Du lịch
Hải Dương ban hành đề án về du lịch, phấn đấu đón 17 triệu khách vào năm 2050
Thanh Sơn - 04/10/2021 14:57
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vừa ký quyết định số 2864/QĐ-UBND ban hành đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc ở Chí Linh (Hải Dương). Ảnh: Thành Chung

Trên cơ sở khai thác tiềm năng và lợi thế, thời gian qua du lịch tỉnh Hải Dương đã có những bước phát triển đáng ghi nhận với những đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế của địa phương, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ và góp phần làm thay đổi hình ảnh những khu vực có du lịch phát triển.

Năm 2019, tỉnh Hải Dương đã đón gần 4,3 triệu lượt khách, trong đó có gần 2 triệu lượt khách lưu trú và trên 300.000 lượt khách quốc tế (chủ yếu là khách Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan chiếm tới 59%, số còn lại là khách ở các thị trường khác: Tây Âu, ASEAN... Thu nhập từ du lịch đạt trên 1.750 tỷ đồng. Đến năm 2020, ngành du lịch Hải Dương sụt giảm 62,7% về lượng khách và 63,6% về doanh thu du lịch (thu nhập từ du lịch chỉ đạt 720 tỷ đồng) so với năm 2019 khi chỉ đón được 1,6 triệu lượt khách (có 278.000 lượt khách lưu trú).

Để tìm hướng đi bứt phá hậu Covid-19, ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương vừa ký quyết định số 2864/QĐ-UBND về việc ban hành đề án “Phát triển du lịch chất lượng cao tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với trọng tâm là phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, nâng cao chất lượng dịch vụ và môi trường du lịch.

Cụ thể, Hải Dương sẽ phát triển một số sản phẩm du lịch đặc thù dựa trên những tài nguyên du lịch duy nhất hoặc nổi trội, đặc sắc. Tiêu biểu là tour “Về với nghệ thuật rối nước vùng đồng bằng sông Hồng” (thôn Bồ Dương, xã Hồng Phong, huyện Ninh Giang); “Con đường khoa cử Việt” (làng Tiến sĩ Mộ Trạch, huyện Bình Giang kết nối với Văn miếu Mao Điền, huyện Cẩm Giàng - đền thờ Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, huyện Nam Sách - đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ, TP Chí Linh); “Con đường gốm Chu Đậu - Tinh hoa văn hóa Việt” (thôn Chu Đậu, xã Thái Tân, huyện Nam Sách kết nối với Bảo tàng tỉnh, TP Hải Dương); Khu danh thắng Côn Sơn - Kiếp Bạc cùng danh thắng Phượng Hoàng có đền thờ thầy giáo Chu Văn An, đền thờ tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ, chùa Thanh Mai, hồ Thanh Long, hồ Bến Tắm, rừng phong lá đỏ, quần thể di tích đền Cao (An Lạc), chùa Ngũ Đài... đều nằm trọn vẹn trên địa bàn thành phố Chí Linh. Hay như tuyến du lịch “Văn hóa ẩm thực người Xứ Đông” (xã An Thanh, huyện Tứ Kỳ); “Chạm khắc gỗ Đông Giao - nơi hội tụ tài năng đỉnh cao và tâm hồn người thợ Xứ Đông” (thôn Đông Giao, xã Lương Điền, huyện Cẩm Giàng); “Du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt” (khu vực sông Hương, huyện Thanh Hà)...

Múa rối nước tại huyện Ninh Giang, Hải Dương
Xây dựng tuyến “Du lịch nghỉ dưỡng làng quê Việt” (khu vực sông Hương, huyện Thanh Hà)

Bên cạnh xây dựng sản phẩm, Hải Dương tăng cường quản lý dịch vụ du lịch gồm các đơn vị lưu trú, lữ hành, ăn uống, vận chuyển, mua sắm, điểm tham quan như . Chất lượng dịch vụ du lịch tại Hải Dương sẽ được nâng lên tiêu chuẩn khu vực và quốc tế theo hệ thống TQM và SERVQUAL. Tỉnh cũng sẽ triển khai hàng loạt nhóm giải pháp về hoàn thiện cơ chế, chính sách; quy hoạch; đầu tư; xúc tiến, quảng bá; ứng dụng khoa học công nghệ... để thúc đẩy phát triển du lịch trong giai đoạn 2021 - 2030.

Cụ thể, tỉnh Hải Dương phấn đấu đến năm 2025 sẽ đón 2,5 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 3,7 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu nhập từ du lịch đạt 7.450 tỉ đồng. Tỉnh Hải Dương có từ 3-4 sản phẩm du lịch đặc thù được triển khai và hoàn thiện theo hạng mục.

Đến năm 2030, tỉnh Hải Dương sẽ đón 3,4 triệu lượt khách du lịch quốc tế, trong đó 1,53 triệu lượt có lưu trú; 4,8 triệu lượt khách nội địa, trong đó 2,64 triệu lượt có lưu trú, có từ 4-5 sản phẩm du lịch đặc thù và chất lượng dịch vụ đạt các tiêu chuẩn quốc gia. Tổng thu từ du lịch đạt 21.000 tỉ đồng.

Đến năm 2050, tỉnh Hải Dương sẽ đón 7 triệu lượt khách du lịch quốc tế (4,2 triệu lượt có lưu trú) và 10 triệu lượt khách nội địa (7 triệu lượt có lưu trú). Thu nhập từ du lịch đạt 102.500 tỉ đồng, có thêm 5-10 sản phẩm được đầu tư khai thác trong thực tiễn và chất lượng dịch vụ du lịch Hải Dương đạt các tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng yêu cầu của khách du lịch phân khúc cao cấp.

Hải Dương là địa phương có tài nguyên du lịch phong phú và đa dạng, đặc biệt là tài nguyên du lịch văn hóa với trên 3.199 di tích. Trong đó 04 di tích, cụm và quần thể di tích quốc gia đặc biệt, 142 di tích quốc gia và 244 di tích cấp tỉnh 08 bảo vật quốc gia; trên 700 lễ hội truyền thống, trong đó có lễ hội Côn Sơn - Kiếp Bạc có quy mô quốc gia; hàng trăm làng nghề; 66 làng nghề đã được công nhận, tiêu biểu là làng gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách); làng chạm khắc gỗ Đông Giao (huyện Cẩm Giàng), làng thêu ren Xuân Nẻo (huyện Tứ Kỳ)...

Ngoài ra, Hải Dương còn là tỉnh có vị trí quan trọng trong phát triển du lịch ở vùng Đồng bằng sông Hồng và Duyên hải Đông Bắc, đặc biệt là tuyến du lịch quốc gia Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh kết nối với khu vực. Tuy nhiên, Hải Dương lại bị coi như là một “điểm trung chuyển” của du khách trên tuyến du lịch Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

 

Tin liên quan
Tin khác