Đầu tư
Hà Nội trình lại Chính phủ Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội
Anh Minh - 22/05/2022 09:13
Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội được đề xuất lùi thời hạn hoàn thành vào năm 2027 thay vì năm 2026 như kế hoạch ban đầu.
Phối cảnh Dự án đường vành đai 4 - vùng Thủ đô.

Theo thông tin cùa baodautu.vn, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội vừa ký tờ trình số 111/TTr – UBND gửi Chính phủ về Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội.

Được biết Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 – vùng Thủ đô Hà Nội lần này đã được UBND TP. Hà Nội cập nhật, tiếp thu đầy đủ kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 11 ngày 13/5/2022 về chủ trương đầu tư Dự án.

Tại tờ trình số 111, UBND Thành phố Hà Nội trình Chính phủ kiến nghị Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội. Cụ thể, tuyến đường thuộc phạm vi Dự án có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7km tuyến nối theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long). Trong đó, đoạn qua địa phận TP. Hà Nội dài 58,2km; Hưng Yên dài 19,3km; Bắc Ninh dài 25,6km và tuyến nối 9,7km. 

Dự án sẽ tiến hành gải phóng mặt bằng theo quy mô mặt cắt ngang hoàn chỉnh với bề rộng từ 90-135 m, thực hiện đầu tư phân kỳ với quy mô phân kỳ 4 làn xe cao tốc hạn chế, tốc độ thiết kế 80km/h với bề rộng mặt cắt ngang là 17m (bề rộng cầu 17,5m); các yếu tố hình học được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc với 8 nút giao liên thông hoàn chỉnh giao cắt với đường hiện trạng và các lối ra vào đường cao tốc. 

UBND TP. Hà Nội đề xuất đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục) quy mô mỗi bên rộng 12m; tổng nhu cầu sử dụng đất khoảng 1.341 ha.

Dự án sẽ được triển khai theo hình thức đầu tư đầu tư công kết hợp đầu tư PPP với sơ bộ tổng mức đầu tư là khoảng 85.813 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2011-2025 là 42.214 tỷ đồng, bao gồm ngân sách Trung ương là 19.383 tỷ đồng; ngân sách địa phương là 22.832 tỷ đồng (Hà Nội 19.477 tỷ đồng; Hưng Yên 1.355 tỷ đồng; Bắc Ninh 2.000 tỷ đồng). Nhu cầu vốn ngân sách giai đoạn 2026-2030 là 14.151 tỷ đồng, bao gồm: ngân sách Trung ương: 8.790 tỷ đồng; ngân sách địa phương 5.361 tỷ đồng (Hà Nội 4.047 tỷ đồng; Hưng Yên 150 tỷ đồng; Bắc Ninh 1.164 tỷ đồng). 

Vốn nhà đầu tư tham gia vào Dự án là 27.000 tỷ đồng (chiếm 48% tổng mức đầu tư dự án thành phần PPP); lãi vay 2.357 tỷ đồng.

Tiến độ thực hiện Dự án là từ năm 2022 đến năm 2027 (thực hiện quyết toán năm 2028). 

UBND TP. Hà Nội kiến nghị phân chia Dự án thành 7 dự án thành phần và do các địa phương quyết định đầu tư, tổ chức thực hiện; trình tự, thủ tục thực hiện các dự án thành phần tương tự dự án nhóm A theo quy định pháp luật về đầu tư công; giao UBND TP. Hà Nội chịu trách nhiệm là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Dự án bảo đảm tính tổng thể, đồng bộ toàn Dự án.

Đối với  Dự án thành phần 3: đầu tư hệ thống đường cao tốc toàn tuyển và tuyến nối 9,7km đi trùng đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long, thực hiện theo phương thức PPP (loại hợp đồng BOT) sẽ do UBND TP. Hà Nội làm cơ quan có thẩm quyền được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước để lựa chọn nhà đầu tư. Việc quản lý và sử dụng vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình trong dự án thành phần PPP được thực hiện theo quy định tại khoản 5, Điều 70, Luật PPP.

Trong trường hợp cần điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án theo quy định, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh; trường hợp trong thời gian Quốc hội không hợp thì Quốc hội xem xét, ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh.

Bên cạnh đó, tại Dự án này, UBND TP. Hà Nội đề xuất Quốc hội giao Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận việc điều chỉnh tổng mức đầu tư của dự án thành phần trong trường hợp điều chỉnh không làm vượt tổng mức đầu tư Dự án đã được Quốc hội thông qua trước khi người có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh dự án thành phần).

Về cơ chế chỉ định thầu, kiến nghị Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc chỉ định thầu trong quá trình triển khai thực hiện Dự án đối với các gói thầu tư vấn, gói thầu phục vụ di dời hạ tầng kỹ thuật, gói thầu thực hiện đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư; các nhà thầu thực hiện các gói thầu quy định tại khoản này trong thời gian từ năm 2022 đến năm 2023. Trình tự, thủ tục thực hiện chỉ định thầu thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu.

Về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường để thực hiện dự án, UBND TP. Hà Nội kiến nghị cấp có thẩm quyền cho phép trong giai đoạn triển khai Dự án, nhà thầu thi công không phải thực hiện thủ tục cấp Giấy phép khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án; việc khai thác mỏ khoáng sản quy định tại khoản này được thực hiện đến khi hoàn thành Dự án. Nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; chịu sự quản lý, giám sát đối với việc khai thác, sử dụng khoáng sản; nộp thuế, phí và thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật.

Tin liên quan
Tin khác