Phiên họp thường kỳ đã xem xét, thảo luận một số nội dung, tờ trình do các Sở: Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch và Đầu tư; Xây dựng; Văn hoá, Thể thao và Du lịch; các Ban Quản lý: dự án đầu tư xây dựng tỉnh, các khu công nghiệp tỉnh báo cáo.
Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị UBND Tỉnh xem xét, trình HĐND Tỉnh thu hồi 71,71 ha đất để thực hiện 54 dự án, công trình. Trong đó: có 3 công trình, dự án đã được HĐND tỉnh chấp thuận nhưng quá thời hạn 3 năm, đề nghị tiếp tục thực hiện trong năm 2023; 35 công trình, dự án đăng ký mới đã có trong quy hoạch sử dụng đất, đã được bố trí vốn thực hiện; 16 công trình, dự án chưa có trong quy hoạch sử dụng đất nhưng có trong dự thảo điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030. Đồng thời cho phép chuyển mục đích sử dụng 56,1 ha đất lúa để thực hiện 34 dự án, công trình trên địa bàn tỉnh.
Quang cảnh phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 9 (lần 3). Ảnh: Thành Chung |
Ông Triệu Thế Hùng, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chủ trì phiên họp nêu rõ, ưu tiên các dự án có sử dụng đất là công trình công cộng, cần thiết và cấp bách. UBND Tỉnh cơ bản nhất trí với tờ trình của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa để thực hiện các dự án, công trình phát sinh trong năm 2023.
Chủ tịch UBND Tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục rà soát, tổng hợp, bổ sung dựa trên đề xuất, kiến nghị của các ngành, địa phương. Trong đó ưu tiên các dự án, công trình công cộng, cấp bách, thiết yếu nhưng phải có tính khả thi, cơ sở pháp lý trong triển khai thực hiện. Các địa phương cân nhắc về danh mục đất ở, nếu thấy chưa cần thiết có thể đề nghị đưa ra ngoài danh mục.
Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo tờ trình đề nghị chấp thuận thu hồi đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng từ đất trồng lúa để thực hiện các dự án, công trình phát sinh năm 2023. Ảnh: Thành Chung. |
Cũng tại phiên họp này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tỉnh đã trình bày tờ trình đề nghị ban hành quy định về nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh xem xét hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 tỷ đồng/xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu từ vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách tỉnh giai đoạn 2021 - 2025. Đồng thời hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/chuyên đề/năm cho 5 chuyên đề phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới và kinh phí thực hiện công tác quản lý chương trình. Dự kiến kinh phí thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 là hơn 121 tỷ đồng.
UBND Tỉnh đã cơ bản thống nhất với các nội dung về hỗ trợ xây dựng nông thôn mới do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo. Ông Triệu Thế Hùng yêu cầu ngành nông nghiệp làm rõ sự thay đổi về nguyên tắc, tiêu chí hỗ trợ. Việc hỗ trợ phải phù hợp với tình hình thực tế, đáp ứng nhu cầu của các địa phương.
Nguồn hỗ trợ phải tạo ra động lực thúc đẩy các xã hướng tới mục tiêu cao hơn trong xây dựng nông thôn mới. Trong đó ưu tiên triển khai các công trình cấp thiết như trường học, cơ sở vật chất y tế, giao thông, hạ tầng chợ… Nguyên tắc phân bổ nguồn hỗ trợ bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và bền vững, không để xảy ra tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp địa bàn, phạm vi, đối tượng đầu tư…