Đầu tư và cuộc sống
Hà Nội: Tiềm năng nhân rộng mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa giá trị kinh tế cao
Nhật Hạ - 28/10/2022 16:34
Gần đây, tại Hà Nội xuất hiện mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa mang lại giá trị kinh tế cao cho người chăn nuôi. Đặc biệt, mô hình này có thể nhân rộng trên địa bàn Thủ đô.

Doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng

Anh Lê Đức Cảnh, chủ trang trại hữu cơ ME FARM (huyện Thanh Trì, Hà Nội) là người đầu tiên triển khai mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa tại Hà Nội với hệ thống tuần hoàn trên diện tích 300 m2.

Trung bình mỗi tháng trang trại hữu cơ ME FARM xuất bán 300kg cua cốm và cua lột. Doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi tháng. Ngoài ra, anh Cảnh còn triển khai thêm dịch vụ câu cua giải trí cho các gia đình trải nghiệm với giá 50.000 đồng vé vào cửa, 200.000 đồng cần câu và mồi câu trong 1 tiếng. Du khách câu được bao nhiêu con cua sẽ được mang về. Khách hàng không câu được chú cua nào sẽ được tặng 2 con.

Mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa hoàn toàn có thể nhân rộng và phát triển ở Hà Nội, vừa giúp bà con tăng thu nhập, lại tạo ra một sản phẩm dinh dưỡng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Nhìn vào sản lượng và doanh số “khủng” hiện nay của trang trại hữu cơ ME FARM, ít ai biết rằng, thời gian đầu nuôi cua, anh Cảnh đã gặp vô vàn khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng cua (giống Cà Mau) nhập về chết đồng loạt lên đến 50%. “Nghiên cứu để tìm hiểu lý do cua chết, tôi mới vỡ lẽ là do thời tiết, cua vận chuyển từ Cà Mau ra yếu, môi trường khác biệt, thời tiết lạnh....”, anh Cảnh nói và cho biết giải pháp củatrang trại là thường xuyên thực hiện kiểm tra chất lượng nguồn nước cùng nhiệt độ để điều chỉnh môi trường nước phù hợp cho cua phát triển. Yếu tố then chốt là đảm bảo hệ thống tuần hoàn hoạt động trơn tru.

Để làm được điều đó, anh Cảnh tiết lộ, chi phí đầu tư nhà xưởng giai đoạn 1 vào khoảng 1,5 tỷ đồng, trong đó, bộ phận chính là hệ thống ống nước và các thiết bị đo môi trường.

Nước biển mua trực tiếp ở Hạ Long với giá 500.000 đồng/1m3. Cơ sở sử dụng 30m3 nước biển, nếu vi sinh hoạt động tốt và theo dõi đảm bảo sẽ duy trì được 1 năm đến 1,5 năm mới phải thay nước mới.

Để nuôi cua tiết kiệm nước, chỉ cần dùng các hộp nhựa xếp thành giàn để tiết kiệm không gian nuôi. Trong hệ thống tuần hoàn hạt kaldnes (như san hô) đóng vai trò vô cùng quan trọng, những hạt này là nơi cho vi sinh trú ngụ và xử lý chất thải của cua, đồng thời thông qua việc lọc đánh sủi oxy như sóng đánh ngoài biển, tạo môi trường giống ngoài thiên nhiên để cua phát triển.

Anh Cảnh cho hay, theo các đặc tính sinh học, cấu trúc thịt cua không phải là cấu trúc cơ, do đó dù vận động nhiều hay ít thì độ săn chắc của thịt không bị ảnh hưởng. Chất lượng của thịt cua không phụ thuộc vào không gian vận động của chúng, mà dựa vào thành phần dinh dưỡng trong thức ăn, chất lượng môi trường sống.

Do đó, mô hình nuôi cua tuần hoàn cho cua ăn ốc bươu vàng, cá, động vật nhuyễn thể 2 mảnh.

Thức ăn thừa của cua được lọc thô, chất cặn bẩn thải ra trong quá trình nuôi cua được đưa vào môi trường yếm khí để phân hủy. Chất thải sau đó đi qua màng lọc, được bổ sung thêm chất khoáng cần thiết và tiếp tục đưa lên hệ thống. Nhờ vậy, nguồn nước trong mô hình được tái sử dụng tới 99,5%.

