Hiểu chưa “tròn” về hái lộc
Những năm gần đây, nhiều người trong dân chúng duy trì thói quen gần giao thừa đi chơi và sau đó là hái lộc đầu xuân với hy vọng sang năm mới làm ăn có nhiều may mắn, tài lộc. Từ đó, thói quen lâu ngày thành tục lệ, nhưng đến nay, vẫn có nhiều người mơ hồ về tích hái lộc đầu năm.
Truyện xưa kể rằng, tục này có từ thời Hùng Vương, từ khi vua Hùng và Hoàng hậu vào rừng hái lộc lúc giao thừa, rồi ban cho các con với lời dặn mang cành lộc này đi trấn giữ các phương, trên đường đi nếu gặp điều gì không may, hãy mang cành lộc còn đượm sương sớm này mà vẩy lên trời thì thú dữ, ma tà sẽ bỏ chạy. Cũng bởi tích truyền này, nhiều người tin rằng hái lộc đầu năm sẽ mang đến những điều may mắn cho bản thân và gia đình.
Theo thời gian, hái lộc dần trở thành một phong trào. Cuộc sống hiện đại và cách nghĩ theo kiểu suy diễn đã biến việc hái lộc thành một hoạt động cầu may trong dịp Tết ngày càng phổ biến.
Nhiều người còn suy luận rằng, nếu hái lộc từ cây trồng ở các cơ quan liên quan nhiều đến tài lộc như ngân hàng, kho bạc… thì sẽ có lộc, tiền tài trong năm mới. Đây cũng chính là lý do khiến cho nhiều cây cối tại các địa chỉ nói trên thường chịu cảnh tan tác, xác xơ sau mỗi đêm giao thừa.
Thậm chí, có địa phương còn phải chỉ đạo lực lượng chức năng phải có biện pháp kịp thời ngăn chặn mọi hành vi gây rối làm mất trật tự trị an, ngoài các hành vi nổi cộm như: đốt pháo nổ, đua xe còn phải đặc biệt quan tâm tới việc bẻ cành, hái lộc, phá hoại cây xanh…
Đây là sự lệch lạc trong suy nghĩ mang tính tiêu cực. Về bản chất, chúng ta chưa nhìn thấy điều tốt, nhưng có thể sẽ nhìn thấy điềm xấu ngay.
Có nên hái lộc?
Theo chuyên gia phong thủy, KTS Hoàng Trà, Phó viện trưởng Viện Lý học phương Đông, vào giờ giao thừa, chuyển giao năm mới, năm cũ, việc chúng ta bẻ cành, vặt lá là hủy hoại mầm sống. Ngoài ra, về mặt tâm linh, nhiều người vặt cành, bẻ lá lại đúng cành cây có linh ngự thì sẽ mang theo điều xấu về nhà.
Xưa và nay thì với những người hiểu biết, họ sẽ mua một cành lộc đặt lên mâm lễ và thắp hương xin và mang về bày trên ban thờ hoặc có người thì mua một nhành cây phất lộc đặt cùng mâm lễ xin xong họ mang về nhà trồng trong bình hoa.
Tuy nhiên, theo ông Trà, việc bẻ cành và bứt nhánh cây bên đường đã không tốt, việc lên chùa, đền hái lộc lại càng không nên vì theo quan niệm dân gian, ở đó thường có nhiều chân linh ngự ăn mày cửa Phật, cửa Thánh, việc bẻ cành sẽ làm mất đi chỗ ngự của họ.
“Nhìn từ khía cạnh thực tế, chúng ta thấy cành cây ven đường dù có non, xanh và đẹp và mang về nhà cũng chẳng biết cắm vào đâu, rồi sau cũng đem vứt bỏ. Trong khi, thường thì Tết nhất nhà nào cũng trang hoàng cây đào, quất, hoa, các cây cảnh, cành hoa rất đẹp. Vì vậy, việc bẻ cành, hái lộc tức chúng ta đang làm hành động vô nghĩa, có tính chất hủy hoại mầm sống mà lại mong muốn có lộc thì là điều trái với lẽ thường”, ông Hoàng Trà phân tích.
Bẻ một cành lộc, mất cả nét Xuân
Xét theo khoa học phương Đông, thịnh suy, tốt xấu của một người, một gia đình phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có phần phúc lộc được hưởng từ gia tiên, phần lộc thứ hai liên quan đến phong thủy nhà ở mà gia đình đó đang sống… là lộc phần Dương; phần lộc Âm tại gia là nơi thờ tự của mỗi gia đình và cả phần công đức mà mỗi người tích trong từng năm.
Phần lộc tiếp theo nằm trong cung mệnh của mỗi người và kể cả không cần tới nhà, không cần gặp chính người đó, chỉ từ năm tháng ngày giờ sinh thầy xem lá số cũng có thể nói được thịnh suy trong quá khứ và trong năm tới, trong tương lai. Phương Đông chúng ta gọi đó là xem lá số, gắn với câu “số trời đã định”.
Ở một góc nhìn khác, ông Trà cho biết, theo đạo Phật, tốt xấu trong lá số gọi là nghiệp quả và nhân quả. Việc nhà Phật không xem trước sự tốt xấu của các chúng sinh hay cho các phật tử, bởi theo nhà Phật, tất cả mọi sự đến với con người đều chịu theo nhân quả và người tu theo Phật pháp luôn luôn hoan hỉ đón nhận những nhân quả, coi đó là những thử thách trên con đường tu, dù biết trước cũng không thể thay đổi được, chỉ có bằng con đường tu nhân, tích đức, làm việc tâm đức, cầu nguyện và sám hối... Tích một phần công đức thì sẽ giải bớt được nghiệp quả.
Như vậy, việc hái lộc nghe thì tưởng là được nhưng cuối cùng cũng chẳng giúp ích gì, nó chủ yếu mang tính niềm tin.
Nếu ai ai cũng đi hái lộc thì chắc hẳn sắc Xuân sẽ giảm đi nhiều. Bác Hồ cũng đã nói, mùa Xuân là Tết trồng cây. Đầu Xuân năm mới, tốt nhất chúng ta nên ươm mầm, gieo trồng những cây mới, thì cây sẽ mọc, vươn lên, sinh sôi phát triển, ra hoa kết trái, như thế mới là tạo lộc và sống hòa hợp với thiên nhiên.