Các doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài trao đổi tại Horasis - Bình Dương 2018. Ảnh: Lê Toàn |
Làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ khoa học - công nghệ đang lan rộng khắp thế giới, tạo ra nhiều cơ hội và thách thức mới. Theo đó, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam càng cần phải đổi mới mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa để tăng sức cạnh tranh toàn cầu, các quy hoạch phải có tính khả thi, có cơ chế thúc đẩy với các giải pháp cụ thể để triển khai hiệu quả.
“Trong tương lai, Vùng cần hướng đến tạo ra giá trị gia tăng mới, tập trung đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bổ sung chương trình dịch vụ cao cấp, đẩy mạnh chuỗi cung ứng, logistics, cơ sở hạ tầng, phát triển giao thông đa dạng. Trước mắt là đẩy nhanh kết nối các vành đai, tuyến đường huyết mạch, cảng biển, sân bay quốc tế... từ đó lan tỏa trong vùng và cả các khu vực xung quanh”, ông Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch HĐQT Becamex IDC chia sẻ tại Hội nghị phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam được tổ chức vào tháng 5/2019 vừa qua.
Với quan điểm này và từ thực tế thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp tại Bình Dương, mới đây, Becamex IDC đã đề xuất với lãnh đạo tỉnh để thực hiện 2 dự án lớn, đó là: Khu công nghiệp (KCN) Khoa học công nghệ và Dự án Trung tâm thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương.
Khu công nghiệp Khoa học công nghệ thu hút chất xám
KCN Khoa học công nghệ dự kiến được đầu tư, xây dựng trên diện tích 900 ha tại huyện Bàu Bàng, có vị trí thuận lợi, liền kề 2 trục giao thông quan trọng kết nối với TP.HCM là Quốc lộ 13 và đường Mỹ Phước - Tân Vạn.
Ngoài ra, tuyến nhánh của đường Hồ Chí Minh cũng đi qua khu này, tạo kết nối với Bình Phước và các tỉnh Tây Nguyên. Các yếu tố kỹ thuật như nguồn điện ổn định, đường truyền Internet tốc độ cao, các nguồn năng lượng tái tạo... cũng được đầu tư xây dựng đồng bộ, hiện đại, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp đầu tư vào KCN.
KCN Khoa học công nghệ được xây dựng nhằm thu hút các tập đoàn và cả doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp trong các ngành sản xuất mũi nhọn có giá trị gia tăng cao phù hợp với giai đoạn hiện nay. Đồng thời, quy hoạch khu vực nghiên cứu và phát triển, thực nghiệm khoa học công nghệ, kết nối viện, trường - doanh nghiệp cả trong nước và quốc tế, hướng đến trở thành một trung tâm đào tạo thu hút nguồn nhân lực kỹ thuật cao, nghiên cứu chuyển giao công nghệ.
Tại KCN này sẽ đầu tư xây dựng một khu vực đô thị, là môi trường sinh sống lý tưởng cho các chuyên gia, kỹ sư, nhà khoa học với cộng đồng khoa học năng động, sáng tạo...
“Đây là một trong những dự án trọng điểm của Đề án Thành phố thông minh Bình Dương, học tập mô hình từ TP. Daejeon (Hàn Quốc), TP. Eindhoven (Hà Lan) và nhiều thành phố khoa học khác trên thế giới”, ông Hùng thông tin. Cũng theo ông Hùng, đây là mô hình mới và sự thành công của dự án này có thể tạo bước ngoặt cho Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam, bởi trong tương lai, sẽ từng bước hình thành hệ sinh thái sản xuất công nghệ cao, mở ra trung tâm tri thức cho toàn vùng, điểm sáng năng động của cả nước.
Theo các chuyên gia tư vấn quốc tế đến từ Hà Lan, Singapore, Nhật Bản, để thiết lập một nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của Bình Dương, cần thiết phải thay đổi cơ cấu kinh tế từ các ngành thâm dụng lao động sang các ngành tạo giá trị gia tăng cao hơn, dựa trên công nghệ và tri thức.
Do đó, đề xuất đầu tư xây dựng KCN Khoa học công nghệ có mục tiêu thúc đẩy phát triển vùng phía Bắc của Bình Dương, vừa sản xuất trong các ngành có giá trị gia tăng cao, vừa tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, vừa xây dựng môi trường sống tốt cho chuyên gia.
Sau khi hoàn thành Đề án, Becamex IDC sẽ trình và xin chủ trương của tỉnh để sớm triển khai các bước đầu tư theo quy định.
Theo một vị lãnh đạo của Becamex IDC, hiện nay, doanh nghiệp đã chủ động làm việc với đối tác là các nhà đầu tư sản xuất công nghệ cao, tập đoàn phát triển hạ tầng của Hà Lan, Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm thúc đẩy sự tham gia của các đối tác quan trọng cũng như chuẩn bị những khách hàng đầu tiên. Dự kiến, nhà máy sản xuất bán dẫn sẽ là khách hàng đầu tiên của KCN.
