chẽ diện tích đã GPMB, tránh trường hợp tái lấn chiếm. Khẩn trương hoàn thiện các thủ tục triển khai dự án trong thời gian nhanh nhất; tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời rà soát, điều chỉnh những bất cập, hạn chế trong quá trình triển khai. Dự kiến, đến ngày 30/9/2023 sẽ khởi công xây dựng dự án thành phần 2.2. Căn cứ vào kế hoạch tiến độ đề ra, các ngành, địa phương xây dựng phương án, kế hoạch cụ thể để thực hiện dự án.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động Nhân dân hiểu rõ vai trò, ý nghĩa của dự án. Thực hiện công khai, minh bạch các chính sách hỗ trợ, bảo đảm quyền lợi của người dân trong vùng dự án. Tập trung hoàn thành xây dựng các khu tái định cư, mở rộng, cải tạo nghĩa trang trước ngày 30/10/2023. Ban hành mức giá đất, hệ số điều chỉnh mức giá đất, bảo đảm nguồn cung vật liệu cho việc triển khai xây dựng dự án thành phần 2.2.
UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn các địa phương các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện GPMB. Có cơ chế hỗ trợ kịp thời cho các trường hợp tham gia trực tiếp vào công tác GPMB... Trong quá trình triển khai cần linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh, bảo đảm việc triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định, đáp ứng yêu cầu tiến độ... để đến ngày 31/12/2023, Hưng Yên sẽ hoàn thành GPMB 100% diện tích đất của dự án.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội sẽ giúp thúc đẩy các hoạt động thương mại, vận tải, thông thương giữa Hà Nội với các tỉnh thành thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, kết nối Thủ đô Hà Nội với tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh và các địa phương khác trong vùng.
Hà Nội phê duyệt và điều chỉnh chủ trương đầu tư 63 dự án đầu tư công, tổng vốn hơn 41.000 tỷ đồng
Chiều 4/7, tại Kỳ họp thứ 12, HĐND TP. Hà Nội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương điều chỉnh Dự án, phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư một số dự án đầu tư công của TP. Hà Nội.
Theo đó, HĐND TP. Hà Nội quyết nghị thống nhất chủ trương điều chỉnh dự án Xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP. Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo như phương án UBND TP. Hà Nội trình trước đó.
Quang cảnh kỳ họp. |
Phê duyệt chủ trương đầu tư của 49 dự án (gồm 2 dự án nhóm A; 39 dự án nhóm B và 9 dự án nhóm C), tổng mức đầu tư dự kiến 30.901 tỷ đồng.
Phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư của 14 dự án (1 dự án nhóm A, 12 dự án nhóm B, 1 dự án nhóm C) với tổng mức đầu tư dự kiến là 9.632 tỷ đồng.
HĐND TP. Hà Nội giao UBND TP. Hà Nội chỉ đạo các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư và các đơn vị liên quan rà soát, chuẩn xác quy mô, nội dung đầu tư, có giải pháp đấu nối thích hợp, khớp nối đồng bộ, lựa chọn phương án, giải pháp kỹ thuật phù hợp, đảm bảo không trùng lặp và tiết kiệm, hiệu quả và tổ chức triển khai thực hiện theo quy định; xác định nguồn gốc đất đai, xây dựng phương án, kinh phí giải phóng mặt bằng đảm bảo đúng chế độ, chính sách hiện hành.
Các Sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng nhiệm vụ được giao thường xuyên rà soát tiến độ đầu tư của các dự án; tăng cường kiểm tra nâng cao hiệu qua sử dụng vốn ngân sách tránh lãng phí, thất thoát trong quá trình đầu tư xây dựng công trình;
Đồng thời, hướng dẫn, phối hợp cùng chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án, giải quyết các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi giúp chủ đầu tư hoàn thành dự án đảm bảo đúng mục tiêu, tiến độ, chất lượng công trình.
Vốn FDI vào thủ phủ công nghiệp Bình Dương nửa đầu năm 2023 giảm 62,7%
Theo số liệu mới được Cục Thống kê Bình Dương công bố, trong 6 tháng đầu năm 2023, Bình Dương thu hút được 943,3 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI) giảm 62,7% so với cùng kỳ.
Trong đó, có 37 Dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư mới, tăng 23,3% so với cùng kỳ, với tổng số vốn đăng ký là 343,4 triệu USD, giảm 80,8% so với cùng kỳ.
Lãnh đạo tỉnh Bình Dương trao giấy phép tăng vốn đầu tư cho doanh nghiệp nước ngoài vào tháng 3 năm nay |
Cùng với dự án cấp mới, có 19 dự án điều chỉnh vốn, tăng 58,3% so với cùng kỳ, với tổng vốn điều chỉnh là 55 triệu USD, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ. Số dự án góp vốn, mua cổ phần là 67 dự án, giảm 18,3% so với cùng kỳ, với tổng vốn 544,9 triệu USD, giảm 24,8% so với cùng kỳ.
Như vậy, có thể thấy số dự án cấp mới và điều chỉnh vốn vẫn tăng nhưng số vốn đầu tư lại giảm mạnh so với cùng kỳ. Đây cũng là điều dễ hiểu vì cùng kỳ năm trước nhờ dự án của Tập đoàn LEGO với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD nên số vốn thu hút FDI của Bình Dương tăng vọt.
Dù vốn FDI vào “thủ phủ” công nghiệp Bình Dương giảm so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm trước, nhưng tín hiệu tích cực là các dự án đầu tư đều cam kết xây dựng nhà máy sản xuất “xanh” thân thiện với môi trường.
Mới đây, Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam (thuộc Tập đoàn Far Eastern) cho biết sẽ đầu tư thêm hơn 250 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại Bình Dương. Sau 2 lần tăng vốn tổng số vốn mà Far Eastern đầu tư vào Bình Dương đã tăng lên hơn 1 tỷ USD- đứng top đầu trong các dự án tỷ USD tại Bình Dương.
Ngoài ra, Tập đoàn Cheng Loong cũng chuẩn bị mở rộng nhà máy sản xuất (giai đoạn 2); Tập đoàn Procter & Gamble (P&G) tăng vốn đầu tư thêm 100 triệu USD để mở rộng dây chuyền sản xuất tại Bến Cát.
Trước đó, vào tháng 3/2023, tỉnh Bình Dương đã trao giấy phép tăng vốn đầu tư 300 triệu USD cho liên doanh giữa Tổng công ty Becamex và Quỹ đầu tư Warburg Pingcus (Hoa Kỳ) để thực hiện các dự án bất động sản công nghiệp.
Có một đặc điểm chung là các dự án cấp phép 6 thàng đầu năm nay đều được nhà đầu tư cam kết hướng đến sản xuất “xanh”, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Sự cam kết này cũng phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của tỉnh Bình Dương trong thời gian tới là thu hút đầu tư ngành công nghệ cao, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động.
Cần Thơ giải ngân vốn đầu tư công những tháng đầu năm 2023 chưa đáp ứng yêu cầu
Theo UBND TP. Cần Thơ, qua tổng hợp kết quả giải ngân chi tiết vốn đầu tư công theo số liệu của Kho bạc Nhà nước Cần Thơ, đến hết ngày 30/6/2023 đã giải ngân 3.002,719 tỷ đồng, đạt 37,04% kế hoạch vốn thực hiện được giao chi tiết, gấp 1,84 lần về giá trị và tăng 14,69% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022.
Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn Cần Thơ khởi công năm 2023, được bố trí vốn lớn (1.837 tỷ đồng), chiếm tỷ lệ 22,66% tổng vốn đầu tư công toàn thành phố. |
Trong đó, cấp thành phố có 28 chủ đầu tư, giải ngân 2.002,271/6.220,035 tỷ đồng, đạt 32,19%, gấp 2,18 lần về giá trị và tăng 15,85% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022. Cụ thể, có 7 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân trên 50%, 7 chủ đầu tư giải ngân từ 30% - 50%, 14 chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân dưới 30% (trong đó, có 2 chủ đầu tư chưa giải ngân là Sở Kế hoạch và Đầu tư và Văn phòng Thành ủy).
Cấp quận, huyện giải ngân 1.000,448/1.886,874 tỷ đồng, đạt 53,02%, tăng 284,857 tỷ đồng về giá trị và tăng 10,77% về tỷ lệ so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 6 quận,huyện có tỷ lệ giải ngân trên 50% kế hoạch vốn (Cờ Đỏ, Thốt Nốt, Bình Thủy, Ninh Kiều, Ô Môn, Thới Lai) và 3 quận, huyện có tỷ lệ giải ngân dưới 50% kế hoạch vốn (Phong Điền, Vĩnh Thạnh, Cái Răng).
Theo đánh giá của UBND TP. Cần Thơ, kết quả giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố những tháng đầu năm 2023 chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra.
Nguyên nhân khách quan gồm: Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, dự án thành phần 2 đoạn qua địa bàn TP. Cần Thơ là dự án khởi công mới năm 2023, được bố trí vốn lớn (1.837 tỷ đồng), chiếm tỷ lệ 22,66% tổng vốn đầu tư công toàn thành phố; các đơn vị đang trong giai đoạn kiểm kê, áp giá và trình phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thiết kế kỹ thuật - dự toán để chỉ định thầu xây lắp, nên trong những tháng đầu năm 2023 khối lượng giải ngân vốn chưa nhiều;
Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư gặp khó khăn, người dân vẫn còn khiếu nại về giá và chính sách hỗ trợ tái định cư. Hiện tượng người dân so sánh giá, chính sách hỗ trợ tái định cư giữa các dự án vốn trong nước và vốn ODA vẫn còn tiếp diễn. Từ đó, dẫn đến khiếu nại không hợp tác, nhiều dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư do tăng chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
Các dự án khởi công mới vào cuối năm 2022 được tạm ứng hợp đồng thi công theo quy định, nên những tháng đầu năm 2023, khối lượng hoàn thành ngoài công trường chỉ được thanh toán một phần, phần còn lại phải thực hiện hoàn tạm ứng theo quy định nên số vốn giải ngân chưa nhiều.
Tuy vậy, theo UBND TP. Cần Thơ, những tồn tại, hạn chế do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, đã ảnh hưởng đến kết quả giải ngân trong thời gian qua chậm được khắc phục.
Cụ thể, công tác khảo sát, thu thập số liệu để lập chủ trương đầu tư, dự án đầu tư chưa chuẩn xác, đặc biệt là việc khái toán kinh phí hỗ trợ, bồi thường và tái định cư còn quá thấp so với giá thị trường, dẫn đến khi vào triển khai thực hiện thì rất nhiều dự án có kinh phí bồi thường thực tế tăng rất nhiều so với quyết định đầu tư đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và làm vượt tổng mức đầu tư được duyệt. Từ đó, phải thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, mất nhiều thời gian và ảnh hưởng đến quá trình thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn; đồng thời đây cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến việc cân đối vốn trung hạn giai đoạn 2021-2025 của thành phố.
Bên cạnh đó, tiến độ thực hiện các khu tái định cư còn chậm, chưa thể bàn giao nền cho người dân. Từ đó, ảnh hưởng đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bàn giao mặt bằng một số dự án, nhất là các dự án trọng điểm, các dự án có sử dụng vốn ODA.
UBND TP. Cần Thơ cho rằng, mặc dù Thường trực Thành ủy, Thường trực UBND Thành phố đã tập trung chỉ đạo các giải pháp cụ thể, tuy nhiên trong từng trường hợp cụ thể, công tác phối hợp giữa chủ đầu tư các các cơ quan, đơn vị vẫn chưa thật sự chặt chẽ, chưa phát huy hiệu quả trong giải quyết công việc.
Vì sao vốn dự án kè, tôn tạo cảnh quan Nam sông Trà Khúc tăng thêm 180 tỷ đồng?
Theo đề xuất điều chỉnh mà UBND tỉnh đã trình HĐND Quảng Ngãi, tổng vốn đầu tư của Dự án (kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ Nam sông Trà Khúc) sẽ là 380 tỷ đồng, tăng khoảng 180 tỷ đồng và thời gian thi công từ 2023 – 2026.
Trong tổng vốn 380 tỷ đồng (sau khi được cấp thẩm quyền Quảng Ngãi đồng ý cho điều chỉnh chủ trương), phần ngân sách Trung ương khoảng 256 tỷ đồng, còn lại là ngân sách của tỉnh.
Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, lý do đề nghị điều chỉnh chủ trương đầu tư của dự án là vì quá trình thực hiện bước lập dự án, các đơn vị liên quan nhận thấy, cần tạo ra không gian kiến trúc cảnh quan khu vực này, xứng tầm với khu vực đô thị cửa ngõ vào TP.Quảng Ngãi.
Sông Trà Khúc. Ảnh minh họa |
Sau khi hoàn thành, dự án sẽ đảm bảo chống sạt lở bờ Nam sông Trà Khúc (đoạn từ cầu Trà Khúc 1 - bến Tam Thương); tạo quỹ đất mở rộng không gian xây dựng công viên và hình thành công trình điểm nhấn, tạo không gian quảng trường nhằm khai thác lợi thế từ dòng sông Trà Khúc cho phát triển cảnh quan, du lịch; góp phần thiết lập không gian vui chơi, giải trí, tạo động lực phát triển đô thị.
Được biết dự án kè chống sạt lở và tôn tạo cảnh quan bờ Nam sông Trà Khúc, có tuyến kè dài khoảng 1,2km (điểm đầu giáp cầu Trà Khúc 1, điểm cuối giáp tuyến đường Trường Sa, TP.Quảng Ngãi) và công viên cây xanh, kết hợp dịch vụ cảnh quan đô thị, do Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh làm chủ đầu tư.
Theo chủ trương đầu tư đã được HĐND tỉnh phê duyệt trước đó (Nghị quyết số 74/NQ-HĐND, ngày 12/10/2021), tổng vốn dự án khoảng 200 tỷ đồng, gồm nguồn vốn Trung ương là 150 tỷ đồng; phần còn lại là ngân sách tỉnh.
Trước đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh từng nhận định, đô thị Quảng Ngãi thời gian qua phát triển chậm hơn, so với các đô thị trong cả nước có dòng sông đi qua trung tâm thành phố.
Quảng Ngãi chưa tạo được các dự án ven sông Trà Khúc, để đáp ứng cho nhu cầu vui chơi giải trí của người dân; đồng thời khai thác lợi thế của con sông này (Trà Khúc), để phát triển các dự án phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội...
