Diễn biến chỉ số AQI ngày và giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn PM2.5 tại Hà Nội. (Nguồn: TCMT) Thông tin từ Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho biết từ ngày 13/3 đến nay chất lượng không khí trên cả nước cơ bản vẫn duy trì ở mức tốt và trung bình. Tuy nhiên, chất lượng không khí giữa các đô thị vẫn có sự khác biệt rõ rệt..
Bụi mịn PM2.5 vẫn ở mức cao
Đánh giá lại tình hình chất lượng không khí trong tuần qua, Tổng cục Môi trường cho biết từ ngày 13-20/3, chất lượng không khí tại một số đô thị của nước ta không có nhiều biến động so với trước đó. Thủ đô Hà Nội vẫn có 4/7 ngày trong tuần bị ô nhiễm bụi mịn PM2.5. Trong đó, ngày 16/3, ô nhiễm ở mức khá cao (vượt gấp 2 lần giới hạn cho phép của Quy chuẩn Việt Nam.
Các đô thị khác, cơ bản chất lượng không khí vẫn duy trì ở mức tốt và trung bình. So sánh giữa các đô thị, ngoài Hà Nội là khu vực tiếp tục bị ô nhiễm cao nhất, các thành phố Hạ Long, Việt Trì và Thành phố Hồ Chí Minh vẫn có giá trị thông số PM2.5 cao hơn khu vực thành phố Huế và Nha Trang.
Kết quả tính toán chỉ số chất lượng không khí (AQI) ngày cho thấy tại thủ đô Hà Nội có 3 ngày chất lượng không khí ở mức kém (AQI từ 101-150) và 1 ngày có chất lượng không khí ở mức xấu (AQI từ 151-200). Các đô thị khác chất lượng không khí đều duy trì ở mức tốt (AQI dưới 50) và trung bình (AQI từ 51-100).
Tại Thủ đô Hà Nội, giá trị trung bình 24 giờ của thông số bụi mịn PM2.5 có sự thay đổi rất lớn giữa các ngày. Trong đó, ngày 16/3, mức độ ô nhiễm bụi mịn PM2.5 cao nhất so với các ngày khác trong tuần; tại tất cả các trạm đều có giá trị trung bình 24 giờ của bụi mịn PM2.5 vượt giới hạn cho phép Quy chuẩn Việt Nam.
Kết quả tính toán chỉ số AQI ngày tại các trạm cũng cho thấy trong các ngày 13, 15 và 17/3 chất lượng không khí duy trì ở mức kém. Riêng ngày 16/3, chất lượng không khí ở mức xấu tại đa số các trạm.
Diễn biến chỉ số AQI ngày và giá trị trung bình 24 giờ thông số bụi mịn PM2.5 tại một số thành phố. (Nguồn: TCMT) “Xét tới yếu tố thời tiết, có thể thấy những ảnh hưởng rõ rệt của thời tiết đến chất lượng không khí trong tuần vừa qua. Ngày 13, 15 và 16/3 là những ngày trời âm u, sương mù khá nặng, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch khá lớn, giá trị thông số PM2.5 quan trắc được cũng tăng rất cao,” Tổng cục Môi trường nhấn mạnh.
Những ngày tiếp đó, từ ngày 18-19/3, tình trạng mưa phùn kéo dài trong cả ngày đã khiến mức độ ô nhiễm bụi PM2.5 tại Thủ đô giảm rõ rệt, chất lượng không khí được đánh giá ở mức tốt. Tuy nhiên sang ngày 20/3, tình trạng mưa chấm dứt, kéo theo đó giá trị quan trắc của thông số PM2.5 lại có xu hướng tăng, chỉ số AQI giờ trong ngày đã chuyển sang mức kém.
Theo Tổng cục Môi trường, chất lượng không khí tại các đô thị trên được đánh giá dựa trên kết quả quan trắc tại 13 trạm quan trắc môi trường không khí tự động liên tục đặt tại Hà Nội; tại Việt Trì, Hạ Long, Huế, Nha Trang, Thành phố Hồ Chí Minh, mỗi thành phố có 1 trạm.
