Theo đó, UBND TP. Hà Nội giao Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Công an Thành phố, UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục rà soát, xử lý các điểm đen về tai nạn giao thông, các điểm ùn tắc giao thông.
Xây dựng kế hoạch, nghiên cứu điều chỉnh tổ chức giao thông hợp lý, khoa học phù hợp với thực tế và nhu cầu của lưu lượng giao thông tại từng thời điểm để giải quyết, xử lý.
Ảnh minh hoạ (Internet) |
Thành phố cũng yêu cầu Sở Giao thông Vận tải (cơ quan thường trực Ban An toàn giao thông thành phố) chủ trì, phối hợp với Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã và đơn vị liên quan thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông trong kinh doanh vận tải đối với toàn bộ các đơn vị kinh doanh vận tải.
Cụ thể, trong quý I/2019, hoàn thành kiểm tra các đơn vị có phương tiện gây tai nạn giao thông. Trong quý II/2019, phối hợp với Sở Y tế lập kế hoạch cụ thể khám sức khỏe toàn bộ lái xe kinh doanh vận tải thuộc các đơn vị do Sở Giao thông Vận tải cấp giấy đăng ký kinh doanh.
Thành phố cũng giao Công an Thành phố tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông. duy trì việc thực hiện kiểm tra, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn đối với người lái xe và quy định về mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy, xe đạp điện. Công an Thành phố phải đẩy mạnh xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông bằng hình ảnh. Đồng thời, rà soát, đề xuất các giải pháp xử lý, khắc phục các điểm ùn tắc giao thông và điểm đen về tai nạn giao thông...
Bên cạnh đó, yêu cầu các cơ quan, đơn vị tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho đội ngũ lái xe ô tô kinh doanh vận tải, người tham gia giao thông bằng mô tô, xe gắn máy, xe máy điện, xe đạp điện theo chủ đề “An toàn giao thông cho hành khách và người đi mô tô, xe máy”.
Đáng chú ý, UBND các quận, huyện, thị xã được giao thực hiện hiệu quả kế hoạch của thành phố, đảm bảo hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ về giảm từ 5% đến 10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt (trên cả 3 tiêu chí) so với năm 2018 và giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn quản lý. Phát động phong trào toàn dân tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông...
Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND thành phố nếu trên địa bàn có tai nạn giao thông gia tăng, tai nạn giao thông đường sắt; địa bàn để xảy ra các vi phạm lấn chiếm trái phép lòng đường, lề đường, hè phố; tình trạng bến, bãi hoạt động vận tải trái phép; tình trạng xe quá khổ, quá tải hoạt động.