Thời sự
Hải Dương đề nghị được bổ sung vào quy hoạch phát triển dệt may Việt Nam
Thu Lê - 05/10/2016 14:37
UBND tỉnh Hải Dương vừa có công văn số 2481/UBND-VP gửi Bộ Công thương đề nghị bổ sung quy hoạch phát triển ngành công nghiệp Dệt - May đối với tỉnh Hải Dương.

Theo quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm  nhìn đến 2030 được Bộ Công thương phê duyệt tại quyết định số 3218/QĐ-BCT ngày 11/4/2014, các KCN đã có cơ sở hạ tầng tại Hải Dương không có tên trong danh sách các địa phương được phát triển các nhà máy sợi, dệt, nhuộm.

Ông Nguyễn Dương Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho biết, tại thời điểm ban hành quyết định số 3218/QĐ-BCT, các KCN của tỉnh Hải Dương lại chưa hình thành các nhà máy sợi, dệt, nhuộm như ở các tình trong vùng Đồng bằng sông Hồng như Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, nên các KCN của Hải Dương không được quy hoạch để phát triển các ngành này.

Mặc dù chưa có qui hoạch cụ thể, nhưng Hải Dương cũng đã có doanh nghiệp dệt may vào hoạt động.

Nhưng bên cạnh đó, các dự án chuyên về dệt may mặc thì vẫn có. Các dự án này đều đã được triển khai đầu tư xây dựng và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, tại một số KCN như Nam Sách, Đại An, Phú Thái, Tân Trường… đều đã có các dự án may mặc.

Còn hiện tại thì nhiều KCN của tỉnh đã xây dựng và hoàn thiện hạ tầng đáp ứng được yêu cầu tiếp nhận các nhà máy sợi, dệt, may quy mô lớn nhằm phát triển ngành dệt may theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững…

Cụ thể, từ tháng 4/2011, tỉnh Hải Dương đã cấp GCNĐT cho 2 dự án FDI lớn trong ngành dệt may tại KCN Lai Vu. Đó là dự án của công ty TNHH May Tinh Lợi (Tập đoàn Crystal) và công ty TNHH Dệt Pacific Crystal Việt nam với tổng vốn đầu tư gần 550 triệu USD. Hiện KCN Lai Vu cũng đã hoàn thành hạ tầng. Hơn nữa, ông Lê Hồng Quân, Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH May Tinh Lợi cũng từng cho biết làTập đoàn Crystal đang có mong muốn được trở thành nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng KCN Lai Vu và đưa nơi đây trở thành điểm đến của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vệ tinh của ngành công nghiệp dệt may, nhằm đón đầu Hiệp định thương mại tự do xuyên Thái Bình Dương - TPP.

Còn KCN VSIP Hải Dương (trước là KCN Cẩm Điền - Lương Điền) do Công ty TNHH VSIP Việt Nam làm chủ đầu tư, dự kiến sau khi hoàn thành xây dựng kết cấu hạ tầng vào năm 2017 sẽ thu hút một số dự án dệt may có công đoạn nhuộm với quy mô lớn, công nghệ sản xuất hiện đại.

Do đó trong công văn số2481/UBND-VP của tỉnh Hải Dương do ông Nguyễn Dương Thái ký đã đề xuất cụ thể rằng: “để đảm bảo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các thủ tục liên quan, tạo điều kiện phát triển ngành công nghiệp dệt may tại Hải Dương nên UBND tỉnh đã có văn bản đề nghị Bộ Công thương xem xét, bổ sung KCN Lai Vu và KCN VSIP Hải Dương vào quy hoạch phát triển ngành công nghiệp dệt may Việt Nam đến năm 2020, tầm  nhìn đến 2030”.

Tuy Bộ Công thương chưa có phản hồi gì về đề xuất trên của UBND tỉnh Hải Dương, nhưng mới đây, Bộ công thương cũng đã có thông tin rằng: trong năm 2017 sẽ điều chỉnh Quy hoạch phát triển công nghiệp dệt may Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế, bắt kịp xu hướng phát triển và hội nhập. Theo Bộ Công thương thì quy hoạch được điều chỉnh sẽ theo hướng thành quy hoạch mở, mamg tính chất định hướng để các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp cùng thực hiện.

Tin liên quan