Liên quan đến dự án này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu dự án phải đạt được đa mục tiêu, chống sạt lở phía Nam sông Trà Khúc, tạo quỹ đất mở rộng không gian phía Nam TP.Quảng Ngãi; đảm bảo chất lượng, mỹ thuật…để phục vụ phát triển du lịch, nhu cầu vui chơi giải trí của người dân.
Đà Nẵng bắt tay kêu gọi các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới
Thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới của Thành phố.
Đề án của TP.Đà Nẵng đã đề ra những mục tiêu quan trọng cho định hướng thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp (KCN) trong giai đoạn 2022 – 2025 và tầm nhìn năm 2030.
Thành phố Đà Nẵng vừa phê duyệt Đề án nghiên cứu kêu gọi, xúc tiến các nhà đầu tư lớn vào các khu công nghiệp mới . |
Hiện trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 6 KCN, tổng diện tích hơn 1.066 ha đang hoạt động. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển các KCN thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, với việc bổ sung 3 KCN mới là Hòa Cầm - Giai đoạn 2, Hòa Nhơn, Hòa Ninh, với diện tích tăng thêm là 880ha.
Như vậy, tính đến cuối năm 2020, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có 9 KCN, với 7 KCN nằm trong quy hoạch phát triển các KCN Việt Nam, 1 KCN được chuyển đổi một phần (KCN dịch vụ thủy sản Đà Nẵng) và 1 KCN được chuyển đổi nằm ngoài quy hoạch các KCN thành phố Đà Nẵng giai đoạn tới là KCN Đà Nẵng.
Theo định hướng thu hút đầu tư, TP. Đà Nẵng đặt mục tiêu, tổng vốn đầu tư đăng ký vào các KCN đến năm 2030 đạt khoảng 10.000 tỷ đồng và 800 triệu USD. Trong đó, tăng dần tỷ suất thu hút đầu tư các Dự án trên 1 ha đất công nghiệp của KCN thêm khoảng 20% vào năm 2025 và 30% vào năm 2030.
Ngoài ra, có 2 KCN được xây dựng và bước đầu thực hiện kế hoạch chuyển đổi 2 KCN hiện hữu thành KCN sinh thái. Tỷ lệ KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt 100% vào năm 2025. Phấn đấu đáp ứng từ 30% nhu cầu nhà ở của người lao động trong KCN đến năm 2030. Giải quyết việc làm cho 2.000 lao động vào năm 2025 và 10.000 lao động vào năm 2030.
Thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai đầu tư hình thành 4 KCN mới theo Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung gồm: KCN Hòa Cầm giai đoạn 2, KCN Hòa Nhơn, KCN Hòa Ninh và bổ sung vào quy hoạch 1 KCN mới.
Tổng diện tích 4 KCN mới dự kiến khoảng 1.227 ha. Trong đó ưu tiên thu hút đầu tư vào các KCN theo hướng công nghiệp chuyên sâu, hình thành các cụm liên kết công nghiệp với các KCN hiện hữu.
Thành phố Đà Nẵng có định hướng cụ thể cho những nhóm nghề thu hút đầu tư vào các KCN mới. Theo đó, KCN Hòa Ninh với nhóm ngành nghề công nghiệp điện tử, cơ khí, sản xuất hàng tiêu dùng, dược phẩm... Phấn đấu thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 100 triệu đô la Mỹ, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 5 triệu đô la Mỹ/ha.
Khu công nghiệp Hòa Nhơn với nhóm ngành nghề công nghiệp nhẹ, vật liệu xây dựng cao cấp… Phấn đấu thu hút ít nhất 2 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 60 triệu đô la Mỹ, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 4 triệu đô la Mỹ/ha.
Khu công nghiệp Hòa Cầm giai đoạn 2 với nhóm ngành nghề lắp ráp cơ khí, chế tạo phụ tùng điện và điện tử, sản xuất hàng tiêu dùng, đồ gia dụng. Phấn đấu thu hút ít nhất 1 dự án đầu tư có quy mô vốn trên 50 triệu đô la Mỹ, ưu tiên thu hút các dự án có suất đầu tư từ 4 triệu đô la Mỹ/ha.
Thành phố Đà Nẵng ưu tiên thu hút nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp phụ trợ, các dự án có công nghệ tiên tiến hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên, khoáng sản, đất tạo điều kiện và tăng cường liên kết với các doanh nghiệp trong nước, nước ngoài.
Đồng thời, thu hút các tập đoàn lớn, nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính và năng lực kinh nghiệm, sử dụng công nghệ cao nhằm góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của thành phố…
Doanh nghiệp Đức muốn mở rộng đầu tư và tuyển thêm lao động tại Việt Nam
Đây là số liệu do Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức (AHK Việt Nam) công bố sau khi khảo sát doanh nghiệp Đức tại Việt Nam mới nhất - AHK World Business Outlook - Mùa Xuân 2023.
Theo AHK Việt Nam, nhờ việc triển khai nhanh chóng các kế hoạch hành động của Chính phủ và điều kiện kinh tế vĩ mô ổn định, Việt Nam đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế tích cực. Bởi vậy, các doanh nghiệp Đức đang hoạt động tại Việt Nam lạc quan hơn so với năm 2022.
Các doanh nghiệp Đức tại Việt Nam muốn mở rộng đầu tư, tuyển thêm lao động tại Việt Nam trong 12 tháng tới. (Ảnh: Lê Toàn) |
Có 88% số người tham gia khảo sát tự tin với tình hình kinh doanh của họ tại Việt Nam (hài lòng và tốt) và gần một nửa số doanh nghiệp kỳ vọng tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục ổn định, trong khi 21% trong số họ tin tưởng tình hình sẽ cải thiện.
Các nhà đầu tư Đức bày tỏ sự lạc quan với triển vọng thị trường Việt Nam. Tuy nhiên, họ vẫn thận trọng trong những dự định ngắn hạn do rủi ro đến từ những biến động kinh tế toàn cầu gây ra như: nhu cầu toàn cầu thấp (51%), quan ngại về chính sách phát triển kinh tế (46%), thiếu hụt lao động có tay nghề (34%) và nguy cơ gián đoạn chuỗi cung ứng (28%).
Thêm vào đó là những thách thức địa chính trị dài hạn mà các doanh nghiệp đang phải đối mặt, đặc biệt trong lạm phát/chính sách tiền tệ (41%), sự phân mảnh của nền kinh tế toàn cầu (41%) và sự gia tăng ảnh hưởng chính trị đối với chuỗi cung ứng (40%).
Dù vậy, nền kinh tế Việt Nam được kỳ vọng sẽ phục hồi tăng trưởng trong trung hạn. Sự tăng trưởng này sẽ được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố bao gồm các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là EVFTA, việc triển khai chiến lược “Trung Quốc +1”....
“Có 57% nhà đầu tư Đức tại Việt Nam ưu tiên đa dạng hóa chuỗi cung ứng của họ. Trong đó Việt Nam là lựa chọn hàng đầu, tiếp theo là Malaysia và Thái Lan”, kết quả khảo sát của AHK Việt Nam nêu.
Từ những kết quả khảo sát trên, AHK Việt Nam đề xuất, nên trang bị cho người lao động các kỹ năng theo tiêu chuẩn của Đức, tận dụng Công nghiệp 4.0 và chuyển đổi kỹ thuật số. Mục đích nhằm giải quyết tình trạng thiếu hụt lực lượng lao động lành nghề.
