Thời sự
Hà Nội sẽ di dời toàn bộ bến xe khách khỏi trung tâm
Thanh Nga - 17/10/2018 10:08
Hà Nội sẽ di dời toàn bộ các bến xe khách, xe tải liên tỉnh ra khỏi trung tâm thành phố, dành quỹ đất cải tạo, xây mới hệ thống giao thông tĩnh.
TIN LIÊN QUAN

Đó là thông điệp vừa được Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung đưa ra trong hồ sơ gửi Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) xin ý kiến để triển khai thực hiện Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch).

Bến xe Mỹ Đình sau năm 2025 sẽ chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô

Thống kê của Sở GTVT Hà Nội cho thấy, với tốc độ tăng trưởng phương tiện bình quân với xe máy là 15%/năm, ô tô 7 - 8%/năm, trong khi tổng diện tích các điểm, bãi đỗ xe chỉ đáp ứng 8-10% nhu cầu đỗ xe, đã tạo áp lực lớn cho giao thông tĩnh khu vực nội đô. 

Bên cạnh đó, hệ thống bến xe khách, xe tải liên tỉnh nằm sâu trong đô thị lõi và thiếu trung tâm tiếp vận đã dẫn đến tình trạng “hỗn loạn” nhất định cho giao thông Thành phố, là nguyên nhân gây ùn tắc, mất trật tự an toàn giao thông. 

Tình trạng các bến xe khách đang quá tải, việc đón trả khách chưa hợp lý, thiếu tính kết nối với hệ thống giao thông bên ngoài khiến việc tổ chức giao thông, phân luồng vận tải hành khách liên tỉnh gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, theo lãnh đạo TP. Hà Nội, để giải quyết tận gốc vấn đề, cần đưa các bến bãi xe khách, xe tải, trung tâm tiếp vận về đúng chỗ của nó và kiến tạo nên một mạng lưới hoàn chỉnh, khoa học.

Theo đó, mạng lưới bến xe khách liên tỉnh sẽ được bố trí trên các trục hướng tâm cửa ngõ và vành đai giao thông liên vùng (Vành đai 4), theo các hướng vận chuyển hành khách Đông, Tây, Nam, Bắc; kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. 

Từng bước thay thế toàn bộ các bến xe khách đang khai thác sử dụng trong Vành đai 3 ra khu vực Vành đai 4. Theo lộ trình, Bến xe Gia Lâm, Giáp Bát dự kiến sau năm 2020 và Bến xe Mỹ Đình sau năm 2025 sẽ chuyển thành bãi đỗ xe, điểm đầu cuối xe buýt, phục vụ vận tải hành khách nội đô. Bến xe Nước Ngầm dự kiến sau năm 2025 chuyển thành đầu mối giao thông công cộng. 

Quá trình đầu tư thực hiện Quy hoạch sẽ được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2018 - 2025 sẽ đầu tư 5 dự án bến xe khách liên tỉnh có tổng vốn đầu tư khoảng 2.300 tỷ đồng, 5 bến xe tải có tổng vốn 2.570 tỷ đồng, 4 trung tâm tiếp vận có tổng vốn 1.950 tỷ đồng và 204 bãi đỗ xe công cộng khu vực nội đô có tổng vốn 29.872 tỷ đồng. 

Tiếp đó, giai đoạn 2025 - 2030, sẽ đầu tư 12 dự án bến xe khách tại các khu đô thị vệ tinh với tổng mức đầu tư khoảng 3.254 tỷ đồng, đầu tư 8 dự án bến xe tải tại các đô thị vệ tinh với mức đầu tư khoảng 3.850 tỷ đồng, 5 dự án trung tâm tiếp vận với mức đầu tư 2.500 tỷ đồng và đầu tư 1.334 bãi đỗ xe công cộng với tổng vốn 232.723 tỷ đồng.

Khi hoàn thiện Quy hoạch, lưu lượng phương tiện vận tải dịch vụ cỡ lớn ra vào nội đô Hà Nội sẽ được sẽ hạn chế tối đa, giảm thiểu áp lực cho hạ tầng giao thông.

Theo Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Ngô Mạnh Tuấn, khi hoàn thiện Quy hoạch, lưu lượng phương tiện vận tải dịch vụ cỡ lớn ra vào nội đô sẽ được sẽ hạn chế tối đa, giảm thiểu áp lực cho hạ tầng giao thông. 

“Đặc biệt, mô hình trung tâm tiếp vận - một khu vực rộng lớn, nằm tại các đầu mối giao thông, bao hàm dịch vụ trung chuyển, sửa chữa, tiếp liệu… sẽ tập trung được phương tiện và hàng hóa, vừa chấm dứt được tình trạng phân tán, manh mún, vừa nâng cao ưu thế cạnh tranh cho vận tải”, ông Tuấn cho biết.

Để đồ án quy hoạch phát huy hiệu quả, UBND TP. Hà Nội đã đưa ra một số giải pháp cụ thể, trong đó tăng cường xã hội hóa đầu tư, kiểm soát, thẩm định chặt chẽ năng lực của các nhà đầu tư đề xuất xây dựng bãi đỗ xe. 

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, Thành phố sẽ nghiên cứu, ban hành cơ chế riêng về giá trông giữ xe tại các bãi đỗ xe được xã hội hóa đầu tư theo từng khu vực đặc thù, nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm hoàn vốn. Thành phố ưu tiên đầu tư xây dựng các bãi đỗ xe ngầm, cao tầng thông minh để tận dụng, khai thác tối đa quỹ đất hiện có và có cơ chế khuyến khích, ưu đãi các nhà đầu tư trong việc áp dụng khoa học - công nghệ khi quản lý, khai thác, vận hành các bãi đỗ xe. 

Bên cạnh đó, Thành phố cho phép các nhà đầu tư bãi đỗ xe ngầm được lồng ghép một số chức năng dịch vụ tiện ích khi đầu tư xây dựng, nhưng bảo đảm không thay đổi chức năng quy hoạch cơ bản của ô đất, cũng như công suất đỗ xe, cho phép được bán một số chỗ đỗ xe ngầm với tỷ lệ nhất định sau khi đầu tư xong.

Tin liên quan
Tin khác