Hạ tầng phát triển sẽ thúc đẩy hình thành các đô thị vệ tinh, giúp giảm áp lực cho nội đô các thành phố lớn. Ảnh: Dũng Minh |
Lên rừng, xuống biển
Không phải ngẫu nhiên thời gian qua, thị trường các tỉnh miền Đông Nam Bộ như Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu, Bình Thuận… trở thành những điểm nóng. Kể từ sau khi có tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Giầu Dây và gần đây là sự khởi động của sân bay Quốc tế Long Thành cùng một loạt tuyến đường kết nối Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu với TP.HCM đã rút ngắn đáng kể khoảng cách về không gian, thời gian giữa các địa phương này. Theo đó, thị trường bất động sản Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu trở nên dậy sóng, đặc biệt là các vùng đất liền kề với các trục hạ tầng sân bay và dọc ven sông Đồng Nai, với hàng loạt dự án bất động sản quy mô lên đến hàng nghìn tỷ đồng đổ bộ vào thị trường này để đón đầu cơ hội.
Tương tự, thị trường bất động sản Bình Thuận cũng trở thành mục tiêu săn đón của giới đầu tư địa ốc thời gian qua khi “điểm nghẽn” lớn nhất là tính kết nối được khơi thông nhờ các dự án hạ tầng giao thông mới. Cụ thể, cuối năm 2020, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây đã chính thức được khởi công. Với tổng vốn đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, dự án có có chiều dài 99 km, mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2022.
Khi tuyến đường hoàn thành, hành trình từ TP.HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết - Mũi Né được rút ngắn một nửa, còn 2-2,5 tiếng. Cao tốc sẽ kết nối với sân bay Long Thành, tạo nên trục giao thông liền mạch giữa TP.HCM - Long Thành - Phan Thiết. Ngoài ra, mới đây, sân bay Phan Thiết cũng đã được xây dựng, mở ra làn sóng thu hút dòng vốn đầu tư mới đổ vào Bình Thuận, trong đó có không ít dự án bất động sản quy mô hàng trăm héc-ta với tổng vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng.
Không chỉ “xuống biển”, sức bật hạ tầng đã mở lối cho các nhà phát triển bất động sản kéo nhau “lên rừng”. Trong các tỉnh miền núi, Lâm Đồng thời gian qua được ví như “thỏi nam châm” thu hút giới đầu tư địa ốc. Với lợi thế “đặc sản” khí hậu ôn hòa quanh năm và giá đất còn mềm, phù hợp phát triển mô hình nghỉ dưỡng kết hợp với nuôi trồng và đặc biệt, thông tin chuẩn bị khởi động tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương càng làm cho thị trường Lâm Đồng thêm nóng. Hàng loạt chủ đầu tư, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Nova Group, Hưng Thịnh… với quỹ đất cả nghìn héc-ta, đã và đang lên kế hoạch triển khai các dự án nghỉ dưỡng, khiến giá đất nơi đây tăng vọt.
Cũng là một địa phương liền kề khu vực Tây Nguyên, những thông tin Bình Phước quy hoạch sân bay Téc-ních hay chuẩn bị triển khai dự án đường cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành đã thổi nóng thị trường bất động sản nơi đây.
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tuyến cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 73 km, trong đó đoạn qua TP.HCM dài khoảng 2 km (dự kiến kết nối vào đường Vành đai 2 tại nút giao Gò Dưa, TP. Thủ Đức) đi qua tỉnh Bình Dương dài 60 km và tỉnh Bình Phước (dài 11 km). Dự kiến dự án này còn kéo dài đến cửa khẩu Hoa Lư, kết nối với Campuchia. Thông tin này ngay lập tức tác động mạnh đến thị trường bất động sản Bình Dương và Bình Phước, khiến cho giới đầu tư địa ốc không ngừng săn tìm, bởi khi dự án hoàn thành thì Bình Phước sẽ trở thành một đô thị vệ tinh trong xu thế giãn dân sắp tới.
