Y tế - Sức khỏe
Hà Nội quyết liệt “hạ nhiệt” dịch sốt xuất huyết
Hồng Minh - 04/11/2022 14:08
Sự chung tay của người dân trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết, nhất là vệ sinh mỗi trường, tiêu diệt muỗi, loăng quăng, bọ gậy đặc biệt quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh.

Sự chung tay của người dân đặc biệt quan trọng

Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, cộng dồn năm 2022, số ca mắc sốt xuất huyết trênđịa bàn Thủ đô đã lên đến gần 10.000 ca, tăng khoảng 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. 

Bệnh nhân sốt xuất huyết phân bổ ở 30 quận huyện, trong đó số ca mắc ở các quận nội thành ít hơn ngoại thành. Nguyên nhân được Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lý giải là có thể do quá trình đô thị hóa và các làng nghề ở ngoại thành phát triển. 

Đoàn công tác của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết tại huyện Phú Xuyên. (Ảnh: soyte.hanoi.gov.vn)

Sở Y tế Hà Nội dự báo trong thời gian tới dịch bệnh diễn biến phức tạp, với số ca mắc có thể ghi nhận ở mức cao. Do đó, Thành phố Hà Nội đã chuẩn bị cho công tác phòng chống dịch từ sớm, từ xa. 

“Nhờ sự vào cuộc quyết liệt các cấp chính quyền địa phương và người dân, dù dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp song hiện nay trên toàn Thành phố Hà Nội vẫn đang trong tầm kiểm soát”, bà Trần Thị Nhị Hàthông tin.

Chia sẻ về những nguyên nhân khiến dịch sốt xuất huyết tăng và nguy cơ bùng phát thành dịch bệnh, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, thời tiết đang thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh. Mặt khác, từ cuối tháng 9, đầu tháng 10, lượng học sinh, sinh viên về Thủ đô Hà Nội nhập học đông, tăng đối tượng cảm nhiễm mới. Bên cạnh đó, chu kỳ của sốt xuất huyết là 5 năm lần, năm 2022 đúng năm dịch phát triển mạnh.

Đặc biệt, tại một số quận, huyện trên địa bàn Thủ đô xuất hiện ổ dịch bị phát hiện muộn, ổ dịch kéo dài chưa giải quyết dứt điểm, vì vậy số lượng bệnh nhân tăng lên. 

Đồng thời, người dân còn lơ là chủ quan, khi bị sốt không đến các cơ sở khám chữa bệnh để được chẩn đoán, điều trị kịp thời nên diễn biến bệnh nặng, dễ dẫn đến tử vong.

Khi dịch sốt xuất huyết có dấu hiệu gia tăng, ngành y tế Hà Nội đã tổ chức tập huấn cho toàn thể bệnh viện công lập và ngoài công lập phác đồ điều trị và cập nhật kiến thức điều trị sốt xuất huyết Deuge. Đồng thời,phân luồng phần tuyến mức độ nặng nhẹ và chuyển viện an toàn, yêu cầu bệnh viện phải đảm bảo đủ hóa chất vật tư tiêu hao, thuốc cũng như dung dịch cao phân tử và máu.

Khi số ca mắc sốt xuất huyết Thành phố Hà Nội đã vượt qua ngưỡng cảnh báo dịch và diễn biến phức tạpnhư thời điểm hiện tại, người dân cần chủ động phòng, chống sốt xuất huyết ngay trong gia đình của mìnhvà vệ sinh môi trường xung quanh để tiêu diệt loăng quăng, bọ gậy. 

“Sự chung tay của người dân trong công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết đặc biệt quan trọng để đẩy lùi dịch bệnh”, bà Trần Thị Nhị Hà nhấn mạnh.

Dự báo tháng 11 sẽ là thời điểm đỉnh dịch sốt xuất huyết số ca mắc tiếp tục ghi nhận ở mức cao, nguy cơ ghi nhận nhiều bệnh nhân nặng và tử vong, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, ngoài việc làm sạch môi trường sống, ngành y tế Thủ đô cần chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất phục vụ cho công tác phòng, chống sốt xuất huyết, giúp hạ nhiệt dịch bệnh có nguy cơ bùng phát.

