Ngược dòng thời gian, khoảng 5 năm về trước, Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì (huyện Ba Vì) đã bắt đầu “xắn tay” vào việc đầu tư hệ thống máy móc, trang thiết bị hiện đại để sản xuất, đóng gói các mặt hàng từ sữa. Quy trình sản xuất khép kín trong mỗi công đoạn giúp doanh nghiệp tạo ra những sản phẩm có chất lượng.
Đến thời điểm hiện tại, nhà máy của công ty tại xã Vân Hòa (huyện Ba Vì) đã và đang duy trì sản xuất hàng chục sản phẩm từ sữa mang thương hiệu “My Farm” như: sữa tươi thanh trùng, sữa chua, caramen, bánh sữa… Mới đây, khi tham gia Chương trình OCOP, doanh nghiệp cũng có 10 sản phẩm được UBND TP. Hà Nội đánh giá, phân hạng OCOP 4 sao. Tuy nhiên, doanh nghiệp này chưa có nhãn hiệu tập thể được bảo hộ.
Các sản phẩm tham gia đánh giá, phân hạng OCOP của huyện Ba Vì. |
Ngoài Công ty cổ phần Sữa nông trại Ba Vì, tại Quyết định số 1147/QĐ-UBND ban hành vào ngày 4/3/2024, UBND Thành phố Hà Nội cũng đã phê duyệt kết quả đánh giá, phân hạng 104 sản phẩm OCOP đạt 4 sao của 32 chủ thể đến từ 20 quận, huyện.
Cùng với 440 sản phẩm OCOP đạt 3 sao được công nhận trước đó, lũy kế từ năm 2019 đến hết năm 2023, TP. Hà Nội đã đánh giá, phân hạng được 2.711 sản phẩm OCOP, chiếm hơn 22% tổng số sản phẩm của cả nước. Trong số này, có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao và 1.220 sản phẩm 3 sao.
Mặc dù số lượng sản phẩm OCOP khá lớn nhưng sản phẩm có nhãn hiệu được bảo hộ hiện nay lại rất manh mún. Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, toàn Thành phố mới chỉ có 40 sản phẩm được cấp nhãn hiệu tập thể. Trong số này có vịt cỏ Vân Đình (huyện Ứng Hòa), gạo Bối Khê (huyện Thanh Oai), gà đồi Ba Vì (huyện Ba Vì), nhãn Đại Thành (huyện Quốc Oai)…
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Chi cục trưởng Chi cục Chất lượng, chế biến và phát triển thị trường Hà Nội cho biết, các sản phẩm đăng ký nhãn hiệu tập thể, được bảo hộ đã có mặt tại hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trong và ngoài Thành phố; thị trường mở rộng, giá bán tăng 15 - 20%.
Việc xây dựng nhãn hiệu tập thể, thương hiệu giúp các hợp tác xã, nông dân thay đổi phương thức sản xuất từ truyền thống sang theo chuỗi khép kín, bảo đảm an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, việc xây dựng, quản lý hiệu quả nhãn hiệu là vấn đề mà hiện nay không ít chủ thể chưa thực sự quan tâm đúng mức.
Trăn trở về vấn đề này, bà Từ Tuyết Nhung, Trưởng ban Điều phối Hệ thống bảo đảm cùng tham gia (PGS) Việt Nam cho rằng, các chủ thể OCOP không thể đứng ngoài việc xây dựng nhãn hiệu, duy trì và củng cố thương hiệu, bởi đây là điều kiện tất yếu để phát triển bền vững. Từ đó đưa vào chiến lược sản xuất - kinh doanh để xây dựng và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu hiệu quả.
Ở góc độ quản lý, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Tạ Văn Tường cho biết, để bảo vệ, quản lý hiệu quả thương hiệu nông sản, đặc sản của Thủ đô. Đặc biệt, thời gian tới ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, địa phương xây dựng thương hiệu nông sản đặc trưng của Hà Nội gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).
Bên cạnh hỗ trợ chi phí bao bì, nhãn mác cho sản phẩm có thương hiệu được công nhận OCOP, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội cũng sẽ đẩy mạnh xây dựng các mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm an toàn, bền vững gắn với vùng quy hoạch tập trung, tạo tiền đề xây dựng thương hiệu cho nông sản Thủ đô.
Nhằm phát huy vai trò, tầm quan trọng của việc xây dựng và quản lý nhãn hiệu, thương hiệu, ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, nhiệm vụ đặt ra là cần nâng cao nhận thức của các chủ thể tham gia phát triển sản phẩm OCOP; hỗ trợ xây dựng, quản lý nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm; khuyến khích cải tiến mẫu mã, kiểu dáng sản phẩm.
“Tăng cường chuyển giao, ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, tiêu thụ; hỗ trợ các chủ thể nâng hạng sản phẩm đạt chứng nhận OCOP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm là đòi hỏi cần thiết trong bối cảnh thị trường cạnh tranh và thị hiếu tiêu dùng đa dạng hiện nay…”, ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh.