Thời sự
Hà Nội yêu cầu quản lý chặt chẽ trong tổ chức lễ hội
Thanh Nga - 23/01/2019 08:40
Tại buổi giao ban báo chí do Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều ngày 22/1, đại diện Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Sở sẽ phối hợp cùng các quận, huyện, thị xã trên địa bàn và các ngành liên quan sẽ quản lý chặt chẽ quá trình tổ chức các lễ hội Xuân Kỷ Hợi 2019.

Theo Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, bà Bùi Thị Thu Hiền, thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Trung ương, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, nhằm tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2019, Sở Văn hóa và Thể thao đã tham mưu UBND Thành phố ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn công tác quản lý và tổ chức lễ hội tại 30 quận, huyện, thị xã.

Trẩy hội chùa Hương (Ảnh: Internet)

Sở cũng đã hướng dẫn, đôn đốc các địa phương thực hiện công tác tuyên truyền về di tích lịch sử, ý nghĩa lễ hội; phổ biến pháp luật, hướng dẫn nhân dân và du khách thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự và lễ hội; chỉ đạo các ngành, các cấp, các ban quản lý di tích, Ban Tổ chức lễ hội nâng cao tinh thần trách nhiệm; kịp thời giải quyết, chấn chỉnh những phát sinh, tồn tại diễn ra trong lễ hội trên địa bàn. 

Trong quản lý lễ hội năm 2019, Sở cũng yêu cầu các đơn vị chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động lễ hội theo quy định của pháp luật như: Đổi tiền lẻ; vấn đề vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm; kinh doanh dịch vụ…

Về kế hoạch tổ chức Lễ hội chùa Hương, một trong những lễ hội lớn đầu Xuân, theo Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, ông Nguyễn Văn Hoạt, năm 2019 là năm đầu tiên Mỹ Đức tổ chức lễ hội sau khi quần thể di tích thắng cảnh Hương Sơn - chùa Hương được Thủ tướng Chính phủ công nhận xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt.Với chủ đề "Lễ hội kỷ cương - văn minh du lịch", huyện Mỹ Đức xác định, Lễ hội chùa Hương năm 2019 phải bảo đảm "an toàn, văn minh, lịch sự, đạt hiệu quả cao".

Đối với lễ hội đền Sóc, ông Lê Hữu Mạnh, Phó chủ tịch huyện Sóc Sơn cho biết, lễ hội được tổ chức trong 3 ngày, từ ngày 10 đến 12/2 (tức mùng 6 đến mùng 8 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) với các hoạt động chính tại lễ khai hội như: Lễ dâng hương, đánh trống khai hội, đọc văn tế, lễ rước và lễ tế của các thôn làng. Trong những ngày diễn ra lễ hội, sẽ nghiêm cấm việc buôn bán hàng giả, hàng nhát, hàng kém chất lượng, trò chơi mang tính bạo lực, các hình thức cờ bạc ăn tiền… và xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng.

Đối với Lễ hội kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi Đống Đa, Phó chủ tịch quận Đống Đa, ông Phan Hồng Việt cho biết, lễ hội diễn ra từ 6 giờ đến 21 giờ ngày 9/2/2019 (tức mùng 5 tháng Giêng năm Kỷ Hợi) tại Công viên văn hóa Đống Đa. Lễ hội có các hoạt động chính: Tế lễ, rước Kiệu hoàng đế Quang Trung và hoàng hậu Lê Ngọc Hân, lễ dâng hoa, dâng hương, Chúc Văn tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung, màn trống hội, múa rồng, diễn văn chào mừng kỷ niệm 230 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa.

Theo bà Bùi Thị Thu Hiền, với việc quản lý chặt chẽ các lễ hội trên địa bàn sẽ góp phần tạo nên một mùa lễ hội an toàn, tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô trong dịp đầu xuân mới, đồng thời khích lệ quần chúng nhân dân tích cực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2019.

Tin liên quan
Tin khác