Hà Tĩnh hướng đến một trung tâm logistics tại Khu kinh tế Vũng Áng |
Cực tăng trưởng mới
Hà Tĩnh là một trong 2 tỉnh đầu tiên của cả nước hoàn thành thẩm định Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện tỉnh đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Giai đoạn 2015-2021, Hà Tĩnh đã thu hút khoảng 1.000 dự án đầu tư trong và ngoài nước, với tổng vốn đăng ký 350.000 tỷ đồng (tương đương 16 tỷ USD), là tỉnh đứng thứ 9 cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài với trên 70 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 12 tỷ USD.
Năm 2021, tỉnh thu hút được 52 dự án đầu tư, trong đó 51 dự án trong nước có tổng vốn đăng ký trên 14.600 tỷ đồng và một dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đăng ký 2,5 tỷ USD.
Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Hà Tĩnh ngày 13/12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Hà Tĩnh có những lợi thế riêng cả về hạ tầng kinh tế - xã hội và con người hiếm nơi nào có được. Tỉnh cần đổi mới mạnh mẽ và mở cửa nền kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất; tăng cường thu hút nguồn lực để bổ sung giá trị gia tăng cho địa phương; chú ý tận dụng hết nguồn lực sẵn có của các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn.
Chủ tịch nước mong muốn Hà Tĩnh phải cùng với Nghệ An, Thanh Hóa hình thành một cực tăng trưởng mới của đất nước. Đặc biệt, Hà Tĩnh phải đi đầu trong chuyển đổi số; tăng cường áp dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất để nâng cao năng suất lao động. Trong thu hút đầu tư, cần đề cao tính chọn lọc để có những dự án tốt, hiệu quả; trong đó phải chú trọng đến phát triển nội lực, phát triển doanh nghiệp nội địa.
“Những năm gần đây, Hà Tĩnh mở cửa nền kinh tế, khôi phục sản xuất với phương châm khoa học, bài bản, nhất quán”, ông Võ Trọng Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ về quá trình lấy lại đà tăng trưởng kinh tế của địa phương trong bối cảnh sống chung với đại dịch Covid-19.
Theo ông Võ Trọng Hải, xây dựng Vũng Áng thành khu kinh tế đa chức năng là nội dung cốt lõi trong Đề án phát triển Khu kinh tế Vũng Áng trở thành động lực thúc đẩy kinh tế Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030.
“Khu kinh tế Vũng Áng không chỉ là động lực phát triển kinh tế - xã hội của riêng Hà Tĩnh, mà còn của khu vực Bắc Trung bộ và cả nước. Việc xây dựng Đề án và ban hành Nghị quyết xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng là động lực phát triển nhanh kinh tế Hà Tĩnh giai đoạn 2021 - 2030 là đòi hỏi cấp thiết”, ông Hải nói.
Mục tiêu tổng quát của Đề án là xây dựng Khu kinh tế Vũng Áng trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, với trọng tâm là phát triển đồng bộ khu liên hợp cảng Vũng Áng - Sơn Dương; xây dựng trung tâm logistics tại Vũng Áng - Sơn Dương cùng các trung tâm công nghiệp luyện kim, chế biến, chế tạo, trung tâm điện lực, đảm bảo hiệu quả tổng hợp về kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh và bảo vệ môi trường.
Đồng thời, xây dựng thị xã Kỳ Anh trở thành vùng đô thị trung tâm phía Nam, hình thành thành phố công nghiệp Kỳ Anh trong tương lai, kết nối Nam Hà Tĩnh - Bắc Quảng Bình.
“Để Vũng Áng giữ vai trò hạt nhân tăng trưởng của tỉnh Hà Tĩnh trên các lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, lao động, Đề án đã nghiên cứu, đề xuất các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng kết cấu hạ tầng, thu hút và hỗ trợ đầu tư, gắn với bảo vệ môi trường và an ninh quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội…”, ông Võ Trọng Hải chia sẻ.
Được biết, Khu kinh tế Vũng Áng được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn là một trong 5 khu kinh tế trọng điểm của cả nước, được tập trung nguồn lực đầu tư phát triển giai đoạn 2013 - 2015 và là một trong 8 khu kinh tế ven biển được ưu tiên để tập trung đầu tư phát triển từ nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020...
