Đây là hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, với mục đích nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong tỉnh về vai trò, tầm quan trọng, những cơ hội và thách thức của chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Từ đó xác định các nhiệm vụ, giải pháp và lộ trình cụ thể nhằm nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, trước hết ở những lĩnh vực cấp thiết và có lợi thế.
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng định một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 trong đó có vai trò đặc biệt của chuyển đổi số sẽ tạo ra mức tăng năng suất lớn hơn tất cả 3 cuộc cách mạng công nghiệp trước đó đem lại. Ở Việt Nam, từ năm 2000 đến nay, Công nghệ thông tin - Truyền thông đã có bước phát triển đại nhảy vọt. Năm 2000, đóng góp của CNTT-TT chỉ khoảng 0,5% GDP, với doanh thu 300 triệu USD. Đến năm 2019, doanh thu CNTT-TT là 120 tỷ USD gấp 400 lần năm 2000, đóng góp 14,3% vào GDP của Việt Nam và trở thành ngành kinh tế lớn nhất của Việt Nam.
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu tại Hội nghị |
Theo đó, chuyển đổi số sẽ mở ra cơ hội chưa từng có. Chính quyền số giúp hoạt động hiệu quả hơn, hiệu lực hơn, minh bạch hơn. Kinh tế số thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tạo ra giá trị mới, giúp tăng năng suất lao động, tạo động lực tăng trưởng mới. Xã hội số giúp người dân bình đẳng về cơ hội tiếp cận dịch vụ, đào tạo, tri thức, thu hẹp khoảng cách phát triển, giảm bất bình đẳng.
“Để kinh tế số, chuyển đổi số trở thành cơ hội cho chúng ta, điều đầu tiên là mỗi người cán bộ lãnh đạo, người dân Hải Dương phải nâng cao hiểu biết, nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của kinh tế số, chuyển đổi số. Chúng ta phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII”, ông Thăng nhấn mạnh.
Tiếp đó, đại diện lãnh đạo Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã giới thiệu chuyên đề “Kinh tế số: cơ hội và thách thức cho nền kinh tế trong thời đại chuyển đổi số” tại hội nghị. Nhằm chia sẻ bài học chuyển đổi số ở một số quốc gia đã chuyển đổi thành công, đại diện Công ty hệ thống thông tin FPT giới thiệu một số chuyên đề như: “Mối quan hệ giữa chuyển đổi số trong xây dựng và quản lý đô thị thông minh, thành phố thông minh hài hòa với sự phát triển các khu công nghiệp thông minh”; Chuyên đề “Chính quyền số với trọng tâm là chiến lược quy hoạch và khai thác dữ liệu”.
Lãnh đạo Cục Tin học hóa, Bộ Thông tin và Truyền thông, các chuyên gia của Tập đoàn FPT đều nhấn mạnh, chuyển đổi số là xu thế tất yếu. Phát triển kinh tế số sẽ giúp tỉnh khơi dậy, phát huy mạnh mẽ những tiềm năng hiện có. Để thực hiện được, cần sự thống nhất mục tiêu và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị. Tỉnh Hải Dương cần tăng cường hạ tầng số, phát triển nguồn nhân lực số và kỹ năng số; các địa phương cần dành tối thiểu 1% ngân sách chi cho phát triển công nghệ thông tin và chuyển đổi số.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch tập đoàn FPT Trương Gia Bình trình bày và giới thiệu chuyên đề “Chuyển đổi số trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và dịch bệnh Covid – 19”. Đồng thời, cho rằng Hải Dương có thể triển khai ngay chuyển đổi số trong du lịch, nông nghiệp, y tế, phát triển doanh nghiệp số và tin rằng “chuyển đổi số là niềm vui và mang lại hiệu quả bởi nó khích lệ mọi người hào hứng thay đổi dựa trên sự sáng tạo”.
Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT chia sẻ những kiến thức, kinh nghiệm về chuyển đổi số |
Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Cao Thắng, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông Hải Dương đã giới thiệu đề án “Xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030”. Ông Thắng cho biết, hiện, Hải Dương đã có hệ thống một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến cung cấp 1.931 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4; tỉnh đã cấp 1.700 chữ ký số cho cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo; xây dựng và bước đầu đưa vào sử dụng “Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu”...
Kết luận hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng nhấn mạnh, có 4 nhiệm vụ trọng tâm cần phải thực hiện ngay sau hội nghị này. Trước hết là phải nâng cao nhận thức về tầm quan trọng, hiệu quả thiết thực, to lớn do chuyển đổi số mang lại. Cùng với đó, phải tập trung xây dựng và triển khai thực hiện hiệu quả và nhanh chóng Nghị quyết về chuyển đổi số giai đoạn 2021 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đây là chiến lược về chuyển đổi số mang tính bao trùm. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt, đẩy nhanh thực hiện Đề án chính quyền điện tử, đô thị thông minh tỉnh Hải Dương giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030. Tập trung chuyển đổi số trong các doanh nghiệp để tạo cú hích giúp doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay; tận dụng thời cơ trong điều kiện phòng chống dịch Covid – 19 để dùng chuyển đổi số góp phần khôi phục sản xuất và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển.
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương cùng lãnh đạo Tập đoàn FPT trao đổi tại Hội nghị |
Lãnh đạo tỉnh Hải Dương và Tập đoàn FPT bắt tay thể hiện quyết tâm “chuyển đổi số” tại địa phương trong thời gian tới. |
“Khi đã hiểu biết, nhận thức đầy đủ về chuyển đổi số, đòi hỏi chúng ta phải xác định và thực hiện có hiệu quả các giải pháp, cơ chế, chính sách phát triển kinh tế số nhằm góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII với nhiệm vụ chính là “Cơ cấu lại kinh tế theo hướng tăng trưởng xanh, chuyển đổi số với các trụ cột: (1) Công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ; (2) Nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao và nông nghiệp hữu cơ; (3) Dịch vụ chất lượng cao; (4) Đô thị xanh, thông minh, hiện đại. Từ đó hướng tới khát vọng đến năm 2025 tỉnh Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, năm 2030”, ông Thăng khẳng định.