Theo thông tin từ UBND TP. Hà Nội, thực hiện công tác tổ chức bộ máy, biên chế và vị trí việc làm, năm 2024, Thành phố tiếp tục thực hiện nghiêm các nhiệm vụ trong các lĩnh vực biên chế, tinh giản biên chế và xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm.
Thành phố xác định việc hoàn thành xây dựng đề án vị trí việc làm là cơ sở để thực hiện rà soát, sắp xếp, bố trí, thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức, lao động hợp đồng chặt chẽ, có hệ thống.
Dù số lượng cơ quan, đơn vị thuộc Thành phố rất lớn (25 sở và tương đương sở; 30 quận, huyện, thị xã; 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố; khoảng 2.600 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc sở, ban, ngành, UBND cấp huyện), song đến nay, Thành phố đã hoàn thành phê duyệt đối với 54 tổ chức hành chính và cơ bản các đơn vị sự nghiệp trực thuộc, 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố.
Năm 2024, TP. Hà Nội tiếp tục thực hiện nghiêm nhiệm vụ trong các lĩnh vực biên chế, tinh giản biên chế và xây dựng, hoàn thiện vị trí việc làm. |
Đối với biên chế công chức hành chính cấp huyện trở lên, giai đoạn 2022 - 2026, Thành phố thực hiện cắt giảm 5% chỉ tiêu biên chế công chức theo quy định, đồng thời giữ nguyên biên chế tại một số đơn vị có điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và phân cấp ủy quyền.
Thành phố cũng chú trọng tinh giản biên chế đối với các đối tượng theo Nghị định 29/2023/NĐ-CP. Trong năm 2024, đã có 127 trường hợp được tinh giản, bao gồm 41 trường hợp trong quý I, 23 trường hợp trong quý II và 63 trường hợp trong quý III.
Tuy nhiên, giai đoạn này, Thành phố phải tập trung cao độ triển khai thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; triển khai thực hiện nhiều dự án lớn, quan trọng rất cần tăng cường nguồn lực như: Vành đai 4 - Vùng Thủ đô; điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến 2065; quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; triển khai đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã với số đơn vị lớn nhất cả nước…
Trước nhu cầu triển khai nhiều dự án lớn như Vành đai 4 - Vùng Thủ đô, điều chỉnh quy hoạch Thủ đô đến năm 2045 và sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, Hà Nội đã đề nghị bổ sung biên chế bằng 40% số thiếu so với trung bình cả nước (tương đương 1.508 biên chế). Đồng thời, Thành phố đã giao bổ sung 2.648 biên chế viên chức giáo dục cho năm học 2023 - 2024 và 1.370 biên chế cho năm học 2024 - 2025.
Trong bối cảnh đó, năm 2024, Thành phố thực hiện giữ nguyên, điều hòa biên chế tại một số đơn vị có điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ và thực hiện phân cấp, ủy quyền tại các cấp; cắt giảm biên chế trung gian của một số đơn vị thực hiện giải thể, sáp nhập. Trên cơ sở Bộ Chính trị cho phép bổ sung biên chế, để bảo đảm yêu cầu nhiệm vụ chính trị, TP tạm thời giữ nguyên biên chế công chức khối chính quyền đến 2025.
Với biên chế viên chức hưởng lương ngân sách Nhà nước, năm 2024, giao biên chế viên chức cho các đơn vị bằng số giao năm 2023 (trừ các đơn vị thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ đã được Ban Thường vụ Thành ủy thông qua). Các năm tiếp theo căn cứ mức độ tự chủ của các đơn vị và kết quả thực hiện thí điểm cơ chế đặt hàng giá dịch vụ giáo dục đào tạo, UBND Thành phố sẽ có phương án cắt giảm phù hợp, bảo đảm chỉ tiêu tinh giản của Bộ Chính trị giao.
Đồng thời, thực hiện Điều 9 Luật Thủ đô năm 2024, Sở Nội vụ Hà Nội đã tham mưu UBND Thành phố báo cáo Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố và Thường trực Thành ủy để báo cáo Ban tổ chức Trung ương, Bộ Chính trị xem xét bổ sung biên chế cho Hà Nội (dự kiến đề nghị bổ sung bằng 40% số thiếu so với trung bình của cả nước, tương ứng 40% X 3.769 = 1.508 biên chế).
Sau khi được Trung ương bổ sung, Thành phố sẽ thực hiện phân bổ biên chế cho các cơ quan, đơn vị để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.