Để trở thành khu kinh tế đa năng, Đề án đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025, thu hút 3,5-5,5 tỷ USD vốn đầu tư vào Vũng Áng, tổng thu ngân sách đạt 50.000-55.000 tỷ đồng; giai đoạn 2026 - 2030 thu hút đầu tư đạt 4-7 tỷ USD, tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 88.000 - 100.000 tỷ đồng…
Trong chuyến làm việc với tỉnh Hà Tĩnh cuối năm 2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc mong muốn: “Hà Tĩnh cùng với Nghệ An và Thanh Hóa phải trở thành cực tăng trưởng mới của cả nước. Để làm được như vậy, Hà Tĩnh phải đẩy mạnh hơn nữa các nền tảng phát triển; thực hiện hiệu quả chuyển đổi số, đầu tư phát triển khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp đa chức năng…”.
Vững tin bước vào năm 2022
Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh, ông Hoàng Trung Dũng chia sẻ, trong bối cảnh chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai năm 2020 và tác động mạnh của đại dịch Covid-19 năm 2021, theo kết quả xếp hạng tăng trưởng, năm 2021, Hà Tĩnh ước đạt 5,02%, xếp thứ 32/63 tỉnh, thành phố và đứng thứ tư trong khu vực Bắc Trung bộ.
Sản xuất công nghiệp phục hồi và lấy lại đà tăng trưởng; chỉ số sản xuất toàn ngành ước tăng gần 17% so với năm 2020. Xuất khẩu ước đạt 2 tỷ USD, tăng 66,7%; thu ngân sách dự kiến cả năm đạt 16.000 tỷ đồng. “Kết quả này có được là nhờ sự đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng bộ, với quyết tâm chính trị cao thực hiện bằng được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra”, ông Hoàng Trung Dũng nhìn nhận.
Đầu tàu tăng trưởng của Hà Tĩnh là Công ty Gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Dự án này có tổng vốn đầu tư lên đến 12,787 tỷ USD, đang sản xuất đều, hoạt động ổn định với số lượng cán bộ, công nhân viên lên đến gần 7.000 người (trong đó người Việt khoảng 6.200 người, con em Hà Tĩnh chiếm khoảng 78%).
Sự vươn lên của Formosa sau thảm họa năm 2016 là minh chứng sinh động cho thấy, mọi sai sót đều có thể khắc phục để trở nên hoàn thiện, tốt đẹp, chỉ cần luôn cầu thị và cố gắng. Ước tính năm 2021, Formosa Hà Tĩnh sản xuất 6,4 triệu tấn phôi thép, lượng tiêu thụ các sản phẩm thép dự kiến đạt 6,3 triệu tấn, mang lại doanh thu khoảng 5 tỷ USD, tăng 76% so với năm 2020.
Những ngày cuối năm 2021, một loạt dự án có quy mô hàng ngàn tỷ đồng được khởi công tại Hà Tĩnh. Điển hình, ngày 12/12/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc về dự và nhấn nút khởi công Dự án xây dựng Nhà máy sản xuất Pin VinES, quy mô giai đoạn I là 8 ha, với tổng vốn đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng tại Khu kinh tế Vũng Áng. Với mức độ tự động cao trên 80%, đây sẽ là nhà máy sản xuất pin đầu tiên và hiện đại nhất Việt Nam, sử dụng các công nghệ tiên tiến hàng đầu theo tiêu chuẩn của Mỹ và châu Âu.
Cũng trong chuyến công tác này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Hà Tĩnh đẩy mạnh hơn nữa các nền tảng phát triển theo mô hình cỗ xe tam mã: sản xuất, tiêu dùng và xuất khẩu…
Sau 2 năm chao đảo vì đại dịch Covid-19, kinh tế thế giới được dự báo sẽ quay lại quỹ đạo tăng trưởng trong năm 2022. Với Hà Tĩnh, nhờ đà phục hồi đã được củng cố trong năm 2021, khi tỉnh cùng các địa phương khác thực hiện phương châm “sống chung an toàn với virus SARS-CoV-2”, triển khai các gói kích thích tăng trưởng hậu Covid-19, những nút thắt trong chuỗi cung ứng cũng dần được tháo gỡ để vững tin bước vào năm 2022.