Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai vẫn chiếm tỷ lệ lơn hơn 70%, trong đó, Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng có tỷ lệ đơn thư khiếu kiện đất đai nhiều nhất. |
Thông tin về tình trạng thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Trần Hồng Hà cho biết, trước năm 2013, mỗi năm Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được từ 6.000 đến 10.000 đơn.
"Sau khi Luật đất đai năm 2013 có hiệu lực thi hành đến nay, đơn thư gửi đến Bộ giảm dần, chẳng hạn, (năm 2017 chỉ còn 3.500 đơn), trong đó gần 2% số vụ việc thuộc thẩm quyền của Bộ (năm 2016 là 18 vụ, năm 2017 là 25 vụ), hơn 80% đơn đang thuộc thẩm quyền giải quyết của địa phương, gần 18% đơn đã có quyết định giải quyết cuối cùng (hoặc lần 2).
Báo cáo về một số vấn đề quản lý đất đai, môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Kỳ họp thứ 5, quốc hội khóa 14 cho thấy, đơn khiếu nại chiếm 70%, đa số là đơn có nội dung khiếu nại liên quan đến việc áp dụng chính sách pháp luật đất đai trước năm 2013.
Cụ thể, khiếu nại liên quan đến thu hồi đất, khoảng 26%; Khiếu nại liên quan đến giá bồi thường, khoảng 21%; Khiếu nại liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, khoảng 22%); Khiếu nại liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính, cho thuê đất...(khoảng 01%.
Đơn tranh chấp đất đai chiếm 12% (đa số tranh chấp giữa cá nhân với cá nhân); Đơn đòi lại đất cũ chiếm 7%; Đơn tố cáo sai phạm về đất đai 11%.
Đặc điểm dễ thấy, qua công tác tiếp nhận đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân gửi về Bộ thời gian gần đây cho thấy một số tỉnh, thành phố có tỷ lệ người dân gửi đơn khiếu nại, tố cáo tương đối cao.
Cụ thể, TP. Hà Nội (2.072 đơn), TP. Hồ Chí Minh (1.125 đơn), TP. Đà Nẵng (132 đơn), Bình Định (630 đơn), Đồng Tháp (398 đơn), Khánh Hòa (368 đơn), Tp. Hải Phòng (357 đơn), Bắc Ninh (336 đơn), Bà Rịa - Vũng Tàu (328 đơn), Tp. Cần Thơ (296 đơn).
Đối với công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về đất đai tại địa phương thời gian quan luôn được địa phương quan tâm, tổ chức thực hiện.
Do đó, tình hình chung về khiếu nại, tố cáo trong quản lý, sử dụng đất đai đã giảm, nhiều vụ việc phức tạp, tồn đọng, kéo dài đã được giải quyết, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người dân tại địa phương.
Trong đó, Tỉnh Bắc Ninh đã thành lập 17 Đoàn thanh tra tình hình quản lý, sử dụng đất đai; tổ chức 749 cuộc kiểm tra đối với 22 cơ quan nhà nước, 31 tổ chức sử dụng đất, 819 hộ gia đình cá nhân; đã tiếp nhận 331 đơn thư gồm cả về tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, đã giải quyết 240 đơn thuộc thẩm quyền, còn lại là đơn không thuộc thẩm quyền đã chuyển cơ quan khác giải quyết.
Thành phố Đà Nẵng đã tiếp nhận và giải quyết 867 đơn, vụ việc khiếu nại tố cáo tranh chấp thuộc thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai, trong đó khiếu nại, tố cáo 74 vụ việc; kiến nghị, tranh chấp 793 vụ việc.
Bình Định, năm 2017 và nửa đầu năm 2018 đã tiếp nhận 2.233 vụ khiếu nại liên quan đến công tác quản lý đất đai, công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, riêng các tháng đầu năm 2018, đã tiếp nhận 957 đơn khiếu nại, tố cáo, trong đó có 57 đơn liên quan đến trường hợp Nhà nước thu hồi đất, 367 đơn liên quan đến giá đất tính bồi thường, 533 đơn liên quan đến đối tượng, điều kiện được bồi thường đất và tài sản gắn liền với đất được hỗ trợ bố trí tái định cư.
Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận, thời gian qua, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư vẫn còn nhiều bất cập, khiếu kiện luôn chiếm tỷ lệ cao (khoảng 70%), chưa đảm bảo sinh kế cho người bị thu hồi, phát sinh nhiều chi phí (như: chuyển đổi chỗ ở, việc làm, học hành, đi lại, thu nhập, y tế, tâm lý, hòa nhập cộng đồng nơi ở mới..), cuộc sống “hậu thu hồi đất, hậu tái định cư của người dân tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khi điều kiện đảm bảo về an sinh xã hội chưa cao; trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cũng như cơ chế phối hợp giữa các cấp, các ngành chưa kịp thời và chặt chẽ.
Để khắc phục những tồn tại về đất đai, đồng thời giải quyết triệt để tình trạng khiếu nại, tố cáo về đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, cơ quan quản lý nhà nước về đất đai các cấp cần thực hiện các giải pháp: Tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát, quản lý về đất đai trên phạm vi cả nước. Đẩy mạnh tổ chức giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai; xử lý trách nhiệm người đứng đầu của các cơ quan, đơn vị buông lỏng quản lý đất đai để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển nhượng, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép, giao đất không đúng thẩm quyền, để hoang hóa, lãng phí, chậm đưa đất vào sử dụng mà không xử lý kịp thời;
Đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa ngành quản lý đất đai để tạo điều kiện rút ngắn thời gian thực hiện các thủ tục hành chính, tăng cường tính công khai, minh bạch phòng chống các tiêu cực trong công tác quản lý đất đai; Sử dụng các phương pháp định giá đất phù hợp để xác định giá đất đảm bảo tính chính xác ở cả số liệu đầu vào và số liệu đầu ra.
Tập trung giải quyết các tranh chấp, khiếu kiện đông người, kéo dài, gây mất trật tự xã hội, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế và môi trường đầu tư; nâng cao trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, không đẩy việc lên cấp trên; chủ động tiếp nhận, xử lý, giải quyết triệt để, kịp thời các trường hợp phản ánh của người dân về tình hình vi phạm pháp luật đất đai để người dân tham gia giám sát.