Ưu tiên nâng cao năng lực cạnh tranh của các nhà cung cấp địa phương để duy trì vai trò của họ trong chuỗi cung ứng toàn cầu và của Đức. Đồng thời tuân thủ các quy định về phát triển bền vững như ESG, đạo luật thẩm định chuỗi cung ứng của Đức.
Khuyến nghị cụ thể hóa và khẩn trương xây dựng kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện VIII để khuyến khích sản xuất điện tái tạo. Đơn giản hóa, số hóa và hợp lý hóa các thủ tục hành chính để tận dụng Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA).
Đắk Lắk thúc tiến độ giải phóng mặt bằng cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột
Ngày 6/7, tỉnh Đắk Lắk đã họp về tình hình thực hiện và giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1.
Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk, tính đến đầu tháng 7/2023, tại dự án thành phần 3, thuộc tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột các địa phương đã tiến hành giải phóng mặt bằng, chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho dân.
Lãnh đạo tỉnh Đắk Lắk trong lần kiểm tra công tác giải phóng mặt bằng cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột. |
Cụ thể, tại địa bàn huyện Ea Kar đã làm xong công tác đo đạc trích lục diện tích đất có cao tốc đi qua và thông báo thu hồi 81,2ha đất (tổng 83,69ha). Cơ quan chức năng đã tổ chức bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư với diện tích 17,6ha đất tương ứng với 2,37km (11,21km). Huyện Krông Pắc đã tổ chức bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư với diện tích đất 39,5ha tương ứng với chiều dài 3,99km.
Riêng ở huyện Cư Kuin đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ với tổng số tiền bồi thường, hỗ trợ lên tới 33,2 tỷ đồng cho 2 tổ chức và 65 hộ gia đình, cá nhân và tổ chức bàn giao mặt bằng chủ đầu tư với diện tích 12,58ha đất tương ứng với 2,25km.
Đối với huyện Krông Bông thì diện tích thu hồi đất đi qua địa bàn chủ yếu là đất lâm nghiệp (158 ha/169 ha) chưa nhận được kết quả phê duyệt đơn giá đền bù cho cây keo của nhân dân tự trồng, không có cơ sở để lập Phương án đền bù giải phóng mặt bằng theo quy định. Trong khi đó, diện tích thu hồi đất trên địa bàn huyện có hơn 70% là diện tích trồng keo, điều này đã làm ảnh hưởng đến tiến độ GPMB theo yêu cầu đề ra.
Theo đánh giá, công tác giải phóng mặt bằng toàn tuyến cao tốc đi qua địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã chậm so với kế hoạch đề ra, các địa phương chỉ mới bàn giao 8,61km (tổng 48,09 km).
Dự kiến trong 6 tháng cuối năm 2023, tất cả các địa phương đều phải bàn giao 100% mặt bằng sạch để chủ đầu tư triển khai dự án, đảm bảo tiến độ của dự án.
Tại cuộc họp, Phó chủ tịch tỉnh Đắk Lắk Võ Văn Cảnh đã yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung làm tốt nhiệm vụ giải ngân kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng để thi công Cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1 đúng tiến độ, đảm bảo ứng vốn, hoàn ứng và chi bồi thường minh bạch đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, ông Võ Văn Cảnh cũng giao Sở tài chính chủ trì lập phương án phân bổ ưu tiên nguồn lực Trung ương bố trí cho giải phóng mặt bằng; quan tâm bố trí nguồn vốn kịp thời, giải ngân đúng tiến độ cho dự án trọng điểm của tỉnh. Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì phối hợp các ngành sớm tham mưu báo cáo UBND tỉnh kết quả thẩm định phương án giá rừng trồng cây Keo lai và cây Bời lời theo quy định …
Dự án Đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, giai đoạn 1 đã được khởi công trong ngày 18/6/2023. Dự án có tổng chiều dài 117,5 km, tổng mức đầu tư 21.935 tỷ đồng, đi qua tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Khánh Hòa, được chia làm 3 dự án thành phần.
Trong đó, Dự án thành phần 1 do UBND tỉnh Khánh Hòa làm cơ quan chủ quản, Dự án thành phần 2 do Ban Quản lý dự án 6 (Bộ GTVT làm cơ quan chủ quản) và Dự án thành phần 3 do UBND tỉnh Đắk Lắk làm cơ quan chủ quản.
6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ngãi thu ngân sách hơn 12.700 tỷ đồng
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh cho biết trong 6 tháng, thu ngân sách nhà nước của tỉnh Quảng Ngãi đạt 12.733 tỷ đồng.
Cụ thể, trong 6 tháng, Quảng Ngãi thu đạt 12.733 tỷ đồng, đạt trên 54,4% thu ngân sách nhà nước do trung ương giao cho tỉnh trong năm 2023 là 23.187 tỷ đồng. Nếu tính gia hạn 1.400 tỷ đồng thì 6 tháng đầu năm, thu ngân sách của tỉnh Quảng Ngãi đạt trên 14.000 tỷ đồng.
Quảng Ngãi thu ngân sách đạt hơn 12.700 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Ảnh minh họa |
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, mặc dù trong năm 2023, Quảng Ngãi đưa ra dự báo tăng trưởng kinh tế ở mức âm, nhưng trong 6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng của tỉnh đạt 2,65%. Tổng mức đầu tư toàn xã hội của tỉnh là 15.300 tỷ đồng, đã phân bổ 100% vốn đầu tư công năm 2023, giải ngân đạt 39,63%, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành.
Về công tác giải phóng mặt bằng Dự án đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông đoạn Quảng Ngãi- Hoài Nhơn, thực hiện đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Quảng Ngãi đã bàn giao 100% đất nông nghiệp.
Quảng Ngãi đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Dung Quất vào tháng 2/2023 và đang hoàn thiện quy hoạch tỉnh để trình Thủ tướng phê duyệt trong tháng 7/2023.
Về nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, Quảng Ngãi quyết tâm thực hiện đạt và vượt các mục, chỉ tiêu kinh tế- xã hội đã đề ra trong năm 2023.
Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng có kiến nghị các Bộ, ngành khi ban hành thông tư hướng dẫn cần giảm bớt nội dung cần thông qua HĐND cấp tỉnh; giảm bớt thủ tục hành chính khi thực hiện 3 chương trình mục tiêu, nhất là nghị quyết 88 về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; sớm phân bổ nguồn vốn chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội; nghiên cứu đề xuất cấp có thẩm quyền cho phép các tỉnh có nguồn cải cách tiền lương còn nhiều được sử dụng một phần để chi đầu tư nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện đất nước đang khó khăn.
Quảng Trị đầu tư 108 tỷ đồng hoàn thiện hạ tầng cửa khẩu quốc tế La Lay
UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, vừa phê duyệt điều chỉnh dự án san nền và hạ tầng kỹ thuật thiết yếu tại khu vực trung tâm cửa khẩu quốc tế La Lay – tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2.
Cơ sở hạ tầng tại khu vực cửa khẩu quốc tế La Lay chưa hoàn thiện khiến các phương tiện qua lại thông quan gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Long Hà |
Theo đó, Dự án có mục tiêu xây dựng đường giao thông kết nối Nhà kiểm soát liên hợp với đường giao thông tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi phục vụ hành khách và phương tiện vận tải lưu thông qua cửa khẩu. Góp phần hoàn thiện hệ thống trục đường trung tâm cửa khẩu quốc tế La Lay.
