Doanh nghiệp FDI tăng đầu tư
Theo báo cáo mới nhất của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bình Dương, tính từ đầu năm đến ngày 31/10/2019, đã có hơn 2,77 tỷ USD vốn FDI được cấp phép đầu tư vào Bình Dương, tăng 69% so với cùng kỳ năm trước và vượt xa so với kế hoạch đề ra của năm nay (kế hoạch là thu hút 1,5 tỷ USD).
Kết quả này đã đưa Bình Dương lên vị trí thứ ba cả nước về thu hút FDI. Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã thu hút hơn 3.700 dự án FDI từ 64 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đăng ký gần 34 tỷ USD, chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ.
Một số dự án có vốn đầu tư lớn được cấp phép đầu tư vào các khu công nghiệp từ đầu năm đến nay là: dự án của Công ty TNHH Sharp Manufacturing (Nhật Bản), vốn đầu tư 135 triệu USD; 2 dự án của Công ty TNHH Phát triển công nghiệp BW (liên doanh giữa Becamex IDC và Warburg Pincus LLC, Hoa Kỳ) có tổng vốn đăng ký 106 triệu USD; dự án của Công ty TNHH Nitto Denko (Nhật Bản), vốn đầu tư hơn 186 triệu USD…
Ông Sung-Moo Hong, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Kolon (Hàn Quốc) cho biết, Dự án Nhà máy sản xuất sợi lốp polyester để làm vật liệu gia cố cho lốp xe ô tô của Kolon tại Bình Dương với vốn đầu tư đăng ký 220 triệu USD đã được đưa vào hoạt động sản xuất từ tháng 9/2018.
Đây mới chỉ là giai đoạn I của Dự án và với những kết quả sản xuất, kinh doanh khả quan, tới đây, Tập đoàn Kolon sẽ mở rộng sản xuất tại Bình Dương. Trước đó, Kolon đã ký kết biên bản ghi nhớ với tỉnh Bình Dương về việc triển khai Dự án Nhà máy sản xuất bố lốp, túi khí ô tô với vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD trên diện tích gần 42 ha tại Bình Dương.
Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp FDI khác có dự án tại Bình Dương cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng, đưa nhà máy đi vào hoạt động trong thời gian gần đây như: Nhà máy Sản xuất hộp giấy tiệt trùng có vốn đầu tư 110 triệu USD của Công ty Tetra Pak (Thụy Điển), Nhà máy Sản xuất các sản phẩm điện, điện tử kỹ thuật cao của Tập đoàn TECO (Đài Loan) với tổng vốn đầu tư 50 triệu USD…
Hoàn thành sớm và vượt kế hoạch hơn 2,9 tỷ USD
Nhằm thu hút vốn FDI bền vững, tỉnh Bình Dương đã triển khai Chương trình Đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020, trong đó đặt mục tiêu thu hút 7 tỷ USD vốn FDI trong cả giai đoạn.
Thông tin cập nhật từ Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương cho thấy, từ năm 2016 đến cuối tháng 10/2019, Bình Dương thu hút hơn 9,9 tỷ USD vốn FDI, vượt hơn 41% so với kế hoạch 5 năm giai đoạn 2016 - 2020, vượt cả về số vốn đầu tư thu hút được cũng như thời gian hoàn thành so với kế hoạch đề ra.
Theo thống kê của ngành chức năng tỉnh Bình Dương, với gần 75% tổng vốn FDI thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp, giai đoạn 2011 - 2016, khu vực doanh nghiệp FDI đã đóng góp trên 67% giá trị sản xuất công nghiệp của toàn tỉnh, đảm bảo cho cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển dịch đúng định hướng với công nghiệp và dịch vụ đóng vai trò chủ đạo.
Tính riêng năm 2018, khu vực doanh nghiệp FDI đóng góp trên 49,6% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm gần 20% tổng thu ngân sách của Bình Dương. Các doanh nghiệp FDI còn góp phần kết nối với doanh nghiệp trong nước, chú trọng các ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, sản xuất sản phẩm có khả năng cạnh tranh, góp phần đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên phụ liệu sản xuất cho doanh nghiệp trong nước cũng như tạo giá trị xuất khẩu cao, góp phần đưa giá trị xuất siêu của tỉnh trong 2018 đạt gần 5 tỷ USD...
Chương trình số 34-CTr/TU ngày 15/12/2016 của Tỉnh ủy Bình Dương về đổi mới thu hút đầu tư trong giai đoạn 2016 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bình Dương đặt mục tiêu tập trung thu hút đầu tư vào các đối tác có tiềm lực kinh tế mạnh, các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới; tăng cường kêu gọi, thu hút đầu tư FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao, giá trị gia tăng cao, ít thâm dụng lao động, thân thiện với môi trường; tập trung thu hút vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch…