TIN LIÊN QUAN | |
Đầu tư bất động sản, lỗ vẫn phải nộp thuế | |
Nhiều trường hợp không phải quyết toán thuế thu nhập cá nhân | |
Cách tính thuế thu nhập cá nhân chuyển nhượng BĐS, chứng khoán |
Theo Luật Thuế TNCN, cá nhân kinh doanh chỉ phải nộp thuế TNCN đối với phần thu nhập còn lại (được xác định bằng doanh thu trừ các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập) sau khi đã trừ đi các khoản đóng góp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc, quỹ hưu trí tự nguyện, giảm trừ gia cảnh cho người nộp thuế 9 triệu đồng/tháng và giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc 3,6 triệu đồng/tháng. Với chính sách này, trong số hơn 3 triệu hộ kinh doanh, hiện chỉ có khoảng 200.000 người phải nộp thuế TNCN.
Kể từ ngày 1/1/2015, cá nhân kinh doanh có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên phải đóng thuế thu nhập cá nhân |
Nhưng với chính sách mới, kể từ ngày 1/1/2015, dù có kinh doanh thua lỗ, thậm chí chi phí bỏ ra để kinh doanh như chi trả tiền thuê nhà, tiền điện, nước, điện thoại, tiền lương nhân công… lớn hơn cả doanh thu, thì mỗi năm cá nhân kinh doanh đều phải nộp thuế TNCN tối thiểu là 500.000 đồng; 1 triệu đồng; 1,5 triệu đồng; 2 triệu đồng hoặc 5 triệu đồng tùy thuộc vào lĩnh vực kinh doanh.
Chính sách này rõ ràng là bất hợp lý vì quay lại chính sách thuế doanh thu đã bị bãi bỏ từ năm 1995 do quá lạc hậu và trên thế giới cũng không còn nước nào áp dụng.
Ngoài ra, chính sách thuế mới không khuyến khích cá nhân tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh; tạo ra sự bất bình đẳng giữa những người nộp thuế TNCN do cá nhân kinh doanh không được giảm trừ gia cảnh như đối với cá nhân có thu nhập thường xuyên từ tiền lương, tiền công…
Đặc biệt, cách tính thuế TNCN mới không khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện, bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Luật Bảo hiểm y tế (sửa đổi) và Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với mục tiêu đặt ra là đến năm 2020, có 100% người dân tham gia bảo hiểm y tế và 50% người dân trong độ tuổi lao động tham gia bảo hiểm xã hội. Đây là hai chính sách vô cùng quan trọng nhằm bảo đảm an sinh xã hội bền vững.
Tuy vậy, chính sách thuế TNCN mới lại có những điểm ưu việt rất cụ thể.
Đầu tiên là những thuận lợi trong công tác quản lý các loại thuế đối với hộ, cá nhân kinh doanh. Nhìn chung, khi thực hiện theo phương pháp trước đây, ngành thuế tiêu tốn tới 60% nhân lực của ngành, nhưng hàng năm chỉ đem lại cho ngân sách nhà nước 2% tổng số thu (trừ dầu thô) nên rõ ràng là không hiệu quả.
Cá nhân kinh doanh hiện đang chịu sự điều chỉnh bởi nhiều quy định về thuế và phí, ngoài thuế TNCN còn có thuế môn bài (từ 50.000 đồng đến 2 triệu đồng/cá nhân kinh doanh/năm), giá trị gia tăng, tiêu thụ đặc biệt, bảo vệ môi trường..., nên mất rất nhiều thời gian, công sức, chi phí để thực hiện các thủ tục để kê khai thuế, nộp thuế, đặc biệt là việc mua, quản lý, sử dụng hóa đơn và thực hiện quyết toán thuế TNCN hàng năm.
Sau nữa, với chính sách thuế mới, đại bộ phận cá nhân kinh doanh không phải nộp bất cứ khoản nào cho ngân sách, kể cả thuế môn bài; một bộ phận còn lại chỉ phải nộp một loại thuế duy nhất là TNCN, nên không phải làm bất cứ hồ sơ, giấy tờ gì liên quan đến thủ tục hành chính thuế. Cơ quan thuế cũng giảm được rất nhiều thời gian, công sức, chi phí, nhân lực để quản lý thuế đối với hộ gia đình, cá nhân tham gia kinh doanh.
Chính sách nào cũng có tính hai mặt, nhưng một chính sách sẽ thành công, nếu giảm thiểu tới mức cao nhất số người phải chịu bất lợi khi điều chỉnh. Với chính sách mới này, trong điều kiện hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chưa quen với việc thực hiện đầy đủ hóa đơn, chứng từ, sổ sách kế toán, kê khai thuế, quyết toán thuế thì việc thực hiện chính sách thuế TNCN mới là phù hợp với thực tế.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng nên tính lại mức khởi điểm doanh thu để tính thuế TNCN. Thay vì quy định cá nhân có doanh thu từ 100 triệu đồng/lên trở lên phải nộp thuế TNCN theo các mức thuế suất khác nhau (0,5%; 1%; 1,5%; 2% và 5%) tùy thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, thì chỉ nên đánh thuế đối với phần doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Bởi lẽ mức doanh thu 100 triệu đồng/năm quá thấp (bình quân chỉ khoảng 280.000 đồng/ngày) và nếu áp mức doanh thu này, số lượng cá nhân kinh doanh phải nộp thuế TNCN sẽ lên tới 2 triệu người, tăng gấp 10 lần hiện nay.
Mạnh Bôn