Thời sự
Hải Phòng cần tiếp tục là cực tăng trưởng quan trọng, thúc đẩy sự phát triển của cả vùng
Thu Lê - 24/03/2017 17:43
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng tại buổi làm việc với Thành phố Hải Phòng vào sáng nay. Tại buổi làm việc này, lãnh đạo Thành phố Hải Phòng đã nêu 8 đề xuất và đã được Bộ trưởng cho ý kiến cụ thể.

Đoàn công tác của Bộ Kế hoạch và Đầu tư do Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng làm trưởng đoàn đã có chuyến làm việc tại Thành phố Hải Phòng trong sáng nay (24/3).

Trong chuyến đi, đoàn đã đến kiểm tra tiến độ nhiều công trình hạ tầng quan trọng của Thành phố Hải Phòng, như đường và cầu Tân Vũ - Lạch Huyện, Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện, cầu Bạch Đằng, cầu Hoàng Văn Thụ. Đây đều là những công trình quan trọng, mang tính động lực, phục vụ cho định hướng mở rộng và phát triển của Hải Phòng.

Theo đó, đô thị của Hải Phòng sẽ được mở rộng theo 3 hướng. Hướng thứ nhất mở rộng lên phía Bắc - Đô thị Bắc Sông Cấm (huyện Thủy Nguyên). Hướng thứ hai tuyến từ quận Hải An ra phía huyện Cát Hải, Cát Bà. Hiện quy hoạch huyện Cát Hải đã được thực hiện xong và mục tiêu phát triển sẽ là nơi phát triển cảng biển gắn với công nghiệp dịch vụ và du lịch. Tại khu vực này, đang là đại công trình của dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện (bao gồm cả dự án xây dựng đường ô tô Tân Vũ Lạch Huyện). Hướng thứ ba là mở rộng về phía quận Dương Kinh và Đồ Sơn gắn với đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và phát triển du lịch. Tại khu vực này cũng đã có 2 dự án động lực cho việc phát triển du lịch của Him Lam.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cùng lãnh đạo TP Hải Phòng đi thực địa tại Cảng Lạch Huyện.

“Để tạo không gian cho sự phát triển của Hải Phòng, thì đây là điều mà Hải Phòng nhất thiết phải thực hiện”, ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định. Và với tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển này của Hải Phòng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã đồng tình “Việc Hải Phòng tổ chức lại không gian phát triển đã cho thấy tầm nhìn xa và rộng của thành phố. Nếu chỉ tập trung cho sự phát triển của đô thị cũ thì nó sẽ nhanh chóng tiến đến giới hạn và cản trở sự phát triển. Việc mở rộng không gian đô thị mới sẽ cho phép Hải Phòng có thêm dư địa cho sự phát triển, khẳng định sự đóng góp lớn của Hải Phòng cho vùng và cho cả nước”.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng khẳng định, quan điểm của Chính phủ và của Bộ là ưu tiên tập trung nguồn lực để đầu tư cho những dự án quan trọng, những vùng, những khu vực trọng điểm, có vai trò động lực, thúc đẩy cho sự phát triển của cả vùng. Và Hải Phòng đang là một trong những vùng như thế.

Thực tế cho thấy, trong thời gian qua, khi nhận được sự quan tâm từ Trung ương về cơ chế chính sách và nguồn vốn, Hải Phòng đã tận dụng tốt và đạt được sự tăng trưởng mạnh mẽ và đạt hai con số. Cụ thể, năm 2016, GRDP của Hải Phòng tăng 11% so với cùng kỳ, gấp 1,7 lần so với bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách đạt trên 62.640 tỷ đồng, trong đó thu nội địa đạt trên 17.068 tỷ đồng (tăng 27,5% so với cùng kỳ).

