| ||
Hafic cho rằng, việc VVF đệ đơn đòi mở thủ tục phá sản đối với Hafic là không có căn cứ pháp lý |
Đầu tiên, theo Hafic, thời hạn thông báo của tòa án không đúng theo quy định của điều 23, Luật Phá sản và khoản 2, điều 12, Nghị định số 05/2012/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Phá sản. Theo đó, trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án phải thông báo cho tổ chức tín dụng đó biết.
Theo Hafic, ngày 20/5/2013 TAND TP.Hà Nội ban hành Thông báo về việc thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản số 197/TB-TLVA, nhưng đến ngày 4/6/2013 TAND TP.Hà Nội mới gửi đơn cho Hafic (theo dấu bưu điện trên bì thư gửi) và đến ngày 5/6/2013, Hafic mới nhận được.
Thứ hai, Hafic là một tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Giấy phép số 157/GP-NHNN ngày 6/6/2008 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Theo Nghị định số 05/2012/NĐ-CP quy định việc áp dụng Luật Phá sản đối với tổ chức tín dụng, tại điều 4 đã quy định rõ về điều kiện xác định tổ chức lâm vào tình trạng phá sản: “Tổ chức tín dụng không có khả năng thanh toán các khoản nợ đến hạn khi chủ nợ có yêu cầu, sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng kiểm soát đặc biệt thì được coi là lâm vào tình trạng phá sản”.
Trong văn bản do ông Phạm Trường Giang, Tổng giám đốc Hafic ký còn nhấn mạnh: "Khi xác định một doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản để nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản cần phải được xem xét, đánh giá một cách thận trọng, chính xác và cụ thể theo đúng các quy định của pháp luật. Mặt khác, cả VVF và Hafic đều là tổ chức tín dụng nên phải có trách nhiệm duy trì và đảm bảo ổn định, an toàn của hệ thống, vì lĩnh vực tài chính ngân hàng có độ nhạy rất cao với nền kinh tế nên các thông tin hoặc các hành động được thực hiện thiếu thận trọng sẽ tạo ra những ảnh hưởng không tốt cho các bên".
“Việc VVF bỏ qua thủ tục đàm phán, thương lượng, hòa giải với Hafic, không sử dụng đến quyền khởi kiện dân sự để đòi nợ mà đơn phương nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Hafic là việc làm không có căn cứ pháp lý, thiếu thiện chí, vi phạm hợp đồng và vi phạm thỏa thuận ký kết hợp pháp giữa hai bên”, văn bản do ông Giang gửi TAND.TP Hà Nội nêu rõ.
Cũng theo Hafic, việc VVF yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản đối với Hafic là không có căn cứ pháp luật, nên Hafic đề nghị Tòa án ra quyết định trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản cho VVF.
Công ty Tài chính Cổ phần HANDICO (Hafic) có trụ sở tại Tầng 9,10,11, Tòa nhà Thăng Long Tower, 98A Ngụy Như Kon Tum, Thanh Xuân, Hà Nội.
Hafic được thành lập ngày 16/11/2005, tiền thân là một doanh nghiệp Nhà nước thuộc Tổng Công ty Đầu tư và Phát triển Nhà Hà Nội (Handico). Ngày 01/07/2008, Công ty chính thức chuyển đổi mô hình từ Doanh nghiệp Nhà nước sang Công ty cổ phần và tăng vốn điều lệ từ 50 tỷ lên 350 tỷ đồng.
Báo Đầu tư điện tử - baodautu.vn sẽ tiếp tục thông tin vụ việc trong các bản tin tiếp theo./
Hữu Tuấn