GS-TSKH. Vũ Minh Giang |
Việc Hoa Kỳ và Triều Tiên nhất trí chọn Hà Nội là nơi tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai có khiến Giáo sư bất ngờ?
Việc Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un chọn Việt Nam cho Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên lần thứ hai không làm tôi ngạc nhiên, bởi ngay từ khi xuất hiện khả năng hai vị nguyên thủ Hoa Kỳ và Triều Tiên có ý định gặp nhau, thì trên nhiều tờ báo quốc tế đã đưa ra ý tưởng này.
Theo nhiều học giả và chuyên gia chính trị nổi tiếng, Việt Nam phù hợp là nơi gặp gỡ có được sự tin cậy chính trị với cả hai phía, có môi trường an ninh tốt và đã từng tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn có sự tham dự của nguyên thủ các nước, lãnh đạo các nền kinh tế như Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hội nghị Cấp cao Á - Âu (ASEM)… Các nguyên thủ quốc gia, trong đó có nhiều nguyên thủ của các siêu cường quốc đều bày tỏ sự hài lòng không chỉ về môi trường an ninh, mà còn cả công tác tổ chức và thái độ thân thiện, mến khách của người Việt Nam.
Nhưng do nhiều lý do, cuộc gặp lần thứ nhất của hai ông lại diễn ra tại Singapore. Việt Nam đã chăm chú theo dõi sự kiện này và đã làm tất cả để cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai được tổ chức tại Việt Nam. Có thể coi đây là thành công bước đầu của Việt Nam và với riêng tôi, điều đó không có gì ngạc nhiên. Đây được coi là sự kiện quốc tế lớn và đầy tính nhạy cảm, Việt Nam được chọn rõ ràng bởi đã được đánh giá cao về năng lực tổ chức. Điều đó sẽ khiến một lần nữa uy tín của Việt Nam được nâng cao.
Giáo sư lý giải cụ thể như thế nào về sự lựa chọn này?
Như tôi đã nói ở trên, trước hết, xét trên bình diện quan hệ quốc tế, có thể nói, Hà Nội - Bình Nhưỡng là một trong những mối quan hệ có mức độ tin cậy khá cao. Trong khi đó, sau một thời kỳ dài hai bên cùng nỗ lực giải quyết những bất đồng, quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã dần ấm lên và hai nước đã trở thành đối tác toàn diện, với những quan hệ khá sâu sắc về kinh tế, ngoại giao, văn hóa… Như vậy, việc chọn Việt Nam làm địa điểm gặp mặt đã thỏa mãn về yếu tố tin cậy cho cả hai bên.
Thứ hai, sau khi đạt được sự tin cậy như trên, thì môi trường an ninh là yếu tố quan trọng hàng đầu và đây lại là điểm mạnh của Việt Nam - đất nước vốn nổi tiếng về sự ổn định chính trị - khi điều này đã được chứng thực qua rất nhiều sự kiện quốc tế lớn được tổ chức tại Việt Nam. Hơn thế, thực tế cho thấy, tại khá nhiều quốc gia, kể cả những nước phát triển ở châu Âu, sự xuất hiện của người Mỹ rất dễ khiến những thành phần quá khích tiến hành biểu tình, thậm chí là hoạt động khủng bố.
Điều thứ ba, theo tôi cũng rất quan trọng, đó là sự vận động trong quan hệ giữa hai nước với nước chủ nhà sau cuộc gặp này sẽ phát triển theo hướng nào và sự vận động đó có phù hợp với chiến lược quan hệ đối ngoại của bên còn lại hay không.
Như mọi người đã biết, Triều Tiên đang muốn tham khảo mô hình phát triển kinh tế của Việt Nam, vì dường như mô hình này là một gợi ý tốt để họ tìm ra hướng thoát khỏi sự trì trệ của nền kinh tế bị đóng cửa nhiều năm. Đây không chỉ là sự đồn đoán, khi trong thời gian gần đây, có khá nhiều đoàn công tác cao cấp của Triều Tiên sang Việt Nam làm việc.
