Đầu tư
Hạ tầng và nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành logistics TP.HCM
Việt Dũng - 02/10/2022 06:10
TP.HCM với vai trò là đô thị đặc biệt, có lợi thế về địa lý, tuy nhiên đường giao thông và chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu của ngành logistics.

Hạ tầng phát triển chưa tương xứng

Chia sẻ tại diễn đàn Logistics TP.HCM lần 1, ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương TP. HCM cho hay, thực trạng về hạ tầng ngành logistics hiện nay chưa đáp ứng được so với nhu cầu.

Cụ thể, hệ thống đường bộ, đặc biệt hệ thống đường vành đai 2,3,4 chưa hoàn chỉnh. Thường tắc nghẽn các tuyến đường bộ đến cảng Cát Lái, ICD Trường Thọ… Tuyến Bắc - Nam kết nối kém với cảng biển, cảng hàng không; sản lượng thấp; Tiêu chuẩn kỹ thuật lạc hậu; thiếu vốn đầu tư nâng cấp, chuyển đổi.

Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương TP. HCM chia sẻ tại diễn đàn. (Ảnh: Vũ Quyền)


Thậm chí, đang có xu hướng kho thu hẹp tại TP.HCM và chuyển dịch sang các tỉnh lân cận; TP.HCM chưa có Trung tâm logistics đáp ứng đầy đủ tiêu chí theo Quyết định số 1012/QĐ-TTg ngày 03/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ.

“Hiện tại, TPHCM có kế hoạch phát triển 07 hệ thống trung tâm logistics, trong đó, trung tâm Logistics Cát Lái – Phú Hữu có tổng diện tích lớn nhất là 318ha, tiếp đến là Khu vực trung tâm logistics Hiệp Phước có diện tích 100 ha, Linh Trung 74 ha, Tân Kiên 60ha…”, ông Tú nói.

Dưới góc độ là lãnh đạo doanh nghiệp, ông Huỳnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cảng Sài Gòn cho biết, hạ tầng giao thông đường bộ hiện tại có nhiều hạn chế như: đường nhỏ, hẹp, tải trọng hạn chế (đặc biệt đối với hàng container và hàng công trình); Quá nhiều giao lộ gây tắc nghẽn do xung đột luồng xe chạy; Thiếu cầu có đủ tải trọng phù hợp giao thương hàng hóa, kết nối cảng với các khu công nghiệp, nhà máy, kho hàng.

Bên cạnh đó, đường biển, đường sắt và thủy nội địa phát triển chưa tương xứng. Vận tải đa phương thức chưa phát huy hiệu quả vì thiếu kết nối giữa đường sắt – đường bộ - đường thủy nội địa.

Việc đầu tư các phương thức này thiếu đồng bộ, thường vênh nhau và thiếu sự thống nhất cả về mục tiêu, kế hoạch thời gian thực hiện. 

Theo đó, việc sớm triển khai xây dựng các cảng container của cảng biển TP.HCM trong giai đoạn 2021-2030, đặc biệt là cảng nước sâu, có chức năng trung chuyển container quốc tế; hoàn thiện hạ tầng đường bộ - đường thủy nội địa, từng bước phát triển đường sắt… là cần thiết để đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, góp phần cắt giảm chi phí logistics hiện tại và trong tương lai từ nay đến 2030 của TP.HCM nói riêng và các tỉnh Khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam và Đồng bằng Sông Cửu Long nói chung.

Liên quan đến “nút thắt” hạ tầng, ông Bùi Hòa An, Phó giám đốc Sở Giao thông – Vận tải TP.HCM cho hay, trong thời gian tới sẽ tập trung triển khai các dự án để phục vụ phát triển hệ thống Logistics như: Vành đai 2, Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP.HCM – Mộc Bài; Nút giao An Phú; Tuyến đường sắt đô thị số 1, số 2; Cảng thủy nội địa…

Tiếp tục phối hợp với Bộ Giao thông Vận tải và các Bộ ngành liên quan để triển khai các dự án trọng điểm như: cao tốc TP.HCM – Chơn Thành, cao tốc Bến lức – Long Thành, mở rộng cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, mở rộng cao tốc TP.HCM – Trung Lương.