Quy mô đầu tư điều chỉnh dự án đó là bổ sung đầu tư xây dựng đường giao thông kết nối đường chính với Trạm kiểm soát liên hợp cửa khẩu quốc tế La Lay bằng bê tông xi măng với diện tích khoảng 8.326m2 với 3 đoạn (Km11+692,70 đến Km11+673,35; Km11+673,35 đến Km11+717,35; Km11+851 đến Km11+908).
Dự án do BQL Khu kinh tế Quảng Trị làm chủ đầu tư và Công ty CP tư vấn giao thông Quảng Trị được giao tổ chức tư vấn khảo sát, lập điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu khả thi.
Tổng mức đầu tư sau điều chỉnh của dự án là 108 tỷ đồng. Trong đó, Ngân sách Trung ương hỗ trợ 85 tỷ đồng, nguồn vốn đấu giá quyền sử dụng đất tại các khu kinh tế (của Quảng Trị) là 9 tỷ đồng, và nguồn vốn bổ sung từ nguồn thu phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng cửa khẩu là 14 tỷ đồng. Dự án dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2024.
Được biết, Cửa khẩu quốc tế La Lay, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị nối 4 tỉnh Nam Lào và Đông Bắc Thái Lan với các cảng biển ở miền Trung. Thời gian gần đây, khối lượng than nhập từ Lào vào Việt Nam tăng đột biến khiến cửa khẩu quốc tế La Lay thường xuyên lâm vào tình trạng quá tải. Tuy vậy, do nhiều hạ mục hạ tầng nơi đây đang thi công dang dở, cộng thêm giao thông kết nối bị xuống cấp nghiêm trọng khiến các phương tiện xe cộ qua cửa khẩu bị ùn tắc dài, đặc biệt ở khu vực làm thủ tục.
Hưng Yên: Ra mắt khu công nghệ cao Đài Loan tại khu công nghiệp số 5
Mới đây, CTCP đầu tư khu công nghiệp Yên Mỹ đã phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đài tổ chức hội thảo xúc tiến đầu tư và lễ ra mắt Khu công nghệ cao Đài Loan.
Buổi lễ có sự góp mặt của đoàn cố vấn kinh tế tỉnh Hưng Yên; Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc; Đại diện Ban cố vấn chiến lược văn phòng Chính quyền Đài Loan; Đại diện ban chấp hành Công hội điện tử và hơn 100 doanh nghiệp điện tử, các ngành công nghệ kỹ thuật cao đang tìm hiểu thị trường Việt Nam để đầu tư đến tham dự.
Buổi lễ có sự tham gia của hơn 100 khách mời đại biểu và doanh nghiệp Đài Loan. |
Tại buổi lễ, ông Tần Gia Hồng, đại diện Ban cố vấn chiến lược Văn phòng Chính quyền Đài Loan chia sẻ: “Sự phát triển về hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Đài Loan trong những năm gần đây đã gặt hái được nhiều thành quả tích cực và ngày càng có nhiều doanh nghiệp Đài Loan nghiên cứu, tìm hiểu và đầu tư tại Việt Nam. Để có được kết quả như trên phải kể đến sự hỗ trợ to lớn của Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc trong những năm qua đã tích cực thúc đẩy và xúc tiến thành công nhiều hợp tác song phương.”
Bên cạnh đó ông cũng khẳng định vai trò và sự đóng góp đáng kể của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Đài trong những xúc tiến hợp tác về kinh tế, văn hóa và giáo dục giữa Việt Nam và Đài Loan.
Cũng tại buổi lễ, ông Vũ Tiến Dũng, Chủ nhiệm Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc có lời chúc mừng các bên đã nghiên cứu và phát triển một mô hình hợp tác mới.
“Hiện nay làn sóng các tập đoàn doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Việt Nam đang tăng trưởng mạnh, trong 6 tháng đầu năm 2023, tổng mức đầu tư FDI của doanh nghiệp Đài Loan đã đạt tới 543 triệu USD, vượt tổng mức đầu tư FDI của cả năm 2022, mong rằng những hợp tác này sẽ phát triển mạnh mẽ, vượt bậc hơn nữa trong các năm sắp tới”, ông Dũng nhấn mạnh.
Việc thành lập khu công nghệ cao Đài Loan nằm trong khu công nghiệp số 5 tại tỉnh Hưng Yên nhằm thu hút các chuỗi ngành sản xuất và cung ứng tập trung đã được hỗ trợ, đóng góp rất lớn từ Chủ nhiệm ủy ban hợp tác ICT của Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Đài kiêm Ủy viên ban chấp hành Công hội điện tử, ông Trần Hồng Khâm. Tại buổi lễ Ông Khâm cũng chia sẻ cho biết, các doanh nghiệp Đài Loan hiện đang đối mặt với những thử thách với những thách thức mới nên các doanh nghiệp Đài Loan chúng tôi phải tìm kiếm cơ hội để phát triển sản xuất ở một thị trường mới.
Ông Khâm còn chia sẻ: “Chúng tôi nhận thấy Việt Nam là một thị trường có khá nhiều lợi thế để các doanh nghiệp Đài Loan phát triển sản xuất. Với thị trường khoảng 100 triệu dân, vị trí địa lý, văn hóa tương đồng,…Việt Nam đã trở thành lựa chọn hàng đầu cho các doanh nghiệp chúng tôi chọn đến đầu tư.”
Hiện nay, rất nhiều tỉnh, thành phố Việt Nam phát triển mạnh về khu công nghiệp và đã thu hút nhiều nhà đầu tư đến từ Đài Loan, với mô hình khuôn viên trong khuôn viên, tập trung chuỗi ngành sản xuất và cung ứng công nghệ cao tập trung trong khu công nghiệp này, các doanh nghiệp Đài Loan đã đánh giá là sẽ mang lại nhiều lợi thế hơn cho các doanh nghiệp sản xuất công nghệ điện tử đầu tư sản xuất tại đây .
Song song với đó, với vai trò kết nối thúc đẩy đưa các doanh nghiệp Đài Loan đầu tư vào Việt Nam trong nhiều năm qua, Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đài với nhiều năm kinh nghiệm đã phát huy hiệu quả với những hợp tác thực tiễn của một tổ chức phi lợi nhuận.
Cũng tại buổi lễ, bà Ngô Phẩm Trân, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt - Đài cho biết,tỉnh Hưng Yên có lợi thế rất lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, bởi tỉnh Hưng Yên nằm ở phía đông của thủ đô Hà Nội và được kết nối bằng hệ thống đường cao tốc, đường quốc lộ lớn nên rất thuận lợi trong công tác vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, Hưng Yên nằm ở vị trí trung tâm của đồng bằng Sông Hồng, cùng với hệ thống đường giao thông trong tỉnh được đầu tư đồng bộ trong các năm qua nên việc giao thương, kết nối với các tỉnh lân cận rất thuận lợi, dễ dàng thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Trong những năm gần đây, tỉnh Hưng Yên đã phát triển khá nhanh, hình thành nhiều khu công nghiệp, có nhiều phúc lợi và ưu đãi cho các nhà đầu tư, đây cũng là cơ hội và điểm sáng cho các doanh nghiệp Đài Loan. Khu công nghệ cao Đài Loan còn là nơi thu hút các chuỗi ngành sản xuất và cung ứng tập trung đầu tiên với tên gọi TICP được đặt trong Khu công nghiệp số 5 của tỉnh Hưng Yên.
