Hải Phòng đang đẩy mạnh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn. Ảnh minh họa :haiphong.gov.vn |
Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, Hải Phòng được xác định là một cực tăng trưởng của Vùng kinh tế động lực phía Bắc, là trung tâm kinh tế - khoa học - kỹ thuật tổng hợp của vùng duyên hải Bắc bộ, là một trong những trung tâm phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước.
Hải Phòng đang đẩy mạnh tiến độ các dự án kết cấu hạ tầng giao thông quan trọng trên địa bàn, đồng thời khẩn trương triển khai các dự án, công trình mới như mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cát Bi, cầu Nguyễn Trãi, cầu Vũ Yên II, cầu Bến Rừng, tuyến đường mới kết nối từ trung tâm thành phố đi Đồ Sơn, các tuyến đường vành đai Thành phố, các bến mới tại Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Địa phương này cũng đề nghị với Trung ương việc đầu tư đường giao thông phía sau các bến tại Cảng quốc tế Lạch Huyện; sớm đầu tư xây dựng bổ sung cầu Tân Vũ - Lạch Huyện 2; phê duyệt Đề án di dời cảng Hoàng Diệu để khởi công xây dựng cầu Nguyễn Trãi. HĐND Thành phố cũng đã có Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường vành đai 2 đoạn tuyến Tân Vũ - Hưng Đạo - Bùi Viện (quận Hải An, Dương Kinh và Kiến An) với chiều dài 10,6 km, vốn đầu tư hơn 7.439 tỷ đồng; Dự án xây dựng, cải tạo đường 359 đoạn từ Cầu Bính đến xã Trung Hà (huyện Thủy Nguyên), tổng vốn đầu tư hơn 1.800 tỷ đồng.
Không chỉ tiếp tục hoàn thiện kế nối giao thông nội bộ của Thành phố, địa phương này cũng đang đẩy mạnh triển khai các dự án kết nối liên vùng. Tiếp tục đầu tư xây dựng tuyến đường ven biển đoạn từ tỉnh Thanh Hóa, qua Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình - đoạn qua Hải Phòng, kết nối đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội trên địa bàn Thành phố, kết nối với cầu Bạch Đằng sang Quảng Ninh.
Cùng với đó, việc đầu tư kết nối các tỉnh lân cận cũng được quan tâm, như với Hải Dương, có cầu Quang Thanh, cầu Dinh đã khánh thành tháng 7/2021; thời gian tới sẽ xây dựng cầu vượt sông Phi Liệt và đường dẫn nối Quốc lộ 17B tại thị xã Kinh Môn (Hải Dương) với đường tỉnh 352, huyện Thủy Nguyên (TP. Hải Phòng). Với tỉnh Thái Bình, có cầu sông Hóa, Dự án tuyến đường bộ ven biển Hải Phòng - Thái Bình với tổng chiều dài tuyến 29,7 km, quy mô tiêu chuẩn đường cấp 3 đồng bằng, được đánh giá có tầm ảnh hưởng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng. Dự án này dự kiến hoàn thành trước Tết Nguyên đán 2023.
Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình Hải Phòng cho biết thêm, Thành phố đang tích cực chuẩn bị triển khai cầu Bến Rừng và cầu Lại Xuân kết nối với tỉnh Quảng Ninh.
Cùng với việc hoàn thiện kết nối giao thông xứng tầm là trung tâm logistics lớn miền Bắc, Hải Phòng đang nỗ lực đầu tư hạ tầng đô thị để đến năm 2030 trở thành thành phố hàng đầu Đông Nam Á và đến năm 2045 là thành phố hàng đầu châu Á. Việc Trung tâm Chính trị - Hành chính Hải Phòng sẽ chuyển sang Bắc sông Cấm vào năm 2025 sẽ góp phần tạo lập cảnh quan kiến trúc đô thị mới hiện đại, văn minh, tạo động lực mới cho sự phát triển của các khu vực liền kề; thúc đẩy kinh tế - xã hội Thành phố tiếp tục phát triển. Ngoài ra, việc này còn tạo điều kiện thuận lợi để chỉnh trang đô thị cũ, đô thị lõi trung tâm; đồng thời, tạo quỹ đất có giá trị rất cao, là một nguồn lực quan trọng để phát triển đô thị và kinh tế - xã hội Thành phố.
Hiện tại, mẫu thiết kế đoạt giải Nhì của Công ty GMP International GmbH (Đức) đã được UBND TP Hải Phòng lựa chọn để xây dựng Trung tâm Hành Chính - Chính trị mới; Trung tâm Hội nghị - Biểu diễn tại khu đô thị Bắc sông Cấm, thuộc huyện Thủy Nguyên.
Trung tâm Hành chính - Chính trị mới của TP. Hải Phòng có diện tích 324 ha, thuộc các xã: Tân Dương, Dương Quan, Hoa Động, huyện Thủy Nguyên, cạnh khu đô thị VSIP rộng 1.100 ha.
Với quyết tâm hiện thực hóa khát vọng vươn lên, Hải Phòng đang quyết tâm đột phá mạnh mẽ hơn nữa trong đầu tư, phát triển và hiện đại hóa hạ tầng giao thông, khẳng định vai trò đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra biển của các địa phương phía Bắc.