Toàn cảnh Diễn đàn Logistics TP.HCM lần 1. (Ảnh: Vũ Quyền)


Để làm được những điều trên, Phó giám đốc Sở Giao thông - Vận tải TP. HCM kiến nghị, cần sớm nghiên cứu, bổ sung quy hoạch cảng container trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ để tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển cho TP.HCM và cả nước.

Tổ chức duy tu, nạo vét các đoạn cạn trên tuyến luồng Soài Rạp trong phạm vi từ phao báo hiệu hàng hải số “0” đến thượng lưu Bến cảng Tân cảng Hiệp Phước (chiều dài L = 59,5 km), đảm bảo yêu cầu mực nước chạy tàu tương ứng với cao độ đáy tối thiểu -9,0 m (hệ Hải đồ).

Khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai của Thành phố, đấu giá quỹ đất sạch, đấu giá trụ sở cơ quan, đơn vị để tạo nguồn thu cho ngân sách; điều chỉnh quy hoạch đô thị xung quanh các trục giao thông chính, các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga Metro và vùng phụ cận để tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách từ khai thác hiệu quả quỹ đất… 

Chất lượng nguồn nhân lực chưa đảm bảo

Không chỉ có vấn đề về  hạ tầng, yếu tố liên quan đến chất lượng nguồn nhân lực cũng là một trong những điểm nghẽn lớn trong quá trình phát triển ngành logistics TP.HCM.

Theo ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó giám đốc Sở Công thương TP.HCM, trên cả nước hiện nay có khoảng 700.000 doanh nghiệp, số lượng doanh nghiệp tại TP.HCM chiếm 31%. Đặc biệt, doanh nghiệp đăng ký kinh doanh ngành logistics là khoảng 30.000 doanh nghiệp (TP.HCM chiếm 36,7%) nhưng chỉ có khoảng 4.000 doanh nghiệp logistics chuyên nghiệp (TP.HCM chiếm 54 %). 

“Bình quân 20 lao động/doanh nghiệp, từ nay đến năm 2030, mỗi năm TP.HCM cần khoảng 10.000 người” ông Tú nói và cho biết thêm,  để phát triển nguồn nhân lực logistics, TP.HCM đặt mục tiêu là trung tâm đào tạo nhân lực ngành logistics cho các tỉnh phía Nam. Hỗ trợ đào tạo ngắn hạn cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, nâng cao chất lượng đào tạo đại học, sau đại học…

Thu hút mạnh mẽ sự tham gia của doanh nghiệp theo mô hình “Nhà trường – Nhà nước – Doanh nghiệp”. Trong đó, chú trọng kỹ năng nghề, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên ngành logistics. Liên kết các tỉnh, thành về đào tạo và chia sẻ nguồn nhân lực; tăng cường hợp tác quốc tế về đào tạo, nghiên cứu.

PGS.TS Võ Thị Ngọc Thúy, Hiệu trưởng trường Đại học Hoa Sen cũng cho hay, có 4 điểm nghẽn lớn ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực cho ngành logistics.

Đó là bất cập về cung - cầu; nguồn nhân lực và chuyển đổi số; năng suất lao động thấp hơn các nước trong khu vực; nhận thức của xã hội về nghề.

Để khắc phục tình trạng này, nhà trường và doanh nghiệp phải chung tay đào tạo theo dạng thực làm - thực học. Cụ thể, nhà trường đào tạo lý thuyết, doanh nghiệp đào tạo thực hành - thực làm.

“Phải làm sao để nhà trường và doanh nghiệp thành chung một nhà, tránh tình trạng sinh viên ra trường nhưng khi vào doanh nghiệp thì phải đào tạo lại, thành lãng phí 02 lần”, bà Thúy kiến nghị.

Tin liên quan
Tin khác