Khu công nghiệp có diện tích gần 200ha và hiện đã có gần 10 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, dự kiến phấn đấu đến hết năm 2023 TICP sẽ thu hút khoảng 30 doanh nghiệp với tỷ lệ lấp đầy khoảng 50% diện tích.
Cũng tại buổi lễ, Văn phòng Kinh tế Văn hóa Việt Nam tại Đài Bắc và đại diện Ủy viên ban chấp hành Công hội điện tử Đài Loan, lãnh đạo Công ty cổ phần khu công nghiệp số 5 đã cùng 4 doanh nghiệp điện tử Đài Loan tiến hành ký kết biên bản ghi nhớ đầu tư tại khu công nghệ cao - Khu công nghiệp số 5, tỉnh Hưng Yên.
JAC - CONINCO trúng gói thầu tư vấn giám sát nhà ga sân bay Long Thành
Ngày 7/7, tại TP.HCM, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đã ký kết và trao hợp đồng tư vấn giám sát nhà ga sân bay Long Thành (gói thầu 5.12) cho Liên danh nhà thầu JAC – CONINCO (Japan Airport Consultants, Inc. và Công ty cổ phần tư vấn công nghệ, thiết bị và kiểm định xây dựng – CONINCO).
Lễ ký hợp đồng giữa ACV và Liên danh nhà thầu JAC – CONINCO |
Gói thầu 5.12 “tư vấn giám sát, thẩm tra thiết kế bản vẽ thi công công trình nhà ga hành khách” sân bay quốc tế Long Thành có giá trị hơn 630 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến là 33 tháng.
Phát biểu tại buổi lễ ký kết hợp đồng, ông Nguyễn Tiến Việt, Phó Tổng giám đốc ACV cho biết, với kinh nghiệm, năng lực, nguồn lực và tinh thần trách nhiệm cao nhất, Liên danh nhà thầu JAC – CONINCO sẽ song hành với ACV để hoàn thành nhiệm vụ tư vấn theo đúng tiến độ quy định với chất lượng cao nhất.
ACV cũng cam kết đồng hành, tạo điều kiện và hỗ trợ liên danh nhà thầu, cùng tháo gỡ những vướng mắc để 2 bên đạt được tiếng nói chung trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Về phía nhà thầu, ông Ryohei Yamada và ông Nguyễn Văn Công – đại diện Liên danh JAC-CONINCO khẳng định sẽ nỗ lực tối đa để cùng chủ đầu tư về đích đúng tiến độ với chất lượng cao nhất với khẩu hiệu “We can do it” (Chúng ta sẽ làm được).
Trước đó ngày 6/7, tại buổi làm việc với tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Tiến Việt, Phó tổng giám đốc ACV, cho biết dự kiến, trong tháng 7, ACV hoàn thành việc chấm thầu, lựa chọn nhà thầu đối với gói thầu thi công nhà ga hành khách, đến tháng 8/2023 sẽ khởi công xây dựng.
Đối với các hạng mục đường cất, hạ cánh, sân đỗ tàu bay… cũng được đồng loạt khởi công trong tháng 8 và 9/2023.
Không còn ưu đãi về thuế, TP.HCM nên tập trung cải thiện môi trường đầu tư
Nhiều doanh nghiệp FDI và chuyên gia khuyến nghị TP.HCM nên tập trung cải thiện môi trường đầu tư để tăng thu hút FDI vì hiện nay các lợi thế ưu đãi về thuế không còn.
Khuyến nghị này được các doanh nghiệp đưa ra tại Hội thảo tăng cường thu hút đầu tưvà đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư diễn ra ngày 7/7 tại TP.HCM
Theo số liệu báo của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM, trong 6 tháng đầu năm 2023 vốn FDI “rót” vào Thành phố đạt 2,8 tỷ USD, tăng 30,7% so với cùng kỳ. Vốn FDI vào TP.HCM “bật tăng” trong 6 tháng đầu năm đã cho thấy tình hình kinh tế của TP.HCM có sự khởi sắc trong quý II sau khi giảm sâu ở quý I/2023.
Đó là một tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh sự cạnh tranh trong thu hút FDI giữa các quốc gia ngày một gia tăng. Thế nhưng câu hỏi đặt ra là Thành phố cần làm gì để tiếp tục giữ vững sức hút đối với dòng vốn FDI nhất là khi chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (GMT), sẽ áp dụng cho 141 quốc gia, bao gồm cả Việt Nam, bắt đầu từ năm 2024.
Bà Cao Thị Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và đầu tư TP.HCM (ITPC) cho rằng, nếu không tính đến ưu đãi về thuế nữa thì vấn đề còn lại trong thu hút FDI tại TP.HCM chính là tập trung cải thiện môi trường đầu tư.
Bà cho rằng, Thành phố cần có một chính sách mang tính chiến lược, lâu dài để các nhà đầu tư cũ yên tâm mở rộng quy mô, đồng thời tạo được lực hút cho các nhà đầu tư mới. Và một trong những mục tiêu trọng tâm cần quan tâm trong thời gian tới là đề xuất giải pháp pháp lý hiệu quả cho nhà đầu tư tại Thành phố, nhằm tạo một môi trường pháp lý lành mạnh và trong sạch, để nhà đầu tư nước ngoài có thể yên tâm ổn định đầu tư và kinh doanh lâu dài.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Michele D’Ercole, Chủ tịch Phòng Thương mại Italia tại Việt Nam (ICHAM) phản ánh, hiện nay thủ tục thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam nói chung và TP.HCM của nhà đầu tư Italia còn phức tạp cần được hỗ trợ.
Ông cho rằng các quy trình thủ tục đầu tư cần được minh bạch hơn, TP.HCM nên quan tâm đến các chính sách hỗ trợ về pháp lý khi doanh nghiệp đến tìm hiểu môi trường đầu tư.
Dây chuyền sản xuất vật liệu tổng hợp composite của Công ty NIKKISO (Nhật Bản) tại TP.HCM. Ảnh: Lê Toàn |
Cũng gặp vướng mắc về pháp lý, ông Nguyễn Hải Minh, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cho biết, hiện có đến 80% doanh nghiệp châu Âu gặp vướng mắc về các thủ tục liên quan đến visa, giấy phép lao động khi đầu tư tại Việt Nam.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp châu Âu đang có ý định đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng và năng lượng tại Việt Nam và đang có xu hướng đầu tư phát triển theo chuỗi giá trị.
Vì vậy, TP.HCM cần đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng giao thông, dịch vụ thương mại và tiếp tục cải thiện mạnh mẽ thủ tục hành chính liên quan đến tính minh bạch trong chính sách thuế, đơn giản hóa việc cấp giấy phép lao động... để nhà đầu tư yên tâm "rót" vốn.
Đề xuất giải pháp để TP.HCM tiếp tục thu hút nhà đầu tư FDI, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho rằng, Thành phố cần tập trung vào một số điểm mấu chốt gồm thể chế, nhân lực, vấn đề pháp lý...