Thu hút đầu tư dẫn đầu của cả nước, đạt trên 2,9 tỷ USD, tăng gấp 3 lần so với năm 2015. “Những con số này là sự khẳng định tính đúng đắn trong định hướng phát triển của Hải Phòng. Hạ tầng phát triển tốt, cải cách hành chính được quan tâm, quy hoạch - định hướng phát triển rõ ràng thì sẽ thu hút được nguồn lực đầu tư tốt”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Để có thêm những nguồn lực cho sự phát triển, lãnh đạo Thành phố Hải Phòng đã có 8 đề xuất với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan đến cơ chế đầu tư trung hạn, Khu kinh tế Đình Vũ Cát Hải, hạ tầng giao thông với các dự án trọng điểm mang tính quyết định tới sự phát triển của Hải Phòng, đảo Bạch Long Vỹ…

Đối với từng nội dung đề xuất, Bộ trưởng đã có ý kiến cụ thể và cơ bản là đồng ý. Tuy nhiên, Bộ trưởng nhấn mạnh, liên quan đến đầu tư cho hạ tầng giao thông, Hải Phòng cần tính toán với tầm nhìn từ 20 - 30 năm, chứ không phải chỉ là 5 hay 10 năm. Đơn cử, cảng Lạch huyện, Bộ trưởng đồng ý với lãnh đạo Thành phố Hải Phòng là bên cạnh đầu tư cổng cảng khởi động 1, 2 thì cần sớm và nên xây dựng đồng thời các cổng cảng 3-4 và 5-6. Hiện lượng hàng hóa thông qua cảng Hải Phòng đang có tốc độ tăng trưởng 15%/năm, nên nếu chỉ đầu tư từng cầu cảng như hiện tại thì đến tháng 5/2018 - khi hai bến cảng khởi động được đưa vào hoạt động thì chỉ đáp ứng đủ cho sự tăng thêm về lượng hàng hóa của năm 2018, chứ không thực hiện được việc di dời các cảng cũ sang khu vực cảng Lạch huyện.

Hay như việc đầu tư mới nhà ga hành khách thêm 8 triệu lượt khách, theo Bộ trưởng, Thành phố Hải Phòng và chủ đầu tư là Vietjet cần tính toán để tăng thêm quy mô. Bởi thực tế, nhà ga cũ có lưu lượng là gần 1 triệu lượt khách/năm, còn thiết kế mà ga mới hiện tại là 2 triệu, thì đến khi làm xong thì đã lượng khách đã đạt 1,8 triệu.

Còn việc đầu tư đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện 2 (song song với đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện đang xây dựng để phục vụ cảng Lạch Huyện), Bộ trưởng đề nghị Thành phố Hải Phòng phải tính toán lại về quy mô đầu tư, nên tính tăng từ 2 làn như đề xuất thành 4 làn để phục vụ nhu cầu dân sinh và phát triển du lịch. Hình thức đầu tư cũng nên cần xem xét, cẩn trọng với hình thức BT. Tránh hệ quả là thành phố sẽ không còn quỹ đất để phục vụ cho nhu cầu phát triển sau này.

Đặc biệt, liên quan đến cơ chế ưu đãi cho giai đoạn III (trên 600 ha) của Khu công nghiệp Tràng Duệ, Bộ trưởng đề nghị Thành phố Hải Phòng cần có sự tính toán cẩn thận, bởi nếu thực hiện theo đề xuất cho hưởng ưu đãi như khu kinh tế thì sẽ ảnh hưởng đến sự công bằng với các nhà đầu tư hạ tầng khác và thu ngân sách.

Ông Lê Văn Thành, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định, Thành phố tiếp thu những ý kiến của Bộ trưởng và sẽ có rà soát, điều chỉnh trong công tác chỉ đạo, điều hành. Mục đích là sớm hoàn thành các quy hoạch đã được phê duyệt, đẩy mạnh việc đầu tư và hoàn thiện hạ tầng để tạo động lực cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn trước mắt và lâu dài.

Tin liên quan
Tin khác