Thời sự
Hải Dương: Hướng đi đúng cho quả vải
Dũng Cường - 31/05/2021 16:29
Vải Hải Dương đang được tiêu thụ thuận lợi ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu dù dịch Covid-19 tác động tiêu cực nhờ những giải pháp mới trong cả khâu xúc tiến thương mại và sản xuất.

Công nhân Công ty CP Ameii Việt Nam chọn lựa quả vải bảo đảm chất lượng để xuất khẩu

Nhờ đổi mới cách làm mà năm nay dù được mùa, sản lượng lớn lại gặp bất lợi do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vải Hải Dương vẫn tiêu thụ thuận lợi với giá bán ổn định.

Rộng đường xuất khẩu

Do chủ động xây dựng vùng nguyên liệu, tích cực cải tiến công nghệ sơ chế, bảo quản vải tươi nên dù gặp trở ngại trong vận chuyển vì dịch Covid-19, các doanh nghiệp cũng không hề bị chậm bước khi tăng tốc xuất khẩu. Từ đầu vụ đến ngày 30.5, 10 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã xuất khẩu gần 100 tấn vải sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, Singapore, Australia… Mới được nửa chặng đường song con số này đã vượt xa so với tính toán ban đầu của doanh nghiệp.

Năm nay, Hải Dương có 9.168 ha vải với sản lượng ước đạt 55.000 tấn. Trong đó, 45 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu sang các thị trường khó tính với diện tích 450 ha, sản lượng khoảng 2.500 tấn; 8.000 ha được cấp mã số vùng trồng, tạo điều kiện để vải lưu thông thuận lợi sang thị trường Trung Quốc. Hiện mỗi ngày có từ 1.200-1.500 tấn vải của tỉnh được tiêu thụ ở cả trong và ngoài nước với giá bán tại vườn ổn định, trung bình từ 20.000-30.000 đồng/kg.



Theo ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Ameii Việt Nam, trước đây để có quả vải đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, đơn vị phải vất vả khảo sát vùng trồng, lấy mẫu kiểm định, thu gom, chọn lọc. Còn hiện tại các khâu này đã rút ngắn, chất lượng vải của Hải Dương được bảo đảm với nhiều vùng sản xuất đạt chuẩn GlobalGAP. “Chúng tôi đã ký kết hợp đồng xuất khẩu vải với 10 quốc gia và đang tiếp tục thỏa thuận với 6 nước khác. Năm nay, doanh nghiệp hoàn toàn yên tâm về mẫu mã, chất lượng của cả vải sớm lẫn vải thiều", ông Tiến thông tin thêm. 

3 buồng hun trùng vải tươi xuất khẩu sang Nhật Bản của 2 Công ty: CP Ameii Việt Nam, TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Rồng Đỏ đã chính thức được Nhật Bản cấp phép, xác nhận bảo đảm các yêu cầu nhập khẩu của thị trường này. Từ ngày 29.5, vải tươi của tỉnh xuất sang Nhật Bản được xử lý hun trùng tại chỗ, không phải vận chuyển tới Cục Bảo vệ thực vật để hun trùng như trước. 3 buồng hun trùng tại tỉnh được cấp phép đã tạo điều kiện để doanh nghiệp gia tăng số lượng vải xuất khẩu sang thị trường này trong những ngày tới.

Đây là năm đầu tiên quả vải xã Thanh Hồng (Thanh Hà) được xuất thẳng sang Nhật Bản. Địa phương có hơn 220 ha chủ yếu là vải u trứng, u hồng. Doanh nghiệp tới tận vườn thu mua đều đặn 5 tấn/ngày, giá cũng cao hơn từ 15-20% so với đại trà. Ông Phạm Văn Trường ở thôn Tiên Kiều phấn khởi nói: “Có doanh nghiệp đồng hành, vải ít bị ép giá, bà con không còn phải loay hoay tìm người mua như trước. Vụ này xã mới có hơn 50 ha vải canh tác theo tiêu chuẩn quốc tế để doanh nghiệp thu mua xuất khẩu. Tôi tin rằng những năm tiếp theo, các hộ trồng vải tại địa phương không phải vận động tuyên truyền mà sẽ tự giác sản xuất bài bản để quả vải đạt được giá trị kinh tế cao nhất”.

 

Vải xuất khẩu được thu hái tại vùng sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP của huyện Thanh Hà

 

Sức hút trên sàn thương mại điện tử                 
                                               
Theo kế hoạch ban đầu, Công ty CP Công nghệ Sen Đỏ sẽ bán 12 tấn vải Thanh Hà qua sàn thương mại điện tử Sendo.vn từ ngày 24-27.5. Mục tiêu ban đầu của doanh nghiệp là giúp khách hàng ở 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh tiếp cận với nông sản đặc sản của Hải Dương. Nhưng kết quả đạt được lại vượt xa dự tính. Kể từ ngày chính thức mở bán, từ khóa "vải Thanh Hà" luôn lọt tốp tìm kiếm nhiều trên sàn Sendo. Cứ mỗi giờ lại có hơn 1 tấn vải được bán ra thông qua nền tảng thương mại trực tuyến này. Để đáp ứng nhu cầu của khách hàng, doanh nghiệp quyết định kéo dài chương trình tới hết vụ vải. Ông Nguyễn Quang Thuật, Phó Tổng Giám đốc công ty cho biết: “Hiếm có mặt hàng nông sản tươi nào được bán trực tuyến lại tạo được sức hút như vải Thanh Hà. Dù mới hợp tác tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của Hải Dương nhưng chúng tôi đánh giá tỉnh có nhiều nông sản lợi thế để cạnh tranh trên sàn thương mại điện tử chứ không riêng gì vải Thanh Hà. Từ kết quả khả quan này, doanh nghiệp sẽ phân tích, đánh giá và xây dựng chiến lược dài hơi giúp vải Thanh Hà tiêu thụ thuận lợi qua kênh bán hàng trực tuyến trong những vụ tiếp theo”.

Vải Hải Dương cũng thu hút khách hàng trên các trang thương mại điện tử khác như Lazada, Voso, Postmart. Hiện nay, giá bán vải Hải Dương có sự chênh lệch lớn giữa các sàn, từ 18.000-89.000 đồng/kg tùy thuộc vào phân khúc khách hàng mà đơn vị tiếp cận và vào khung giờ. Bán vải qua sàn thương mại điện tử không chỉ làm đa dạng kênh tiêu thụ sản phẩm trong bối cảnh dịch Covid-19 mà còn là giải pháp rút ngắn khoảng cách giữa người sản xuất và người tiêu dùng trên nền tảng chuyển đổi số.

Theo bà Nguyễn Thị Minh Thúy, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng công nghệ thông tin xúc tiến thương mại (Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương), tuy lượng vải được tiêu thụ qua các trang bán hàng trực tuyến chỉ là con số rất ít so với tổng sản lượng vải của Hải Dương nhưng lại tạo ra hiệu ứng truyền thông lớn, thu hút sự quan tâm của khách hàng. 

 

Tin liên quan
Tin khác