Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, đây là hoạt động được tổ chức thường niên, cũng là dịp để lãnh đạo Hà Tĩnh lắng nghe các ý kiến, đề xuất của doanh nghiệp (DN), với tinh thần “cầu thị - thẳn thắn - cởi mở”; tìm các giải pháp tối ưu để hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, nhà đầu tư.
Tại diễn đàn này, lãnh đạo tỉnh mong muốn nhận được nhiều ý kiến thẳng thắn của các DN liên quan đến những khó khăn, vướng mắc đang gặp, đặc biệt là những vướng mắc do cơ chế, chính sách, những khó khăn khi tiếp cận, làm việc với các đơn vị, sở ngành, địa phương.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tỉnh đối thoại với doanh nghiệp năm 2017. |
Theo đó, Hà Tĩnh hiện có gần 6.000 DN, chủ yếu là các DN nhỏ và vừa, chiếm 98%. Năm 2016, trrong bối cảnh kinh tế - xã hội chung gặp nhiều khó khăn, sự cố môi trường biển, thiên tai bão lũ tàn phá nặng nề phát sinh nhiều hệ lụy, ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư kinh doanh, nhưng Hà Tĩnh vẫn có 885 số DN mới được thành lập, tăng 2,7% so với cùng kỳ.
Ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch Hội DN tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Nhờ đó, số lượng DN trên địa bàn phát triển nhanh, các loại hình, lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh ngày càng đa dạng, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, nhìn nhận thực trạng hiện nay, ông Thông cho rằng, DN Hà Tĩnh đang còn vô vàn khó khăn, hầu hết thiếu vốn, thiếu việc làm; nhiều DN thiếu năng lực quản trị, thiếu lao động chất lượng cao...DN Hà Tĩnh vẫn đang phải đối mặt với chi phí thời gian, chi phí không chính thức, tiếp cận đất đai... Việc thanh tra, kiểm tra của một số cơ quan quản lý Nhà nước đối với DN còn nhiều đoàn, nội dung kiểm tra trùng lặp...
Ông Nguyễn Viết Ngân, Chủ tịch Hiệp hội DN TP.Hà Tĩnh cho rằng, trong bối cảnh cắt giảm đầu tư công, sự cố môi trường biển... nhiều DN đang "chết lâm sàng". Vì vậy, nên chăng Hà Tĩnh cần thành lập một lực lượng rà soát, kiểm tra năng lực DN. Nếu DN đang hoạt động được nhưng dây dưa nợ thuế thì kiên quyết xử lý, còn DN nào thực sự khó khăn nhưng vẫn có tiềm năng phát triển thì có thể khoanh nợ, giãn nợ, nếu không sẽ mất DN, tỉnh mất nguồn thu bền vững.
Ông Trần Phát Đạt, Chủ tịch Hiệp hội DN Hương Khê chia sẻ: Hầu hết các DN trên địa bàn chuyên về sản xuất kinh doanh lâm sản, nhưng các thủ tục liên quan đến thông quan hàng hóa trên địa bàn còn gặp nhiều khó khăn. Hiệp hội DN Hương Khê mong muốn các ban ngành liên quan tạo điều kiện thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh nhằm giúp DN giảm chi phí, giảm thời gian làm thủ tục.
Trên tinh thần thẳng thắn, dân chủ, Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh đã chia sẻ, giải đáp những băn khoăn, vướng mắc mà các DN đang gặp phải. Trong thời gian tới, Hà Tĩnh cần tăng cường quảng bá đầu tư, mở rộng hợp tác kinh tế đối ngoại, thu hút đầu tư. Đẩy mạnh cải cách hành chính, đổi mới tư duy quản lý Nhà nước, xem DN là đối tượng phục vụ, xử lý nghiêm cán bộ, công chức thiếu tinh thần trách nhiệm, vi phạm quy trình xử lý hồ sơ, nhũng nhiều, gây phiền hà cho DN. Đồng thời, đánh giá cao vai trò của các DN trên địa bàn, đặc biệt đã tham gia giải quyết việc làm cho hơn 8,5 vạn lao động, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động địa phương.
Đối với các DN đầu tư trên địa bàn, ông Đặng Quốc Khánh cũng đề nghị, để đối mới và phát triển thì bản thân các DN cũng phải chủ động tái cơ cấu, nỗ lực vươn lên trong thời kỳ hội nhập, có chiến lược kinh doanh dài hạn, chủ động liên kết để nâng quy mô, tầm hoạt động, kết nối các DN, tập đoàn để trở thành đối tác, tham gia phân khúc chuỗi giá trị khu vực công nghiệp, dịch vụ phụ trợ, là khu vực có tiềm năng phát triển lớn của tỉnh trong thời gian tới.