Việc mở cửa nền kinh tế của Triều Tiên theo hướng thị trường chắc chắn không gây bất cứ phương hại nào cho Hoa Kỳ và hơn thế, Hoa Kỳ chắc cũng không mong gì hơn khi quốc gia trong tình trạng đối đầu với họ trong nhiều thập kỷ lại tiến hành cải cách để có một nền kinh tế mang nhiều nét tương đồng với họ. Hơn thế, việc tập trung vào phát triển kinh tế, thay vì công nghiệp quốc phòng cũng sẽ khiến Hoa Kỳ bớt đi một nỗi lo.
Việc tổ chức cuộc gặp ở Việt Nam vừa mang tính biểu tượng, khi Việt Nam như là một sự dẫn dụ, một sự gợi ý, thậm chí như là một mô hình mà một bên muốn tham khảo, một bên thì khuyến khích. Hơn thế, sau khi tham khảo kinh nghiệm của Singapore trong việc tổ chức cuộc gặp lần thứ nhất, Chính phủ và Bộ Ngoại giao Việt Nam đã nỗ lực để chủ động đón thời cơ, khi cảm thấy đủ sức để thực hiện tốt sự kiện này.
Ông có dự cảm gì về thành công của cuộc gặp quan trọng này?
Theo tôi, hướng thành công cho cuộc gặp này chiếm một tỷ trọng rất cao, vì có lẽ cả thế giới đã đọc ra được mong muốn của cả hai bên, nhưng cũng không loại trừ yếu tố bất ngờ có thể xuất hiện. Chỉ có điều, sự bất ngờ không là yếu tố nội tại, mà xuất hiện từ phía thứ ba, thậm chí thứ tư nào đó, bởi cũng có những người không muốn cuộc hội đàm này thành công.
Nếu căn cứ vào thực tế tương quan các mối quan hệ quốc tế, căn cứ vào khát vọng hòa bình của nhân loại, tôi cho rằng, khả năng đạt được thỏa thuận chấm dứt chiến tranh tại Triều Tiên là rất cao. Tất nhiên, tôi cũng dự doán với tư cách là người rất khát vọng hòa bình, do bản thân đã từng là người lính trực tiếp cầm súng để bước qua chiến tranh về với cuộc sống hòa bình.
Mặt khác, với những nỗ lực không mệt mỏi của chính quyền Triều Tiên và Hàn Quốc trong thời gian qua, Hiệp định Hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trở thành điều kiện tiên quyết cho mục tiêu mà họ đã phấn đấu không mệt mỏi từ hơn 60 năm qua, đó là nguyện vọng của hơn 76 triệu người muốn thống nhất đất nước bị chia cắt nhiều thập kỷ. Không chỉ có vậy, nếu như hội nghị này thành công, quan hệ bốn bên (Việt Nam, Hàn Quốc, Triều Tiên và Hoa Kỳ) sẽ nồng ấm hơn rất nhiều và đây cũng là động lực không hề nhỏ thúc đẩy sự thành công của cuộc gặp này.
Việc tổ chức cuộc gặp này thể hiện hành động góp sức cho hòa bình thế giới và cho khu vực của Việt Nam. Hành động này cũng khiến Hà Nội - thành phố vì hoà bình - trở nên lung linh hơn trong mắt bạn bè quốc tế?
Đây là lần đầu tiên, cuộc đối thoại của hai nhân vật được quan tâm hàng đầu trên thế giới diễn ra tại Việt Nam. Vì thế, tôi có thể khẳng định, chưa bao giờ, Việt Nam được thế giới quan tâm đến thế. Trong suốt thời gian qua, tin tức về đất nước Việt Nam đã trở thành một đề tài nóng trên hầu hết các phương tiện truyền thông quốc tế.
Đáng chú ý là, những tin tức về Việt Nam đều thể hiện quan điểm “mặc nhiên công nhận về sự tin cậy đối với địa điểm tổ chức cuộc gặp này”. Theo logic thông thường, sự “mặc nhiên” đó là những thông điệp có lợi cho Việt Nam về an ninh, về sự ổn định, về thiện chí hòa bình…
Nếu theo dõi trên các phương tiện truyền thông, có thể thấy, đã xuất hiện hai hiệu ứng: một là, tần suất xuất hiện thông tin có tính chất thù địch với Việt Nam giảm đi; hai là, những thông tin bất lợi đối với Việt Nam hầu như trở nên vô giá trị.
