Tại cuộc họp, Văn phòng UBND TP.Hải Phòng đã công bố Quyết định số 3820 của UBND Thành phố về việc kiện toàn và đổi tên Ban Chỉ đạo xây dựng Chính quyền điện tử thành phố Hải Phòng. Thông qua Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 03 của Ban Thường vụ Thành ủy về chuyển đổi số TP.Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; thông qua Quy chế và Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND Thành phố, Trưởng Ban Chỉ đạo chuyển đổi số Thành phố Hải Phòng cho biết, trong những năm qua, Hải Phòng có nhiều chỉ số xếp hạng, đánh giá còn ở mức thấp liên quan đến lĩnh vực này. Vì vậy, trong năm 2022 cần có sự chuyển biến trong tư duy, nhận thức của lãnh đạo các sở ngành, địa phương trong việc xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, tạo sự thống nhất, quyết tâm cao trong triển khai thực hiện chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Văn Tùng, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng Ban chỉ đạo chuyển đổi số thành phố Hải Phòng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp |
Cụ thể, năm 2022, Thành phố có 57 nhiệm vụ bố trí ngân sách thực hiện về chuyển đổi số, tập trung số hóa cơ sở dữ liệu, xây dựng kho dữ liệu dùng chung của thành phố, hệ thống phần mềm, hạ tầng nền tảng... kết nối dữ liệu, phục vụ tốt nhất cho người dân, doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai có thể bổ sung hoặc đề xuất lộ trình thời gian thực hiện phù hợp. Thành phố cần xây dựng kế hoạch mời Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội nghị, đẩy mạnh tuyên truyền trong các sở, ngành, doanh nghiệp, người dân để tạo sự đồng thuận và thống nhất cao trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số. Qua đó, nhằm mục tiêu nâng cao thứ hạng, có sự bứt phá so với những năm trước, phấn đấu Hải Phòng nằm trong top 10 cả nước chỉ tiêu thứ hạng về chuyển đổi số.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng cho biết, theo khảo sát đánh giá, hiện nay cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin chuyên ngành của thành phố còn hạn chế, rời rạc, thiếu tính kết nối, chia sẻ dùng chung; ứng dụng CNTT trong chỉ đạo điều hành còn thấp; thiếu dữ liệu, dịch vụ số phục vụ người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến chưa cao; hạ tầng CNTT trong các cơ quan nhà nước còn thiếu sự đồng bộ, trang thiết bị CNTT thiếu, lạc hậu... Nhận thức về chuyển đổi số trên địa bàn thành phố còn nhiều hạn chế, điều này thể hiện qua những vấn đề như: tư duy nhận thức, thể chế, hay nhiều cách hiểu khác nhau về khái niệm chuyển đổi số...
Ông Hoàng Minh Cường, Phó Chủ tịch UBND thành phố, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo phát biểu tại cuộc họp |
Để tạo sự chuyển biến rõ rệt về nhận thức cũng như hành động của cán bộ, công chức, viên chức các cấp, các ngành và nhân dân thành phố thời gian tới về tầm quan trọng của chuyển đổi số, ông Cường yêu cầu các sở, ngành, địa phương cần tập trung cao cho các nhiệm vụ đã được xác định thực hiện trong năm 2022, bố trí nguồn lực để thực hiện mạnh mẽ và tổng thể các nhiệm vụ trong kế hoạch. Ban hành chiến lược dữ liệu, trong đó xác định thu thập dữ liệu lớn của thành phố để phục vụ chuyển đổi số toàn diện; chỉ đạo đẩy mạnh các đề án số hoá, xây dựng dữ liệu số, kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia, ứng dụng dữ liệu; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, nhất là tới các cấp lãnh đạo quản lý.
“Trong quá trình thực hiện, các sở, ngành, địa phương cần tích cực tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm, cách làm hay, hiệu quả để xây dựng, triển khai kế hoạch nâng cao thứ hạng ngay từ quý I/2022. Hải Phòng sẽ không làm theo hình thức, mà sẽ sử dụng tối đa các nền tảng dùng chung để triển khai nhằm tạo hiệu quả chuyển đổi số tốt nhất, xác định danh mục phù hợp với những bài toán số hóa...”, ông Cường khẳng định.
Trình bày báo cáo công tác thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn thành phố, ông Lương Hải Âu, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hải Phòng cho biết, Thành phố đã triển khai xây dựng chính quyền điện tử và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đến nay 100% số cơ quan nhà nước trên địa bàn có mạng LAN, kết nối Internet; 100% số cán bộ công chức được trang bị máy tính để làm việc; hệ thống quản lý văn bản chỉ đạo điều hành triển khai đến 100% số cơ quan nhà nước từ thành phố tới cấp xã... Các ngành, đơn vị ngoài triển khai ứng dụng chuyên ngành, xây dựng hệ thống dữ liệu riêng còn phát triển dữ liệu dùng chung; đẩy mạnh phát triển hạ tầng viễn thông, chú trọng công tác bảo đảm an toàn thông tin; triển khai “Một cửa điện tử”, dịch vụ công mức độ 4; áp dụng trí tuệ nhân tạo vào tổng đài trả lời tự động trên Cổng dịch vụ công trực tuyến; thử nghiệm Trung tâm giám sát, điều hành đô thị thông minh...
Để xây dựng chính quyền số, UBND Thành phố đã ban hành Quyết định giao nhiệm vụ chủ đầu tư dự án “Thực hiện một số nội dung để xây dựng chính quyền số thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021-2025”. Hiện, Sở Thông tin và Truyền thông đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, các ngành tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh thực hiện số hóa cơ sở dữ liệu... Ngoài ra, thành phố còn đẩy mạnh thu hút đầu tư trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, thu hút được nhiều doanh nghiệp lớn về lĩnh vực CNTT.
Bên cạnh đó, Hải Phòng cũng đang phát triển xã hội số với tổng thuê bao di động đạt gần 2,5 triệu, số thuê bao truy nhập Internet băng rộng cố định đạt hơn 470.000, tỷ lệ thuê bao băng rộng cố định gia đình đạt hơn 72%, hơn 1.400 điểm truy nhập Internet công cộng. 100% số bệnh viện triển khai phần mềm quản lý bệnh viện, kết nối dữ liệu liên thông với Cổng thông tin giám định bảo hiểm xã hội. Hoàn thành kết nối dữ liệu các cơ sở kinh doanh dược trên địa bàn lên cổng thông tin dược quốc gia; 24/25 cơ sở khám chữa bệnh triển khai thanh toán thu viện phí không dùng tiền mặt. Ngành Giáo dục Hải Phòng đã triển khai hệ thống cơ sở dữ liệu ngành tới hơn 800 cơ sở giáo dục, hơn 32.000 giáo viên và hơn 500.000 học sinh có mã định danh riêng.