Xây dựng mạng lưới quan trắc hiện đại
Trước diễn biến ô nhiễm không khí trong thời gian qua, ngày 23/3, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức Hội nghị trực tuyến bàn về dự án xây dựng mạng lưới quan trắc môi trường không khí tại Việt Nam nhằm tăng cường năng lực cảnh báo, dự báo cũng như xây dựng mạng lưới quan trắc không khí hiện đại và đồng bộ.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, hoạt động quan trắc tự động ở Việt Nam đã bước đầu được chú ý những năm gần đây. Tuy nhiên, số lượng, quy mô và mật độ các trạm còn thưa và phân bố không đồng đều nên chưa phản ánh được đầy đủ, kịp thời bức tranh hiện trạng môi trường không khí. Việc ứng dụng các công nghệ quan trắc hiện đại đã triển khai nhưng cũng còn chậm.
[Chất lượng không khí miền Bắc trong giai đoạn ô nhiễm cao nhất năm]
Vì vậy, tại cuộc họp, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các cộng sự trong ngành cùng các nhà khoa đã bàn các giải pháp liên quan đến sự phù hợp của các trạm quan trắc với điều kiện tại Việt Nam; sự đồng bộ giữa mạng lưới trạm của Trung ương và địa phương; đưa ra các cơ sở khoa học để quy hoạch, phân bổ lại các điểm quan trắc môi trường không khí giữa Trung ương và địa phương, giữa tự động và định kỳ…
Chất lượng không khí tại Hà Nội sáng nay, 24/3, được Tổng cục Môi trường ghi nhận ở mức tốt, không ảnh hưởng tới sức khỏe. (Ảnh: HV/Vietnam+) Trên cơ sở trao đổi, bàn thảo, Hội nghị thống nhất việc thiết kế và xây dựng mạng lưới trạm quan trắc môi trường không khí tự động, liên tục gắn với mô hình cảnh báo, dự báo; cung cấp thông tin, số liệu về chất lượng và diễn biến chất lượng môi trường theo không gian và thời gian là yêu cầu cấp thiết.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, việc xây dựng mạng lưới trạm quan trắc tự động hiện đại, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương sẽ xác định chính xác nguồn ô nhiễm, khả năng phát tán ô nhiễm… là bước tiến quan trọng trong giám sát môi trường.
Ngoài ra, thông qua giám sát hiệu quả nguồn ô nhiễm có thể cung cấp thông tin cho việc quyết định phương án kiểm soát và ngăn ngừa ô nhiễm không khí, bảo vệ môi trường và ứng phó với sự cố môi trường không khí (nếu có).
Ông Hà cũng thống nhất với ý kiến đóng góp của các đại biểu về vị trí đặt hệ thống quan trắc môi trường không khí Quốc gia ở những nơi ít bị ảnh hưởng từ các nguồn gây ô nhiễm để có được các chỉ số ổn định, khái quát, từ đó, đưa ra các chỉ số chung về môi trường không khí của vùng, của khu vực, đồng thời, có thể theo dõi, đánh giá toàn diện mức độ ô nhiễm của từng địa phương, so sánh mức độ ô nhiễm của các địa phương…
Đối với từng địa phương, ông Hà lưu ý cần phải tính toán chi tiết, cụ thể hơn về các yếu tố có thể gây ra ô nhiễm không khí, đánh giá được vùng bị tác động ô nhiễm, khu vực có mật độ dân cư tập trung… để đặt các trạm quan trắc môi trường không khí.
Từ đó, có trách nhiệm cung cấp liên tục các số liệu có ảnh hưởng đến sức khỏe để người dân có thể giám sát được những thay đổi về môi trường không khí và đưa ra các khuyến cáo cần thiết.
Về lâu dài, vị tư lệnh ngành tài nguyên và môi trường đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố khi đầu tư, lắp đặt trạm quan trắc tự động cần lựa chọn thiết bị công nghệ đảm bảo hiện đại, đồng bộ, tương thích với hệ thống trạm quan trắc quốc gia tự động; có khung chính sách, pháp lý để quy định và phân rõ chức năng, nhiệm vụ về việc cung cấp các số liệu quan trắc môi trường không khí giữa Trung ương và địa phương../.