| ||
Nếu hụt thu ngân sách, Hà Nội sẽ tiết kiệm chi thêm 10% và cắt giảm một số dự án |
Tiếp tục phiên họp lần thứ 7 HĐND thành phố Hà Nội khóa XIV sáng nay, các đại biểu đã tiến hành chất vấn đại diện một số ban ngành, thành viên UBND thành phố.
Nội dung được các đại biểu tập trung chất vấn trong buổi sáng nay là tình hình thất thu ngân sách, quản lý đô thị, giải phóng mặt bằng…
Quyết tâm thu đủ dự toán được giao
Trước thực trạng thu ngân sách của thành phố từ đầu năm đến nay chỉ đạt 38,8% dự toán, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, rất nhiều đại biểu đã đặt câu hỏi chất vấn về việc lãnh đạo thành phố sẽ đối phó như thế nào khi năm nay, Hà Nội có thể hụt thu ngân sách khoảng 10.300 tỷ đồng.
Trả lời chất vấn của các đại biểu, Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng cho biết, Thành phố chưa điều chỉnh dự toán thu ngân sách năm 2013, vẫn quyết tâm hoàn thành dự toán được giao với quyết tâm cao nhất.
Tuy nhiên, sau kỳ họp này, Thành phố sẽ lập ban chỉ đạo điều hành công tác thu chi ngân sách 6 tháng cuối năm, tập trung chỉ đạo đối với ngành thuế và các ngành. Trong trường hợp hụt thu, Thành phố sẽ tiết kiệm chi, cắt một số dự án chưa thật sự cấp bách.
Ngoài ra, nguồn 5% tăng thu hàng năm để dành cho cải cách tiền lương, trong khi chưa sử dụng đến, Thành phố sẽ đề nghị Bộ Tài chính cho sử dụng để bù vào hụt thu. Cùng với đó, theo kế hoạch, năm nay, Thành phố được phép phát hành 2.000 tỷ đồng trái phiếu, nhưng hiện mới phát hành 1.000 tỷ đồng.
Nếu vốn đầu tư xây dựng cơ bản hụt dự toán thì Hà Nội sẽ phát hành trái phiếu đợt 2 là 1.000 tỷ đồng để bù vào khoản này, cùng với huy động một số quỹ dự trữ, dự phòng bố trí trong dự toán hàng năm.
“Trong trường hợp đặc biệt, chúng tôi cũng đã có phương án là xử lý hụt thu. Quan điểm của Thành phố là vẫn phải tiết kiệm chi, cụ thể là tiết kiệm chi thêm 10% nữa trong các tháng còn lại. Sẽ cắt những chi thường xuyên đã có trong dự toán mà chưa phân bổ, các khoản chi xây dựng cơ bản đã bố trí rồi nhưng chưa triển khai cũng sẽ dừng…”, ông Tưởng cho biết.
Chưa rõ trách nhiệm của Thành phố trong nợ xây dựng cơ bản
Sau phần trả lời của Phó chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng, nhiều đại biểu tập trung chất vấn và tái chất vấn về vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản và việc tạm thu thuế với hơn 1.000 lô đất của các doanh nghiệp chưa đủ giấy tờ hợp lệ.
Các đại biểu Phạm Thị Thanh Mai, Nguyễn Tuấn Thịnh, Nguyễn Văn Nam, Nguyễn Xuân Diên đưa ra các câu hỏi về tính hợp pháp trong thực hiện và các giải pháp khắc phục.
Theo Phó chủ tịch Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng, căn cứ để thu thuế đối với các trường hợp này đều thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Nếu khoản thu nào doanh nghiệp không chứng minh được thì cơ quan thuế có quyền ấn định.
Mặt khác, bản thân doanh nghiệp đang sản xuất kinh doanh trên mảnh đất đó và đã tự kê khai nên cơ quan thuế sẽ áp dụng đúng mức thu đất với đơn vị sản xuất kinh doanh.
“Việc tạm thu này không đồng nghĩa với việc hợp pháp hóa mảnh đất đó cho doanh nghiệp mà nhà nước thu thuế vì doanh nghiệp có sử dụng đất, có sản xuất kinh doanh”, ông Tưởng nhấn mạnh.
Đại biểu Nguyễn Văn Nam tiếp tục tái chất vấn rằng, số lô đất tạm tính thuế hiện chiếm gần 50%, như vậy sẽ rất phức tạp trong quản lý, trong khi mức tạm tính thường áp thấp hơn quy định. Như vậy, doanh nghiệp không có giấy tờ bất hợp pháp lại lợi hơn doanh nghiệp có đủ giấy tờ, không khuyến khích được họ nỗ lực hoàn thiện giấy tờ.
Tuy nhiên, Phó Chủ tịch khẳng định, đơn giá để tính thuế đều theo đúng quy định của thành phố, không có chuyện doanh nghiệp có giấy tờ hợp lệ thì thu mức cao hơn đơn vị không có giấy tờ hợp lệ. “Chỉ có du di một chút là vì không có số liệu chính xác về diện tích”, ông Tưởng lý giải.
Đại biểu Nguyễn Tuấn Thịnh cho rằng, phần trả lời của Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng chưa rõ trách nhiệm của UBND thành phố trong việc nợ xây dựng cơ bản. Theo đại biểu Thịnh, năm 2009, thành phố đã có nợ xây dựng cơ bản và đã bố trí vốn để xóa nợ. Nhưng đến cuối năm 2012, lại phát sinh nợ, hiện đã lên đến 990 tỷ đồng.
Cùng vấn đề này, đại biểu Lê Văn Hoạt đặt câu hỏi, nợ xây dựng cơ bản đã tồn tại từ lâu, UBND thành phố sẽ có biện pháp chỉ đạo quyết liệt như để ngăn chặn?
Trước các tái chất vấn của đại biểu, Phó Chủ tịch Nguyễn Huy Tưởng cho biết, thành phố sẽ tăng cường chấn chỉnh lại. Sang năm, trong nguồn vốn phân cấp, nếu giao cho huyện, sẽ đề rõ dùng bao nhiêu để trả nợ xây dựng cơ bản. Nếu huyện không tuân thủ thì cũng sẽ không giải ngân được.
Tại phiên chất vấn, các đại biểu cũng đề nghị thành phố quan tâm đến việc điều chỉnh cơ chế chính sách chưa phù hợp, hoặc đề xuất thêm những chính sách theo thẩm quyền và khả thi để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc giải ngân số vốn 100 tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp. Ba năm nay, thành phố mới giải ngân được 7,6% trong tổng số vốn 100 tỷ đồng dành cho doanh nghiệp. Các đại biểu đề nghị thành phố phải công khai các thủ tục, tiêu chí, quy chế sử dụng nguồn hỗ trợ và xúc tiến thương mại để doanh nghiệp tiếp cận, thụ hưởng. |
Phan Long