Thành công của dự án này sẽ tạo bước ngoặt cho Bình Dương trong tương lai, từng bước hình thành hệ sinh thái sản xuất công nghệ cao, mở ra trung tâm tri thức, điểm sáng năng động của cả nước. Becamex IDC sẽ tham vấn với lãnh đạo tỉnh Bình Dương để tham mưu với Chính phủ đưa ra chính sách, chương trình ưu đãi nhằm thúc đẩy thu hút các hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ, các ngành sản xuất có hàm lượng công nghệ cao và các chuyên gia trong nước, quốc tế.
Nhà máy của một doanh nghiệp Nhật Bản tại Bình Dương. Ảnh: Lê Toàn |
Siêu dự án trung tâm thương mại
Sau hơn 20 năm thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Bình Dương đã gặt hái được rất nhiều thành công, trong đó, thu hút đầu tư nước ngoài đứng thứ 3 cả nước chỉ là một ví dụ. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để phát triển bền vững, nhất là muốn bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, thì điều kiện cần là phát triển thương mại dịch vụ với nhiều dự án lớn.
Cơ hội mở rộng khi Bình Dương được lựa chọn đăng cai Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis 2018. Một lãnh đạo của Becamex IDC nhớ lại, chính từ sự kiện đó, ông đã gặp được vị lãnh đạo Hiệp hội Trung tâm thương mại Thế giới (WTCA).
Đó cũng là sự khởi đầu của câu chuyện cuối tháng 9 vừa qua, Becamex IDC đã nhận được thư của WTCA công nhận Trung tâm thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương là thành viên.
Siêu dự án này có mục tiêu kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp giao thương quốc tế, đưa Bình Dương trở thành khu vực năng động với đa dạng dịch vụ chuyên nghiệp, phát triển nhân lực có khả năng hoạt động thương mại toàn cầu, tăng sức hút cho các dự án bất động sản.
Becamex IDC đã nghiên cứu và trình Đề án với UBND tỉnh Bình Dương để phát triển khu phức hợp này nhằm hướng đến nâng cao tỷ trọng dịch vụ tại tỉnh Bình Dương, gắn liền với 5 chủ điểm chủ đạo trong chương trình đột phá của tỉnh nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, quy hoạch đô thị văn minh, hiện đại, phát triển dịch vụ chuyên nghiệp trình độ cao, huy động các nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển, nâng tầm quốc tế thương hiệu Bình Dương giai đoạn 2016 - 2020. Hơn nữa, đề án này cũng nằm trong tổng thể phát triển Thành phố Thông minh Bình Dương.
ThS. Đoàn Hữu Đức, Chủ tịch HĐQT Công ty Tư vấn Việt Nam, giảng viên Chương trình Giảng dạy kinh tế
Fulbright, chuyên gia giàu kinh nghiệp trong lĩnh vực xúc tiến thương mại và đầu tư nhìn nhận: “Đây là quyết định hết sức táo bạo, một bước chuyển sáng tạo của tỉnh Bình Dương và Becamex IDC mà chúng tôi đã chứng kiến từ mục tiêu đô thị vệ tinh, đến nay là trung tâm thương mại mang tầm vóc quốc tế. Với tên gọi đó, chúng tôi mong chờ việc hiện thực hóa các cơ hội quốc tế, toàn cầu hóa của Việt Nam qua các hiệp định đã ký như EVFTA, CPTPP, các khối kinh tế như ASEAN, APEC, WTO…”.
Mới đây, Becamex IDC và COEX - đơn vị sở hữu, vận hành trung tâm triển lãm hàng đầu của Hàn Quốc và là nhà tổ chức hội nghị, triển lãm thương mại lớn nhất Hàn Quốc đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược phát triển Trung tâm thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương. Thông qua thỏa thuận này, Becamex IDC và COEX mong muốn tạo ra một nền tảng dịch vụ thương mại quốc tế cũng như phát triển lực lượng lao động có kỹ năng cao trong lĩnh vực dịch vụ thương mại và triển lãm quốc tế tại Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam và Việt Nam.
Được biết, tỉnh Bình Dương và Becamex IDC sẽ công bố Trung tâm thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương vào ngày 23/11. Đây cũng là khu phức hợp thương mại quốc tế đầu tiên tại Việt Nam.
“Cộng đồng doanh nghiệp rất trân trọng, cảm ơn những nỗ lực của Becamex IDC đã xây dựng nên một hạ tầng “phần cứng” là cơ sở vật chất hết sức hoành tráng, kết nối sinh động”, ông Đức nói, đồng thời kỳ vọng, Becamex IDC tiếp tục đầu tư phát triển “phần mềm” là các dịch vụ giá trị gia tăng thông qua việc ký kết hợp tác với các đối tác quốc tế, để tỉnh sớm có một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn chỉnh, thu hút nhiều nhà đầu tư đến với Trung tâm thương mại Thế giới Thành phố mới Bình Dương trong thời gian tới. n