Đấy là nói chung về Việt Nam, còn riêng Hà Nội, những giá trị đạt được sau cuộc gặp này sẽ rất lớn, thậm chí, theo tôi, có thể lớn tới mức chúng ta chưa thấy hết. Chúng ta thử hình dung, nếu hiệp định hòa bình về cuộc chiến 1950 - 1953 tại Triều Tiên được ký tại cuộc gặp lần này, giống như Hiệp định Paris 1973 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam, người ta sẽ gọi đó là Hiệp định Hà Nội 2019 về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Triều Tiên. Khi đó, địa danh Hà Nội sẽ được gắn với lịch sử thế giới, gắn với tiến trình xây dựng hòa bình của toàn nhân loại.
Cần phải nhắc lại rằng, cho tới nay, Hà Nội là thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương được UNESCO trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”. Danh hiệu ấy càng trở nên đẹp hơn, thực chất hơn khi việc ký hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Triều Tiên được ký kết tại đây.
Điều này càng có ý nghĩa hơn nếu chúng ta nhìn ngược lại chiều dài lịch sử. Có thể thấy, trong hàng ngàn năm qua, hầu hết các cuộc chiến tại Việt Nam đều được kết thúc bằng các cuộc hòa đàm. Ví dụ cụ thể nhất là Hội thề Đông Quan để chấm dứt cuộc chiến của Nghĩa quân Lê Lợi và đạo quân xâm lược của nhà Minh.
Việc là một địa điểm giao thoa văn hóa qua rất nhiều thời kỳ để các luồng văn minh qua lại tạo nên những tiếp biến, cọ xát tác động thường xuyên lên con người Việt Nam và việc chúng ta muốn đóng góp vào hòa bình thế giới bằng việc tạo nên một môi trường tốt nhất cho cuộc gặp mặt lần này đã thêm một lần phản ánh đúng tính cách của con người Việt Nam.
Khi đây có thể là điểm nhấn tạo nên ấn tượng mạnh trên bức tranh hoàn chỉnh về một đất nước ưa chuộng hoà bình, chính trị ổn định và một nền kinh tế năng động, thì điểm đến cho những sự kiện trọng đại có thể đồng nghĩa với điểm đến của các nhà đầu tư không, thưa Giáo sư?
Những hội nghị về thiết lập hòa bình cho Việt Nam tại Geneva (1954), Paris (1973) trước đây cho tới cuộc gặp này cho thấy, trong mắt bạn bè quốc tế, Việt Nam đã thực sự có một vị thế đáng kể. Theo tôi, rất có thể, sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Triều Tiên, Việt Nam sẽ là nơi được tìm đến như một địa điểm lý tưởng cho việc đàm phán, ký những hiệp định quốc tế trọng đại. Cái tên Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành địa danh có giá trị quốc tế gắn với những hiệp định trọng đại trong tương lai.
Việt Nam đã là một điểm hấp dẫn các nhà đầu tư, trong 30 năm qua, tính từ thời điểm Việt Nam thực hiện Đổi mới, đã có trên 300 tỷ USD được các nhà đầu tư trên thế giới đăng ký đầu tư vào đây. Chắc chắn không có nhà đầu tư nào lại đi tìm một quốc gia bất ổn, kinh tế trì trệ, an ninh kém để bỏ vốn vào, vì thế, thành công của việc tổ chức cuộc gặp này sẽ làm những nhà đầu tư đã bỏ vốn vào Việt Nam thêm yên tâm.
Mặt khác, với việc trở thành đề tài nóng trên các phương tiện truyền thông quốc tế trong suốt thời gian qua, các nhà đầu tư chưa đến đây lại biết thêm một đất nước ưa chuộng hòa bình, có nền chính trị ổn định và một nền kinh tế năng động.
Trao đổi với tôi, có những người còn lạc quan khi cho rằng, bằng vị thế mới của mình, Việt Nam có thể tạo nên một kỷ nguyên phát triển mới. Tôi cho rằng, hy vọng như vậy là rất có cơ sở khi với nội lực của mình, những thuận lợi trong quảng bá hình ảnh sẽ trở thành những điều kiện biên rất đáng kể cho đất nước ta.