Thời sự
Hai kịch bản cho tăng trưởng giai đoạn 2018-2020
Anh Trung - 24/11/2017 20:49
Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (NCIF), Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa đưa ra hai kịch bản cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018-2020.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, NCIF

TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích và Dự báo, NCIF dự báo, tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2018-2020 theo kịch bản cơ sở sẽ đạt 6,53% và kịch bản cao đạt 6,75%, và để đạt được kịch bản tăng trưởng cao 6,75% năng suất và đổi mới sáng tạo sẽ đóng vai trò động lực.

Nhận định kinh tế Việt Nam giai đoạn 2018-2020 có thể sẽ chịu nhiều tác động bất lợi khi dư địa cho điều hành chính sách tiền tệ và tài khóa không còn nhiều, các lợi thế so sánh truyền thống như chi phí lao động rẻ đang mất dần vào các nước chi phí thấp khác, tác động của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 ảnh hưởng mạnh mẽ đến sản xuất, tiêu dùng, giá cả, việc làm... vị chuyên gia này đã đưa ra một loạt nhân tố có thể đóng góp cho tăng năng suất và đổi mới sáng tạo từ phát hiện thực chứng, nhằm bù đắp các tác động xấu, giữ vững tốc độ tăng trưởng. 

Theo ông, các nhân tố đó bao gồm cải cách thể chế và cải thiện môi trường kinh doanh; cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước; trình độ giáo dục của chủ doanh nghiệp; chất lượng nguồn nhân lực; công nghệ; mối liên kết với các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài; hội nhập quốc tế; tiếp cận với nguồn vốn tín dụng; thuế và thủ tục thuế.

Từ các nhân tố được nhận diện, vị chuyên gia khuyến nghị Việt Nam cần bắt tay ngay vào việc nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề chất lượng cao, đồng thời xây dựng hệ thống thông tin và dự báo nhu cầu nhân lực quốc gia. Bên cạnh đó, hoàn thiện các chính sách, thủ tục hành chính về đất đai, hỗ trợ doanh nghiệp gia nhập thị trường, minh bạch hóa thông tin, cắt giảm thủ tục hành chính và chi phí tuân thủ. Mặt khác thúc đẩy liên kết giữa doanh nghiệp trong nước và đầu tư nước ngoài thông qua chính sách phát triển công nghiệp phụ trợ. 

TS. Đặng Đức Anh cũng cho rằng cần thoái toàn bộ vốn nhà nước ở những lĩnh vực không cần nắm giữ và sử dụng cho đầu tư cơ sở hạ tầng vì qua khảo sát của NCIF cho thấy, doanh nghiệp cổ phần hóa hoàn toàn hiệu quả hơn so với doanh nghiệp cổ phần vẫn còn vốn nhà nước, doanh nghiệp có cổ phần nhà nước không chế hoạt động không hiệu quả hơn doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là bao. Các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần hỗ trợ cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp trong quá trình đàm phán và thực hiện các hiệp định thương mại cùng với việc thúc đẩy vai trò của bảo lãnh tín dụng và giảm chi phí về thuế đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Cũng tại Hội thảo, các chuyên gia cũng chỉ ra vẫn còn nhiều dư địa cho tăng trưởng nằm ở năng suất lao động. Minh chứng cho vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội phân tích, giai đoạn 2006-2016, mức đóng góp của năng suất lao động vào tốc độ tăng GDP của toàn nền kinh tế khá lý tưởng, đạt 65,7% bình quân cả giai đoạn. Số liệu về tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2006-2016 của 20 ngành kinh tế cấp 1 đều có tốc độ tăng trưởng dương, tuy nhiên có tới 11/20 ngành kinh tế đạt được giá trị tăng trưởng dương không phải do đóng góp chủ yếu của tăng năng suất lao động.

"Điều này cho thấy, nền kinh tế Việt Nam có tới một nửa số ngành tăng trưởng giá trị tăng thêm không dựa vào tăng năng suất lao động. Nói cách khác, nền kinh tế đang tăng trưởng theo bề rộng, mặc dù có tăng trưởng kinh tế nhưng không bền vững, chưa có đổi mới sáng tạo, nâng cao khoa học công nghệ, năng lực nghiên cứu phát triển và nâng cao năng suất lao động", PGS.TS Nguyễn Lan Hương phân tích.

Vị chuyên gia này cũng nhận định, hiện ở Việt Nam, nhóm có trình độ đào tạo trung cấp (trung cấp nghề, cao đẳng) đang có ảnh hưởng mạnh nhất tới năng suất lao động, nhưng nước ta lại đang thiếu hụt nguồn nhân lực này, do vậy tỷ lệ lao động trẻ và chưa qua đào tạo là rào cản chính của tăng năng suất lao động Việt Nam.

Tin liên quan
Tin khác