Dễ nhân rộng

Ngoài mô hình của anh Cảnh, hiện ở Hà Nội còn có trang trại nuôi cua biển trong hộp nhựa thành công củaanh Nguyên Vũ, một nông dân trẻ sinh năm 1994 (thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức).

Anh Vũ cho biết, một lần anh tình cờ được thưởng thức món cua cốm, thấy gạch cua vàng ruộm, béo ngậy, không ngấy, thịt cua chắc, thơm ngon, mai cua rất mềm, ăn luôn được, lại đầy tú ụ thịt nên nảy ra ý muốn tìm hiểu về cua cốm để nuôi.

Sau đó, Vũ tìm về các đầm nuôi cua bể ở các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Nam Định… để tìm hiểu thì biết mỗi con cua thay mai vào một ngày khác nhau, khi mai cũ thay ra, thì lớp mai mới chỉ sau 4 giờ sẽ cứng lạinên không thể thu hoạch cua cốm đồng loạt được mà phải thu hoạch cả lứa. Thương lái mua về, nếu thấy cua cốm thì lọc ra bán với giá 800.000 - 1.000.000 đồng/kg, còn cua bình thường bán giá 400.000 - 500.000 đồng/kg.

Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ cua cốm, anh Vũ quyết định đầu tư 6.000 chiếc hộp nhựa chuyên dụng để nuôi cua. Hệ thống ống nước vận hành nước biển nuôi cua được lắp đặt rất công phu đến từng hộp lồng. Nước từ các hộp nuôi cua liên tục chảy ra theo các đường ống dẫn đến hệ thống bể lọc, trong đó có bể lọc vi sinh xử lý chất thải.

Cua chủ yếu được cho ăn vẹm xanh, dắt biển và ốc, mỗi ngày hai lần. Cua giai đoạn lột ăn hàu cả vỏ, có nhiều canxi để hỗ trợ quá trình tạo lớp mai mới. 

Cũng như mô hình nuôi cua củab anh Cảnh, anh Vũ cũng phải mua toàn bộ 50m3 nước biển từ Hạ Long (Quảng Ninh) với giá 500 nghìn đồng/m3. Nước nuôi cua biển thường xuyên được kiểm tra, mỗi ngày sẽ có ít nhất 3 lần lấy nước nhằm kiểm tra độ pH, độ mặn, đảm bảo môi trường tốt nhất cho cua phát triển.

Đến nay, mỗi tháng anh Vũ xuất bán được 300 - 400kg cua cốm và cua lột, thu về khoảng 250 - 300 triệu đồng, với giá bán trung bình khoảng 700 - 800 nghìn đồng/kg, thậm chí hơn 1.000.000 đồng/kg nếu cua to, mẫu mã đẹp.

Anh Vũ ước tính, với số vốn nhập hàng khoảng 300 - 400 nghìn đồng/kg cua nhỏ ban đầu (từ 1,8 – 4 gram/con), sau 25 ngày đến 1 tháng, có thể thu lợi nhuận khoảng 150 - 180 nghìn đồng/kg. 

Nhận định thị trường nuôi cua hiện nay còn nhỏ lẻ, manh mún, đặc biệt bà con vẫn phụ thuộc vào thương lái về giá cả, anh Vũ đang hướng đến mô hình hệ sinh thái hợp tác xã. Cụ thể, bà con muốn tìm hiểu đầu tư mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa sẽ được hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn sản phẩm đầu vào, đầu ra theo địa phương một cách hiệu quả nhất. 

Theo anh Vũ, mô hình nuôi cua trong hộp nhựa rất phù hợp để nhân rộng vì có nhiều điểm ưu Việt. Đơn cử, nếu cua nuôi ở đầm 1m2 đất chỉ nuôi được 2 con cua thì 2,8m2 hộp nuôi được tới 252 con cua. Đặc biệt, cua được nuôi mỗi con trong một lồng hộp nên có thể dễ dàng kiểm tra để xác định quá trình sinh trưởng và thay vỏ mai để thu hoạch.

Với những đặc điểm trên, có thể thấy mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa hoàn toàn có thể nhân rộng và phát triển được ở các thành phố như Thủ đô Hà Nội, vừa giúp bà con tăng thu nhập, lại tạo ra một sản phẩm dinh dưỡng phục vụ nhu cầu người tiêu dùng.

Tin liên quan
Tin khác