Tại buổi làm việc, ông Phạm Xuân Thăng hoan nghênh lãnh đạo Tập đoàn CJ đến thăm, làm việc, dành sự quan tâm nghiên cứu đầu tư tại Hải Dương.
Sự hiện diện của Tập đoàn CJ tại Hải Dương trong năm 2022 sẽ càng có ý nghĩa vì đây là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc.
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương mong muốn Hải Dương sớm có những dự án logistics tầm cỡ quốc tế, triển khai với tiến độ nhanh, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh. Ảnh: Thành Chung |
Những năm gần đây tỉnh Hải Dương đã thu hút được một số nhà đầu tư có quy mô lớn của đến từ Hàn Quốc. Các dự án đến từ Hàn Quốc tập trung chủ yếu trong các KCN. Các KCN đã tạo ra hệ sinh thái công nghiệp có ảnh hưởng tích cực đến sự phát triển kinh tế của tỉnh, thu hút được một số dự án công nghiệp phụ trợ quy mô tương đối lớn, hàm lượng công nghệ cao từ các tập đoàn lớn của các quốc gia trên thế giới trong lĩnh vực điện tử, linh kiện, phụ tùng ô tô như Hyundai Kefico, linh kiện tự động Prettl; Dự án đinh tán vòng đệm KPF, thiết bị thông minh cho điện thoại SD Global... bước đầu hình thành ngành công nghiệp phụ trợ theo định hướng.
Hiện, Hải Dương đang đặc biệt quan tâm đầu tư lĩnh vực logistics và luôn dành sự ưu tiên cho những nhà đầu tư logistics nhanh, hiệu quả. Ông Thăng mong muốn tỉnh sẽ có những dự án logistics tầm cỡ quốc tế, triển khai với tiến độ nhanh, đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh, đồng thời giới thiệu tới lãnh đạo Tập đoàn CJ về Khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng để lựa chọn vị trí phù hợp đầu tư logistics. Hải Dương sẽ cam kết hỗ trợ, tạo điều kiện trong thủ tục đầu tư một cách nhanh nhất, thuận lợi nhất, mong rằng Tập đoàn CJ nghiên cứu kỹ lưỡng, sớm đưa ra quyết định đầu tư.
Khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng được Hải Dương giới thiệu để Tập đoàn CJ đầu tư. Ảnh: Thành Chung |
Trao đổi tại buổi làm việc, ông Chang Bok Sang, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn CJ Việt Nam cho biết, Tập đoàn CJ hiện có 23 công ty thành viên được thành lập và hoạt động từ năm 1991, tập trung kinh doanh trên các lĩnh vực thực phẩm, dịch vụ thực phẩm, logistics, công nghệ sinh học, giải trí. Trước khi có ý định đầu tư vào địa bàn tỉnh, Tập đoàn đã có nghiên cứu kỹ tại các địa phương, Hải Dương là một tỉnh có nhiều tiềm năng và có những ưu đãi lớn cho các doanh nghiệp Hàn Quốc nói chung và Tập đoàn nói riêng. Trên cơ sở nghiên cứu kỹ từng khâu trong quá trình đầu tư dự án, CJ hy vọng trong thời gian tới, lãnh đạo tỉnh Hải Dương tiếp tục tạo điều kiện để Tập đoàn có thể triển khai dự án thuận lợi.
“Hải Dương luôn đánh giá cao vai trò, vị trí quan trọng của các nhà đầu tư Hàn Quốc đã và đang đầu tư trên địa bàn, đồng thời rất mong muốn thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư Hàn Quốc đến đầu tư trên địa bàn tỉnh”, ông Thăng khẳng định.
Hiện nay, bên cạnh các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các nhà đầu tư Hàn Quốc như điện, linh kiện điện tử,... thì còn rất nhiều lĩnh vực mà tỉnh mong muốn tiếp tục được hợp thu hút đầu tư từ các lĩnh vực thế mạnh của doanh nghiệp Hàn Quốc như: Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị; khu đô thị thông minh; hạ tầng cấp nước, thoát nước, môi trường; hạ tầng các Khu cụm công nghiệp; dịch vụ công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, sản xuất lắp ráp ô tô và phụ tùng ô tô, du lịch, giáo dục đào tạo, y tế - chăm sóc sức khỏe, logistic; trung tâm tài chính, thương mại bao gồm cả trung tâm thương mại và cửa hàng tiện ích)...
Lãnh đạo Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng lãnh đạo Tập đoàn CJ (Hàn Quốc) tại buổi làm việc. Ảnh: Thành Chung |
Bí thư Tỉnh ủy giao Trưởng Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương là đầu mối kết nối với Tập đoàn CJ để nghiên cứu đầu tư về lĩnh vực logistics. Tỉnh sẽ thành lập tổ công tác do Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách để hỗ trợ Tập đoàn CJ nghiên cứu đầu tư trên các lĩnh vực.
Trước mắt, ông Thăng yêu cầu ngay trong nửa cuối tháng 3/2022, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công ty cổ phần Đầu tư Trung Quý-Bắc Ninh chuẩn bị các tài liệu đầu tư liên quan để trao đổi qua Email với Tập đoàn CJ.