Với dịch bệnh sốt xuất huyết cần giám sát sớm tại cộng đồng, giám sát sớm tại cơ sở khám bệnh chữa bện, giám sát sớm vestor, để phát hiện sớm ổ dịch, người bệnh. Phát huy sức mạnh đội giám sát, tổ xung kích diệt bọ gậy, nhưng cần hoạt động hiệu quả và thực chất. 

Do đó, Hà Nội có lễ phát động phòng chống sốt xuất huyết và tổng vệ sinh trên địa bàn toàn Thành phố, đồng thời truyền thông mạnh mẽ người dân về các triệu chứng sớm sốt xuất huyết, khi người dân bị sốt cần đến bệnh viện, cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán kịp thời, với phác đồ điều trị tốt nhất

“Chúng tôi cũng cho rằng, với sốt xuất huyết diệt loăng quăng, bọ gậy là quan trọng nhất, lật úp dụng cụ chứa nước, loại ổ bọ gậy khỏi các công trường xây dựng, nghĩa trang, nơi công cộng cũng như khu vực đổ phế thải là quan trọng để chúng ta có một môi trường xanh sạch đẹp”, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhấn mạnh.

Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không làm hình thức

Để sớm đẩy lùi dịch sốt xuất huyết, tại hội nghị giao ban trực tuyến công tác phòng, chống dịch bệnh trên người với các quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn của Thành phố Hà Nội mới đâu, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Chử Xuân Dũng, Phó Trưởng ban Chỉ đạo phòng chống dịch Thành phố Hà Nội yêu cầu, các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm toàn diện về phòng chống dịch trên địa bàn. 

Đồng thời, tuyệt đối không chủ quan, lơ là, không làm hình thức mà phải thực chất, đúng địa chỉ, toàn diện, không chỉ trong khu vực dân cư mà toàn bộ địa bàn, kể cả các khu vực có nguy cơ cao,… với sự huy động toàn thể các ban ngành đoàn thể và nhân dân cùng tham gia. 

Thành phố sẽ đánh giá kết quả công tác phòng chống dịch qua kết quả người bệnh và kết quả phòng dịch của các địa phương.

Căn cứ kế hoạch chung của Thành phố, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Chử Xuân Dũng yêu cầu các địa phương triển khai theo phương châm 4 tại chỗ, chủ động về kinh phí, vật tư tiêu hao, hóa chất, trang thiết bị, triển khai hiệu quả, không để thất thoát, đảm bảo tính tiết kiệm. 

Đồng thời tiếp tục duy trì và kiện toàn thường xuyên tổ giám sát cộng đồng, đội xung kích diệt bọ gậy theo hướng dẫn của ngành Y tế. 

Tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện và đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp tới từng người dân, từng gia đình về phòng chống dịch bệnh.

Phó chủ tịch Chử Xuân Dũng yêu cầu Sở Y tế với vai trò là cơ quan thường trực phải thường xuyên tổ chức giao ban chuyên môn với Trung tâm Y tế các quận, huyện, thị xã, giám sát chặt chẽ tình hình, tham mưu kịp thời, sớm có Chỉ thị của Thành phố tăng cường phòng chống dịch sốt xuất huyết, huy động cả hệ thống chính trị cùng tham gia. 

Cùng với đó, tiếp tục tập huấn công tác điều trị, tổ chức tốt khám chữa bệnh, phân tuyến, thu dung điều trị bệnh nhân, theo dõi chuyển tuyến kịp thời, an toàn, hạn chế thấp nhất số ca tử vong.

Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội giao Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục chủ động phối hợp với các đơn vị, đặc biệt là Sở Y tế và các cơ quan truyền thông triển khai tuyên truyền, chú trọng công tác phòng, chống, điều trị. 

Các sở ngành khác theo chức năng nhiệm vụ được phân công theo kế hoạch, công điện phải triển khai nghiêm túc, không chủ quan, lơ là.

Phó Chủ tịch Chử Xuân Dũng yêu cầu các sở ngành, địa phương phải xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, cần tập trung, không để do chủ quan mà dịch bệnh bùng phát trên địa bàn.

Tin liên quan
Tin khác