"Sắp tới, khi thực hiện Nghị quyết 98, có thể sẽ có những xung đột hoặc chưa phù hợp giữa cơ chế chính sách đặc thù với cơ chế chung, cần có hướng xử lý" ông Lộc đề xuất.
Đối với vấn đề pháp lý mà doanh nghiệp FDI nêu ý kiến hỗ trợ, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng cần triển khai một diễn đàn hỗ trợ pháp lý đầu tư thường niên giúp cho các doanh nghiệp nước ngoài cập nhật các thông tin mới về thủ tục, quy định pháp luật.
Từ đó, nhà đầu tư và doanh nghiệp có thể xây dựng chiến lược hoạt động phù hợp với sự thay đổi của pháp luật để nắm bắt và kịp thời ứng phó với những vấn đề phát sinh ngoài kế hoạch, giảm thiểu tối đa rủi ro và các tranh chấp.
Giao nhà đầu tư lập hồ sơ đề xuất dự án cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo
Ngày 7/7, Sở GTVT tỉnh Quảng Trị cho biết đã có văn bản tham mưu với UBND tỉnh về đơn vị lập hồ sơ đề xuất Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
Cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo sẽ chạy song song với Quốc lộ 9 hiện hữu. Ảnh: Ngọc Tân |
Trước đó, vào tháng 5/2022, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý giao UBND tỉnh Quảng Trị làm cơ quan có thẩm quyền triển khai thực hiện Dự án này theo phương thức đối tác công tư (PPP) và yêu cầu UBND tỉnh Quảng Trị chịu trách nhiệm toàn diện về nội dung đề xuất.
Ngày 7/7/2022, Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải (Tập đoàn Sơn Hải) đã có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc xin đầu tư Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo (tỉnh Quảng Trị) theo phương thức đối tác công tư, và cam kết tự bỏ kinh phí để thực hiện các thủ tục giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Trên cơ sở đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải, ngày 23/8/2022, UBND tỉnh Quảng Trị đã có công văn giao Sở GTVT tỉnh phối hợp với các đơn vị tham mưu UBND tỉnh xem xét các kiến nghị của nhà đầu tư.
Ngày 29/8/2022, các sở, ban, ngành tỉnh Quảng Trị đã họp và thống nhất các nội dung liên quan đến các đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải; Ngày 30/8/2022, Sở GTVT Quảng Trị có văn bản báo cáo UBND tỉnh Quảng Trị về các nội dung tại cuộc họp.
Đến ngày 3/7/2023, UBND tỉnh Quảng Trị có văn bản về việc tham mưu đơn vị lập hồ sơ đề xuất Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo.
Theo Sở GTVT Quảng Trị cho biết, căn cứ vào các quy định và chủ trương được thông qua, Sở vừa có kiến nghị UBND tỉnh Quảng Trị chấp thuận Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư đề xuất dự án để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo tỉnh Quảng Trị theo phương thức đối tác công tư (PPP). Thời gian khảo sát, nghiên cứu dự kiến 3 tháng. Nhà đầu tư được chấp thuận tự bỏ ra kinh phí để tổ chức khảo sát, nghiên cứu đề xuất dự án.
Ông Lê Đức Tiến, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết, chủ trương đồng ý để Tập đoàn Sơn Hải là nhà đầu tư đề xuất dự án để lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo cũng được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất tại thông báo kết luận ngày 21/6/2023 vừa qua.
"Tập đoàn Sơn Hải là nhà thầu có năng lực, từng thực hiện nhiều dự án giao thông lớn trong nước nên hoàn toàn đủ khả năng để thực hiện dự án. Vấn đề quan trọng hiện nay là phần vốn Nhà nước tại dự án. Hiện nay nguồn vốn trung hạn đã sắp xếp hết cả rồi nên việc thu xếp vốn cho dự án cũng sẽ hơi khó khăn. Về nguyên tắc, dự án PPP theo hình thức BOT nhà đầu tư phải thu phí khai thác để hoàn vốn, mà thời gian khai thác khoảng 25 năm, nên theo tính toán đánh giá sơ bộ sẽ không đủ hoàn vốn. Do vậy, Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm cho phần vốn thêm này để thực hiện các thủ tục đầu tư, giải phóng mặt bằng...", ông Tiến thông tin.
Được biết, tuyến đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo dự kiến dài 70km, quy mô 4 làn xe, chạy theo hướng Đông - Tây của tỉnh Quảng Trị; điểm đầu đấu nối với cao tốc Bắc - Nam phía Đông, thuộc địa phận huyện Cam Lộ, và điểm cuối nối Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo, thuộc huyện Hướng Hóa.
Tuyến đường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quy hoạch mạng phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến 2030 (Quyết định số 326-QĐ/TTg ngày 1/3/2016) và Quy hoạch mạng đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1/9/2021).
Theo đề xuất của Tập đoàn Sơn Hải, tổng mức đầu tư thực hiện dự án đường bộ cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo là 7.938 tỉ đồng, theo phương thức đối tác công tư - hợp đồng BOT, có sự tham gia hỗ trợ của nhà nước. Trong đó, nguồn vốn dự kiến bố trí vốn từ ngân sách địa phương, ngân sách trung ương, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư, vốn vay thương mại và các nguồn vốn hợp pháp khác.
Chiều dài nghiên cứu của dự án là 56km, điểm đầu của dự án là nút giao với đường cao tốc Cam Lộ - La Sơn tại vị trí cầu vượt đường tỉnh 579 thuộc huyện Triệu Phong, còn điểm cuối là Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo ở huyện Hướng Hóa. Hướng tuyến của dự án cao tốc sẽ đi song song với QL9.
Công ty TNHH Tập đoàn Sơn Hải được biết đến là nhà thầu, nhà đầu tư lớn đã từng thực hiện nhiều dự án lớn về giao thông, thuỷ lợi, thuỷ điện, bất động sản…, đặc biệt là các dự án thuộc lĩnh vực giao thông theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Các dự án mà Tập đoàn Sơn Hải đã từng triển khai, bao gồm: Dự án đầu tư cao tốc La Sơn - Túy Loan, thuộc tuyến đường cao tốc Bắc- Nam phía Đông qua địa phận 2 tỉnh Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng theo hình thức BT, trong đó Tập đoàn Sơn Hải góp vốn đầu tư và đảm nhận thi công với giá trị khoảng 2.200 tỷ đồng.
Cùng với đó là Dự án thành phần đầu tư xây dựng đoạn Nha Trang - Cam Lâm, thuộc Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc trên tuyến Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 tại tỉnh Khánh Hoà với tổng mức đầu tư hơn 5.500 tỷ đồng.
Hà Nam đưa vào hoạt động Cảng thủy nội địa Thái Hà
Ngày 7/7, cảng Thái Hà được khánh thành và đưa vào khai thác tại huyện Lý Nhân, Hà Nam. Đây là Cảng thủy nội địa nằm giữa trung tâm kết nối 4 tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên và Ninh Bình.
