Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ - Thành ủy Hà Nội vừa ban hành Thông báo số 2787-TB/BCSĐ-TU, kết luận hội nghị đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội làm việc với Ban Cán sự đảng Bộ Khoa học và Công nghệ và các bộ, ngành liên quan.
Theo đó, về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm phát triển khoa học và công nghệ thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 - 2025 là: Phát triển mạnh khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, nhằm tạo động lực phát triển mới, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô. Tăng cường xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, nhất là đầu tư từ doanh nghiệp. Xác định rõ các chỉ tiêu, chương trình hành động để ứng dụng và phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo trong mọi mặt hoạt động ở các cấp, các ngành của Thủ đô.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế quản lý, chính sách tài chính và đầu tư đối với hoạt động khoa học và công nghệ; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng, chuyển giao khoa học, công nghệ gắn với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và xu hướng phát triển của từng ngành, từng lĩnh vực, từng sản phẩm. Chú trọng thương mại hóa kết quả nghiên cứu, đưa nhanh tiến bộ và thành tựu khoa học và công nghệ vào cuộc sống và sản xuất.
Triển khai các giải pháp đồng bộ để khơi thông sử dụng các nguồn lực xã hội đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp sử dụng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đầu tư cho đổi mới sáng tạo, đổi mới, ứng dụng và phát triển công nghệ.
Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn phục vụ yêu cầu đổi mới, hội nhập, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội và nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, chú trọng thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu để đề ra các giải pháp quản lý đô thị lớn, thông minh, hiện đại gắn với đặc thù của một trung tâm văn hóa, chính trị, giáo dục; tạo nền tảng khoa học để đưa văn hóa và con người Hà Nội thực sự trở thành giá trị tinh thần to lớn, nguồn lực quan trọng cho sự phát triển nhanh và bền vững của Thủ đô.
Triển khai đầy đủ các nội hàm của “Thành phố sáng tạo”; tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống đổi mới sáng tạo, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Thủ đô là trung tâm tổ chức các sự kiện khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quy mô quốc gia và quốc tế, kết nối chặt chẽ với hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và quốc tế; thúc đẩy hình thành các trung tâm đổi mới sáng tạo trong các trường đại học, học viện.
Xây dựng “Mạng lưới sáng kiến Thủ đô” nhằm liên kết chặt chẽ giữa các nhà quản lý, đội ngũ trí thức và doanh nhân nhằm phục vụ, giải quyết các vấn đề đặc thù trong quá trình phát triển của Thủ đô. Có chính sách vượt trội thu hút, đào tạo, đãi ngộ và sử dụng đội ngũ trí thức, cán bộ khoa học, chuyên gia công nghệ, nhất là đội ngũ chuyên gia công nghệ, nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài, các nhà khoa học quốc tế.
Tiếp tục ưu tiên phát triển thị trường khoa học và công nghệ đồng bộ với các thị trường vốn, thị trường lao động, thị trường hàng hóa. Đa dạng hóa, hình thành mạng lưới các tổ chức dịch vụ đánh giá, định giá công nghệ, môi giới chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ. Phát triển nhanh hệ thống các doanh nghiệp khoa học và công nghệ, doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học; nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ công nghệ mới, tham gia các chuỗi sản xuất, chuỗi giá trị gia tăng cao...
Xây dựng chương trình trọng điểm phát triển doanh nghiệp đổi mới sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực của Thủ đô trên cơ sở các hoạt động: Hỗ trợ ứng dụng, đổi mới, chuyển giao công nghệ (đặc biệt là công nghệ nguồn, công nghệ mới, công nghệ cốt lối của cuộc Cách mạng 4.0 như công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối (blockchain), in 3D, công nghệ sinh học, công nghệ môi trường...); hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế thông qua hỗ trợ các tiêu chuẩn hệ thống quản lý tiên tiến, công cụ cải tiến năng suất chất lượng, áp dụng chỉ dẫn địa lý, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu sản phẩm, làng nghề...; tăng cường công tác bảo hộ và thực thi quyền sở hữu trí tuệ.
Phối hợp thúc đẩy sớm hoàn thành xây dựng Khu công nghệ cao Hòa Lạc trở thành trung tâm nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo của Hà Nội và quốc gia theo đúng định hướng đã đề ra; phù hợp với Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc, thành phố Hà Nội đến năm 2030, tỷ lệ 1/10.000 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 705/QĐ-TTg, ngày 28/5/2020.
Phát triển Nền tảng đổi mới sáng tạo mở (Open Innovation Platform) để tăng cường liên kết, kết nối hạ tầng nghiên cứu của các tổ chức nghiên cứu trung ương và Hà Nội, các tập đoàn, doanh nghiệp để tạo lập môi trường phát triển và thử nghiệm các công nghệ mới.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; lựa chọn các đối tác đến từ các quốc gia phát triển có nền khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại. Thu hút, hỗ trợ hoạt động cho các trung tâm nghiên cứu phát triển hàng đầu khu vực của các tập đoàn lớn như Samsung, Qualcomm...
Điều tra thống kê về nguồn lực công nghệ, đổi mới sáng tạo trong doanh nghiệp, xây dựng bản đồ, lộ trình công nghệ trong các lĩnh vực ưu tiên.