Để y tế cơ sở thực sự chuyển mình giữ vai trò là "người gác cổng", góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh, ngành Y tế Hà Nội đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp đổi mới y tế cơ sở một cách toàn diện, bảo đảm tất cả mọi người dân được sử dụng các dịch vụ y tế có chất lượng.
Triển khai thực hiện mô hình trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình từ năm 2018, đến tháng 4/2020, huyện Đan Phượng đã triển khai thực hiện ở 100% trạm y tế.
UBND huyện đã quan tâm đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm y tế đảm bảo bố trí, sắp xếp đủ các buồng, phòng theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế về bố trí không gian và các phòng chức năng cho trạm y tế điểm. Đồng thời, đầu tư các thiết bị y tế bước đầu đáp ứng yêu cầu chuyên môn khám chữa bệnh.
Từ năm 2018 đến nay, 100% bác sĩ đã có chứng chỉ khám chữa bệnh theo nguyên lý y học gia đình và 2 bác sĩ y học cổ truyền có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh y học cổ truyền.
Bộ Y tế đã cử bác sĩ tại Bệnh viện E và Bệnh viện Châm cứu Trung ương hỗ trợ Trạm y tế Tân Hội, Sở Y tế cử bác sĩ của Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Xanh Pôn, Bệnh viện Ung Bướu, Bệnh viện Mắt Hà Đông, Bệnh viện đa khoa Đan Phượng hỗ trợ cho các trạm y tế còn lại… bước đầu nâng cao chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ y tế và tạo niềm tin cho người dân đối với tuyến y tế cơ sở.
Theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, năm 2019 toàn thành phố đã triển khai 279 trạm y tế điểm, đạt 47,7%. Tính đến hết 8 tháng đầu năm 2020 đã triển khai 177 trạm y tế điểm. Tích luỹ năm 2019 và 8 tháng đầu năm 2020 toàn thành phố đã triển khai được 456 trạm y tế điểm đạt 95,19%.
Về cơ sở hạ tầng, các trạm y tế điểm đã được đầu tư nâng cấp cải tạo, sửa chữa, đảm bảo đủ các phòng chức năng theo đúng quy định để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn. Các trạm y tế đã được sắp xếp lại các phòng chức năng theo Quyết định 6070/QĐ-BYT ngày 08/10/2018 của BYT về việc ban hành hướng dẫn bố trí không gian và các phòng chức năng. Theo đó các phòng được bố trí phù hợp theo công năng sử dụng.
Về công tác khám chữa bệnh tại trạm y tế điểm, tổng số lượt khám chữa bệnh từ 01/01/2020 đến 30/8/2020 là 904,053 lượt người, số lượt khám trung bình tại 1 trạm y tế điểm trên địa bàn thành phố là 248 lượt người/tháng.
Bên cạnh đó về mặt nhân lực các trung tâm y tế đã ký hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với các bệnh viện được phân công theo Kế hoạch 124/KH-SYT ngày 07/01/2020 của Sở Y tế về cử người hành nghề và tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên có thời hạn. Các trung tâm đã rà soát điều động cán bộ tăng cường xuống trạm y tế hỗ trợ công tác khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, công tác triển khai mô hình trạm y tế điểm trên địa bàn thành phố còn những khó khăn, đó là: chưa có sự liên thông giữa các phần mềm quản lý sức khỏe toàn dân và phần mềm khám chữa bệnh, phần mềm tiêm chủng. Nhiều trạm y tế chưa có kinh phí để thực hiện bố trí không gian và các phòng chức năng cho trạm y tế điểm theo Quyết định 6070 của Bộ Y tế…
Để triển khai mô hình trạm y tế điểm trong thời gian tới đạt hiệu quả cao hơn,
PGS.TS Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, đề nghị các trung tâm y tế rà soát tham mưu UBND quận, huyện, thị xã đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất cho các trạm y tế điểm đảm bảo theo quy định để thực hiện tốt các hoạt động chuyên môn. Các trung tâm bố trí đủ số lượng và cơ cấu cán bộ cho trạm y tế theo quy định, ưu tiên bác sĩ về công tác tại các trạm y tế. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh, sơ cấp cứu ban đầu tại các trạm y tế đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn theo nguyên lý y học gia đình. Tăng cường công tác đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế…