Thông tin trên vừa được UBND TP. Hà Nội nêu ra trước thực trạng ô nhiễm không khí nặng nề trên địa bàn Thành phố những ngày qua.
Hà Nội đang trải qua những ngày ô nhiễm không khí nặng nề |
Ông Vũ Đăng Định, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND TP Hà Nội cho hay, những ngày qua chất lượng không khí của Hà Nội xuống thấp, nhiều ngày ở mức kém do ô nhiễm bụi mịn (PM 2.5).
“Ô nhiễm không khí tại Hà Nội thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa tháng 3 và tháng 9. Từ ngày 13/9 tới nay, chất lượng không khí trong ngày xuống thấp gây ảnh hưởng tới sức khoẻ con người, đặc biệt là người già và trẻ em. Người dân nên đeo khẩu trang khi đi ra ngoài”, ông Định khuyến cáo.
Theo ông Định, các thông số về chất lượng không khí của Hà Nội do cơ quan chuyên môn đo được từ các trạm đo có kiểm định, trong đó 10 trạm quan trắc của Thành phố do Pháp tài trợ, một trạm quan trắc từ Đại sứ quán Mỹ. Ngoài nguyên nhân thời tiết khiến khói, bụi ứ đọng gần mặt đất, hiện cơ quan chức năng của Thành phố đã thống kê 12 nguồn phát thải chính gây ô nhiễm cho không khí tại Thành phố, trong đó có: Khí thải phương tiện giao thông; tình trạng đun bếp củi, bếp than tổ ong; bụi từ hoạt động xây dựng; bụi từ thu gom rác thải, khói bụi sản xuất…
Cũng theo Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Hà Nội đã và đang triển khai nhiều giải pháp để hạn chế ô nhiễm không khí như: Xây dựng hệ thống quan trắc, kiểm soát ô nhiễm; thay đổi thu gom rác bằng xe quét rác nhập châu Âu; xử lý bùn thải, xử lý rác thải rắn; nhập công nghệ phá dỡ, nghiền rác thải bê tông, che chắn công trình xây dựng; xây dựng quy hoạch các trạm xăng có trạm rửa xe tự động; giám sát xe chở xây dựng; trồng cây xanh; triển khai cánh đồng không đốt rơm rạ…
Thông tin thêm, ông Mai Trọng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên & Môi trường TP. Hà Nội), nói: “Nguyên nhân chính gây ô nhiễm không khí là diễn biến thời tiết cực đoan trong giai đoạn chuyển mùa, sự chênh lệch nhiệt độ giữa thời gian buổi sáng và trưa, sáng sớm có hiện tượng sương mù dẫn đến đối lưu không khí và thoát khí thải... gây ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng không khí của Thành phố”.
Theo ông Thái, việc đốt thải từ than tổ ong gây ô nhiễm rất lớn và đây được xem là một trong những nguyên nhân chính tạo nên không khí ô nhiễm. Theo số liệu thống kê, với việc dùng 582 tấn than tổ ong/ngày thì lượng CO2 thải ra bên ngoài không khí trên địa bàn thành phố là cực lớn, cộng với việc đốt rơm rạ khu vực ngoại thành sẽ khiến tầm nhìn bị che mờ.
"Bên cạnh đó, các vấn đề về xây dựng, phá dỡ các công trình xây dựng và việc tham gia giao thông của các phương tiện, đặc biệt là các phương tiện xe không đạt chuẩn đã dẫn đến lượng phát thải ra rất lớn. Chất lượng không khí của Hà Nội sẽ được cải thiện khi thời tiết diễn biến tích cực hơn nếu có mưa vào những ngày tới", ông Thái nhận định.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đưa ra các biện pháp trọng tâm về trước mắt và lâu dài để người dân không sử dụng than tổ ong và đốt rơm rạ trên địa bàn Thành phố.
Đồng thời Thành phố đã có 10 trạm quan trắc không khí để theo dõi tình trạng ô nhiễm không khí thường xuyên. Kế hoạch đến năm 2020, Hà Nội sẽ lắp thêm 20 trạm quan trắc không khí và 1 trạm quan trắc lưu động. Trên cơ sở đó sẽ triển khai nhiều biện pháp liên quan đến môi trường như xử lý chất thải rắn, làm sạch kênh mương ô nhiễm...