Ông Nguyễn Mạnh Hiển, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương |
Thưa ông, mục tiêu của Hải Dương theo hướng phát triển này là gì?
Hải Dương phải khai thác triệt để những thuận lợi, phát huy tốt lợi thế của tỉnh với vị trí nằm ở trung tâm của Vùng Đồng bằng sông Hồng, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đồng thời là vệ tinh trong không gian phát triển Vùng Thủ đô, có hạ tầng giao thông phát triển. Huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực; từng bước tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển nhanh các ngành có lợi thế, có giá trị gia tăng cao; chú trọng nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và cải thiện môi trường đầu tư. Phát triển kinh tế nhanh đi đôi với phát triển văn hóa; cải thiện, nâng cao đời sống nhân dân và gìn giữ, bảo vệ môi trường. Nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Phấn đấu xây dựng Hải Dương sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại.
Từ đó, Hải Dương đưa ra một số chỉ tiêu cụ thể. Phấn đấu đến năm 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) sẽ tăng bình quân 8 - 8,5%/năm. Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn là nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản 11%; công nghiệp, xây dựng 56%; dịch vụ 33%.
GRDP bình quân đầu người đạt 3.200 USD trở lên. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển trên địa bàn so với tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân đạt 32%/năm. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 150 triệu đồng/ha. Giá trị hàng hóa xuất khẩu tăng bình quân 15%/năm. Thu ngân sách nội địa tăng bình quân 10%/năm trở lên. Lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có chứng chỉ đạt 30%. Tỷ lệ xã được công nhận xã nông thôn mới đạt trên 60%. Tỷ lệ đô thị hoá đến năm 2020 đạt 33-35%.
Vậy Hải Dương dựa trên cơ sở nào để đưa ra mục tiêu chiến lược đó, theo ông?
Chúng tôi căn cứ vào kết quả đạt được của Hải Dương trong các nhiệm kỳ qua. Đó là, kinh tế từng bước vượt qua khó khăn và có tăng trưởng ổn định. Cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động chuyển dịch khá nhanh theo hướng công nghiệp hóa.
GRDP giai đoạn 2011-2015 tăng bình quân 7,7%/năm, cao hơn bình quân cả nước. Năm 2015, quy mô kinh tế tỉnh (GRDP giá hiện hành) đạt 76.734 tỷ đồng, gấp 1,83 lần năm 2010; GRDP bình quân đầu người đạt 2.000 USD.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng công nghiệp tăng nhanh. Tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thủy sản - công nghiệp, xây dựng - dịch vụ chuyển dịch tương ứng từ 20,1% - 47,7% - 32,2% năm 2010 sang 15,9% - 52,5% - 31,6% năm 2015. Cơ cấu lao động tương ứng chuyển dịch tương ứng sang 36,5% - 35,0% - 28,5% năm 2015. Triển khai và đạt kết quả bước đầu trong tái cơ cấu kinh tế. Tỷ trọng huy động vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 68,4% năm 2010 lên 72,1% năm 2015.
Cùng với kết quả đó, tình hình chính trị, xã hội trong tỉnh tiếp tục ổn định. Những thành tựu đạt được sau 30 năm đổi mới sẽ tiếp tục tạo đà cho việc thực hiện nhiệm vụ kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Một số dự án sản xuất công nghiệp lớn và các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng quan trọng đang được đẩy nhanh tiến độ, có khả năng đưa vào khai thác, vận hành từ đầu năm 2016. Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đi qua địa bàn tỉnh được đưa vào sử dụng cuối năm 2015, sẽ là những điều kiện thuận lợi hơn trong mở rộng giao lưu hợp tác thương mại và đầu tư với các tỉnh trong vùng và khu vực của Hải Dương.
Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ phát triển đa dạng, chất lượng một số dịch vụ được nâng lên. Các nguồn lực cho đầu tư phát triển được tích cực huy động và sử dụng có hiệu quả. Các thành phần kinh tế tiếp tục phát triển; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đóng vai trò tích cực. Các thành phần kinh tế được tạo môi trường thuận lợi để phát triển. Kinh tế tư nhân tăng trưởng bình quân 5,7%/năm. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng bình quân 16,9%/năm, đến năm 2015 chiếm tỷ trọng 32,2% GRDP của tỉnh, một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có trình độ công nghệ cao và đóng góp lớn cho ngân sách địa phương.
Để hướng tới mục tiêu đó, giải pháp mà Hải Dương đưa ra và triển khai là gì, thưa ông?
Hải Dương vẫn tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Tái cơ cấu các ngành trong sản xuất nông nghiệp đi đôi với đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn, thực phẩm sạch, chất lượng cao. Phấn đấu giá trị tăng thêm nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân 1,7 - 2%/năm.
Đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch phát triển các loại cây trồng chủ lực, có thế mạnh như cây ăn quả, đặc biệt là cây vải thiều, cây rau màu, lúa chất lượng cao. Chú trọng phát triển sản xuất theo quy mô công nghiệp, hình thành các vùng sản xuất tập trung có hạ tầng đồng bộ, sản xuất sản phẩm sạch; hình thành vùng “nông nghiệp đô thị” gắn sản xuất với cung ứng sản phẩm cho các đô thị lớn. Gắn sản xuất với thị trường thông qua liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp. Tập trung xây dựng thương hiệu và xúc tiến thương mại các sản phẩm nông nghiệp đặc thù. Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Phấn đấu giá trị tăng thêm công nghiệp - xây dựng tăng bình quân 10,5 - 11%/năm. Tích cực tái cơ cấu các ngành công nghiệp theo hướng tập trung phát triển, nâng cao năng lực và tỷ trọng của các ngành công nghiệp có lợi thế, có giá trị nội địa hóa cao như điện tử, viễn thông, thép chất lượng cao, thép chuyên dụng, ô tô, vật liệu xây dựng mới, công nghiệp chế biến thực phẩm, công nghiệp phụ trợ của ngành cơ khí, dệt may, da giày.
Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp gắn với lợi thế bởi các trục giao thông quan trọng có tính liên vùng như cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, trục đường vành đai 5 (theo quy hoạch Vùng Thủ đô)...
Ưu tiên thu hút đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, tạo ra sản phẩm có chất lượng tốt; thu hút đầu tư phát triển công nghiệp phụ trợ. Khuyến khích liên kết về chuỗi giá trị và chuyển giao công nghệ với các nhà đầu tư có uy tín. Đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng Nhà máy nhiệt điện Hải Dương. Thực hiện ưu đãi và thu hút các dự án chế biến nông sản gắn với quy hoạch vùng sản xuất nguyên liệu tập trung, nhất là ở khu vực có lợi thế như Thanh Hà, Gia Lộc, Kim Thành, Kinh Môn... để phát triển thành sản phẩm công nghiệp chủ lực.
Phấn đấu giá trị tăng thêm các ngành dịch vụ tăng bình quân 7 - 7,2%/năm. Phát huy các lợi thế do Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU sau khi được ký kết mang lại, thúc đẩy xuất khẩu.
Duy trì và giữ vững các thị trường xuất khẩu truyền thống, tích cực thâm nhập các thị trường lớn: EU, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Nga.
Từng bước hình thành các tuyến, sản phẩm du lịch có chất lượng và đặc thù. Gắn du lịch văn hóa với các di tích, danh thắng như Côn Sơn - Kiếp Bạc - Thanh Mai, An Phụ - Kính Chủ, Văn miếu Mao Điền...; du lịch sinh thái: đảo Cò (Thanh Miện), sông Hương (Thanh Hà)...; du lịch làng nghề múa rối nước, gốm Chu Đậu... Tăng cường sự liên kết, phối hợp phát triển du lịch trong vùng Đồng bằng Sông Hồng.
Nâng cao năng lực cạnh tranh, đưa tỉnh Hải Dương đứng vào nhóm 20 tỉnh, thành phố trong cả nước có Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tốt nhất và nhóm 25 tỉnh có chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) tốt nhất. Rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, nhất là về giải phóng mặt bằng, giao đất, thuế, hải quan... Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin một cách toàn diện, đồng bộ trong giải quyết thủ tục hành chính. Thực hiện công khai, minh bạch về quy hoạch, thủ tục hành chính và chính sách thu hút đầu tư. Rà soát lại các quy định của tỉnh để sửa đổi, bổ sung, thay thế cho phù hợp các quy định của Trung ương và tình hình thực tế tại địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư phát triển và cạnh tranh bình đẳng.
Tăng cường liên kết, mở rộng hợp tác phát triển, thực hiện liên kết vùng với các địa phương trong Vùng, với các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Hạ Long. Từ nay đến năm 2020, tập trung đầu tư xây dựng một số công trình trọng điểm như Dự án Xây dựng đường trục Bắc - Nam tỉnh; Dự án phát triển khu dịch vụ, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng quy mô 300 ha tại khu vực di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; Dự án Đầu tư hạ tầng kỹ thuật Khu văn hóa - Thể thao tỉnh và Trung tâm huấn luyện bóng bàn; Dự án Xây dựng Khu hành chính tập trung tỉnh theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT).
Triển khai thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, gìn giữ, phát huy nét đẹp truyền thống của con người Xứ Đông. Hoàn thành trùng tu, tôn tạo khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn - Kiếp Bạc, hướng tới đề nghị UNESCO công nhận di sản thế giới trong quần thể Yên Tử, Côn Sơn - Kiếp Bạc, chùa Vĩnh Nghiêm. Nâng cao chất lượng hoạt động văn học nghệ thuật, góp phần phản ánh khách quan đời sống xã hội, cải thiện đời sống tinh thần của nhân dân.
Tôi nghĩ, hướng phát triển để Hải Dương trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại sẽ là mục tiêu không xa.