Tàu vào Cảng Thái Hà bốc xếp hàng hoá |
Cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 của cảng Thái Hà có tổng diện tích 9,3 ha. Chiều dài cầu tàu 750 m được bố trí 4 cầu tàu có thể tiếp đón được tàu biển, tàu SB có tải trọng đến 3.500 tấn. Hệ thống cẩu chân đế tiền phương có sức cẩu từ 35 đến 45 tấn. Xe nâng container reachstacker có sức nâng 45 tấn và các trang thiết bị khai thác, xếp dỡ, vận chuyển được đầu tư bài bản, thiết bị hiện đại có thể đáp ứng được mọi yêu cầu để khai thác các mặt hàng hóa thiết bị, hàng rời, hàng tổng hợp và hàng container. Hệ thống trạm cân, kho bãi được đầu tư tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ tàu, sà lan ra vào cảng được thuận tiện, nhanh chóng.
Cảng Thái Hà được xây dựng ở vị trí địa lý thuận lợi khi nằm giữa trung tâm kết nối 4 tỉnh Hà Nam, Thái Bình, Hưng Yên và Ninh Bình. Giao thông đường thủy trong đỉnh tam giác, kết nối tuyến hành lang số 2 trên trục ngã ba sông Hồng và sông Luộc. Khu vực Cảng nằm ngoài phía hạ lưu cầu Thái Hà ra cửa Biển Ba Lạt, nơi có cốt luồng sâu và thủy diện rộng nên không bị ảnh hưởng tới tĩnh không cầu Thái Hà.
Không chỉ thông thuận về đường thủy, cảng Thái Hà còn nằm ở vị trí thuận lợi trong kết nối giao thông đường bộ, đường sắt. Cảng nằm gần cầu Thái Hà, kết nối giữa Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình; cầu Hưng Hà kết nối với tỉnh Hưng Yên, Hà Nội, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng. Vị trí kết nối của cảng đi các khu công nghiệp trong tỉnh Hà Nam và các tỉnh lân cận từ 22 km đến 30 km, rất thuận tiện cho việc lưu thông hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu.
Phát biểu tại lễ khánh thành, đại diện Công ty cổ phần Cảng Thái Hà cho biết: Dự án chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung xây dựng cơ sở vật chất, đầu tư trang thiết bị xếp, dỡ hàng hóa hiện đại, áp dụng khoa học công nghệ 4.0 vào quản lý khai thác và vận hành sản xuất.
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu tại tỉnh Hà Nam sẽ được hưởng lợi về thời gian, thủ tục một cửa thuận tiện, nhanh chóng, giảm chi phí phát sinh đi lại, tận thu được các nguồn thu xuất nhập khẩu về ngân sách của tỉnh.
Đối với các dự án của mình, Thái Hà cam kết không ngừng phát triển và tăng trưởng trên nền tảng vững chắc, tăng cường nguồn lực, tối ưu hóa quy mô và phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp để mang đến những giải pháp tối ưu nhất cho khách hàng.
Để khai thác hiệu quả Cảng thủy nội địa Thái Hà, doanh nghiệp mong nhận được sự quan tâm của các cấp chính quyền trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình kết nối, nhằm giảm chi phí cho các doanh nghiệp vận tải hàng hóa và nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư vào tỉnh Hà Nam.
Nhân dịp này, Công ty cổ phần Cảng Thái Hà đã trao 20 suất quà, (2 triệu đồng/suất) cho 20 hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở xã Chân Lý và Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân.
Bổ sung danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 817/QĐ-TTg ngày 7/7/2023 bổ sung danh mục dự án và kiện toàn Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải.
Cụ thể, Thủ tướng bổ sung Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào danh mục các dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải nêu tại Điều 1 Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022.
Đồng thời, Thủ tướng quyết định kiện toàn Ủy viên Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải nêu tại khoản 3 Điều 3 Quyết định số 884/QĐ-TTg ngày 23/7/2022.
Theo đó, đồng chí Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy viên Ban Chỉ đạo thay thế đồng chí Nguyễn Thị Bích Ngọc, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Bổ sung đồng chí Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh làm Ủy viên Ban Chỉ đạo.
Hậu Giang phê duyệt 2 dự án khu tái định cư phục vụ dự án cao tốc
Ngày 7/7, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa đã ký Quyết định số 1146/QĐ-UBND phê duyệt dự án Khu tái định cư Cây Dương phục vụ Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Phương tiện máy móc sẵn sàng cho việc xây dựng Dự án thành phần 3 thuộc Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 |
Mục tiêu đầu tư Dự án là bố trí tái định cư các hộ dân bị ảnh hưởng bởi Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1, nhằm ổn định đời sống, kinh tế của người dân, góp phần đảm bảo an ninh trật tự và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Về quy mô đầu tư, Dự án có diện tích khoảng 49.781 m2, bố trí khoảng 275 nền tái định cư, bao gồm các hạng mục: San lấp mặt bằng; đường giao thông; hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thoát nước thải; công viên, cây xanh; hệ thống cấp nước – PCCC; khu xử lý nước thải; hệ thống cấp điện; hệ thống chiếu sáng; thiết bị Khu xử lý nước thải.
Địa điểm xây dựng Dự án tại huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang. Đây là dự án nhóm B, loại công trình giao thông, hạ tầng kỹ thuật, cấp công trình cấp III; Thời hạn sử dụng của công trình chính theo thiết kế: >50 năm.
Tổng mức đầu tư của Dự án là 110 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước.
Tiến độ thực hiện dự án giai đoạn 2023 - 2026.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Nguyễn Văn Hòa cũng đã ký Quyết định số 1148/QĐ-UBND phê duyệt Dự án Khu tái định cư Bảy Ngàn phục vụ Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.
Dự án được xây dựng tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, với quy mô diện tích khoảng 51.229,57 m2, bố trí khoảng 292 nền tái định cư, bao gồm các hạng mục: San lấp mặt bằng; đường giao thông; hệ thống thoát nước mưa; hệ thống thu gom nước thải; hệ thống cấp nước - PCCC; công viên, cây xanh; hệ thống cấp điện; hệ thống chiếu sáng.
Dự án có tổng mức đầu tư là 110 tỷ đồng, từ ngân sách nhà nước.
Tiến độ thực hiện dự án giai đoạn 2023 - 2026.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh Hậu Giang được UBND tỉnh Hậu Giang giao làm chủ đầu tư 2 dự án nêu trên.
Quảng Ngãi xây dựng đề án quy hoạch Cảng hàng không Lý Sơn
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ký công văn chỉ đạo các cơ quan, đơn vị của tỉnh triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quảng Ngãi xây dựng đề án quy hoạch Cảng hàng không Lý Sơn. Ảnh minh họa |
Cụ thể, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh giao Sở Giao thông vận tải tỉnh chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu UBND tỉnh Quảng Ngãi xây dựng đề án quy hoạch Cảng hàng không Lý Sơn. Trong đó, đánh giá kỹ lưỡng nhu cầu, điều kiện, khả năng hình thành cảng hàng không cũng như các tác động liên quan; huy động tối đa nguồn vốn ngoài ngân sách để đầu tư theo phương thức PPP; gửi Bộ Giao thông vận tải xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc bổ sung quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng khi đủ điều kiện.
Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện quản lý nhà nước về giao thông hàng không theo quy định của pháp luật, quản lý chặt chẽ quỹ đất phục vụ triển khai quy hoạch. Qua đó, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, điều chỉnh, xây dựng các quy hoạch, các Dự án có liên quan để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay...
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu các Sở: Xây dựng, tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các đơn vị: Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ban Quản lý khu kinh tế Dung Quất và các khu công nghiệp Quảng Ngãi, UBND huyện Lý Sơn phối hợp Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi và các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ.