Tại hội nghị này, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã nghe Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh Hải Dương báo cáo phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện Thanh Hà đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; phương án triển khai đầu tư xây xựng các nút giao kết nối đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng với đường tỉnh 392 tại huyện Bình Giang và đường tỉnh 390 tại huyện Thanh Hà.
Theo đó, định hướng phát triển huyện Thanh Hà là ưu tiên nông nghiệp hàng hóa tập trung, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch với sản phẩm chủ lực là cây vải thiều. Cùng với đó là kết hợp phát triển du lịch sinh thái, thương mại dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và đô thị sinh thái.
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương cho biết, quy hoạch vùng huyện Thanh Hà cần có phương án khoanh vùng, bảo vệ nghiêm ngặt diện tích đất nông nghiệp có năng suất, chất lượng cao, vùng sản xuất hữu cơ có sản phẩm đặc trưng, vùng chuyên canh rươi, cáy. Chú trọng giữ vững, phát triển diện tích vải thiều năng suất cao, chất lượng tốt kết hợp với ứng dụng công nghệ, xúc tiến thương mại tạo thương hiệu quốc tế cho vải thiều Thanh Hà. Quy hoạch các vùng trồng vải, ổi, rau màu, nuôi thủy sản, rươi, cáy phù hợp với thế mạnh của từng khu vực. Từ đó đưa huyện trở thành vùng vải nổi tiếng, vùng du lịch sinh thái có sức hấp dẫn cao.
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương phát biểu tại hội nghị lần thứ 32 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy |
“Cùng với phát triển nông nghiệp, huyện Thanh Hà cần phát triển công nghiệp sinh thái, công nghiệp công nghệ cao không ảnh hưởng đến môi trường và phát triển dịch vụ phục vụ nông nghiệp. Việc quy hoạch các cụm công nghiệp ở huyện Thanh Hà cần nằm trong tổng thể phát triển các khu công nghiệp trong tỉnh và chỉ ưu tiên phát triển khu công nghiệp sinh thái với quy mô phù hợp, không để ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Quan tâm quy hoạch khu thương mại, dịch vụ trọng tâm tại khu vực nút giao đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tại huyện Thanh Hà”, ông Thăng nhấn mạnh.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng nhất trí về việc tiếp tục bổ sung quy hoạch các tuyến giao thông mới để tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông của huyện Thanh Hà, tạo động lực phát triển. Trong đó, quy hoạch các đường trục Đông-Tây, Bắc-Nam huyện; nâng cấp cầu Gùa và tuyến đường 390; bổ sung các bến thủy nội địa và nâng cấp các tuyến đường đê. Huyện Thanh Hà cần phải khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch sinh thái, trong đó dự án trọng điểm là du lịch sông Hương. Từ đô thị trung tâm là thị trấn Thanh Hà cần phát triển đô thị tạo kết nối với các đô thị của TP Hải Dương, hạn chế thấp nhất chuyển diện tích đất trồng vải, cây ăn quả sang đất đô thị...
Sông Hương, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương |
Đối với phương án triển khai đầu tư xây xựng nút giao kết nối với đường ô tô cao tốc Hà Nội-Hải Phòng tại các huyện Bình Giang và Thanh Hà, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất chủ trương tỉnh sẽ phối hợp với Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) hoàn thành 2 nút giao trong thời gian nhanh nhất. Tỉnh sẽ vận động các doanh nghiệp hưởng lợi trực tiếp từ việc hoàn thành nút giao đóng góp nguồn lực theo đề xuất của VIDIFI để đầu tư xây dựng.
Kết luận hội nghị, ông Thăng yêu cầu Ban Cán sự UBND Tỉnh tiếp thu ý kiến các đại biểu, hoàn thiện quy hoạch phù hợp với định hướng phát triển của tỉnh, khu vực đồng bằng sông Hồng và của quốc gia.
Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao UBND Tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ, tạo điều kiện thuận lợi bảo đảm thi công an toàn, đúng tiến độ; phấn đấu khởi công nút giao tại huyện Bình Giang trong quý III/2021, hoàn thành đầu năm 2022. Đồng thời khởi công, hoàn thành nút giao tại huyện Thanh Hà trong năm 2022. UBND Tỉnh cần sớm hoàn thiện quy hoạch chi tiết vùng công nghiệp động lực tại các huyện Thanh Miện, Bình Giang để phát huy hiệu quả nút giao tại huyện Bình Giang...