Xu hướng hình thành đô thị vệ tinh
Có thể nói, chưa lúc nào làn sóng đầu tư quan tâm đến bất động sản tại các vùng phụ cận phía Nam diễn ra mạnh mẽ và trên diện rộng như thời gian qua. Theo phân tích của các thành viên thị trường, sức hấp dẫn của thị trường địa ốc phí Nam gần đây có cả yếu tố thực và yếu tố ảo. Tuy nhiên, yếu tố ảo chỉ mang tính cục bộ, diễn ra ở một số khu vực do giới đầu cơ bơm thổi, còn phần lớn là yếu tố thực.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) phân tích, sự phát triển về hạ tầng kéo theo dòng vốn đầu tư dịch chuyển về vùng lân cận, giúp “giải cứu” TP.HCM khỏi áp lực gia tăng dân số và tốc độ đô thị hóa nhanh.
“Thực tế, trong chiến lược phát triển của TP.HCM lâu nay xác định sẽ phát triển các khu đô thị vệ tinh theo mục tiêu phát triển đô thị đa trung tâm, mang tính vùng không gian đô thị, vượt ra ngoài ranh giới hành chính, trong đó các khu vực như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ dần hình thành nên những trung tâm đô thị mới trong xu thế giãn dân đô thị”, ông Châu nói.
Còn theo ông Dương Minh Tiến, Tổng giám đốc Asia New Time, có thể lý giải sự phát triển của thị trường bất động sản các tỉnh phía Nam theo 3 nhu cầu, đó là ở thực, sử dụng ngôi nhà thứ 2 và đầu tư. Về nhu cầu ở thực, theo ông Tiến, trước làn sóng tốc độ đô thị hóa ngày càng gia tăng mạnh mẽ, đặc biệt là TP.HCM, một siêu đô thị với dân số đã vượt mức 13 triệu dân, nhu cầu nhà ở không ngừng tăng cao, trong khi quỹ đất phát triển hạn chế, đã đẩy giá nhà đất tăng cao, vượt ngoài khả năng của nhiều người có nhu cầu ở thực.
Do vậy, một khi hạ tầng phát triển, câu chuyện những người làm việc tại TP.HCM có thể ở tại Bình Dương, Đồng Nai, thậm chí là Bình Phước… đều có thể xảy ra. Bởi xét về khoảng cách địa lý có thể là xa, nhưng khi mạng lưới hạ tầng phát triển đồng bộ sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển. Đây là xu hướng từng diễn ra ở các nước phát triển.
Về xu hướng sử dụng ngôi nhà thứ 2, trước đây, việc sở hữu một sản phầm bất động sản nghỉ dưỡng thường chỉ dành cho người giàu có, nhưng hiện nay, nhu cầu sở hữu một bất động sản mang yếu tố nghỉ dưỡng, có thể trên núi hay dưới biển, trở thành nhu cầu của nhiều người và diễn ra hàng tháng, hàng tuần, thậm chí hàng ngày.
“Mới đây, một tập đoàn bất động sản đã phát triển một dự án nghỉ dưỡng tại Lâm Đồng, trong đó có 24 biệt thự có giá từ 30 tỷ đồng đến 115 tỷ đồng, song nghe đâu toàn bộ số biệt thự này đã có đơn đặt hàng”, ông Tiến nói và cho rằng, đây chính là nhu cầu rất thực.
“Không chỉ các dự án hạng sang, tại các dự án ven biển, ven sông được các doanh nghiệp đầu tư bài bản gần đây cũng trong tình trạng “cháy hàng” cho thấy nhu cầu nghỉ dưỡng của người dân là rất lớn”, ông nhấn mạnh.
Về xu hướng đầu tư, xuất phát từ nhu cầu đầu tư ngày càng tăng cao, thêm vào đó là đồng tiền đang trở nên rẻ hơn, lãi suất tiết kiệm thấp, trong khi các kênh đầu tư khác như chứng khoán, vàng.. ẩn chứa nhiều rủi ro hơn, khiến bất động sản trở thành kênh đầu tư được quan tâm. Bên cạnh đó, quan niệm “mua vàng thì lỗ, mua thổ thì lời” luôn hiện hữu trong tâm thức của đại đa số người Việt nên có điều kiện là sẽ mua nhà đất.