Vingroup khuynh đảo thị trường trong 2 năm liên tục với những kế hoạch từng được cho là điên rồ. |
Đường đi của thương hiệu Việt
Chiều 20/11/2018, Công viên Thống nhất Hà Nội ken chân người. Sự kiện ra mắt xe VinFast sau màn trình diễn đậm chất Việt ở Paris Motor Show hơn 1 tháng trước tự thân đã như thỏi nam châm hút khách.
Nhiều người đến vì hiếu kỳ. Ngay thời điểm đó, Vingroup và cả ông chủ Phạm Nhật Vượng vẫn bị cho là đang đưa mình vào thế rủi ro, khi đánh đổi uy tín thương hiệu thuộc hàng lớn nhất Việt Nam cho một cuộc chơi mà thua nhiều hơn thắng. Dù thế nào, VinFast vẫn là tên tuổi vô danh trong làng công nghiệp ô tô Việt Nam, chưa nói đến thế giới, là người mới tinh trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp...
Nếu đi đúng đường mà các thương hiệu ô tô đã đi qua, như xây dựng hệ thống nhà xưởng, nghiên cứu công nghệ, đầu tư nguồn nhân lực, tìm kiếm thị trường nhà cung cấp nguyên phụ liệu..., thì kế hoạch 2 năm ra sản phẩm của VinFast là ảo tưởng.
Dù không ra mặt, không ít nhà sản xuất ô tô tại Việt Nam cũng bày tỏ sự nghi vấn về các kế hoạch của VinFast.
Nhưng, chỉ sau 1 năm kể từ ngày khởi công Tổ hợp sản xuất VinFast tại Khu công nghiệp Đình Vũ, Hải Phòng, VinFast đã nhận ký hợp đồng đặt mua các mẫu xe đầu tiên. Xe máy điện của VinFast đã chạy trên đường.
Đến giờ, con đường để trở thành một tập đoàn công nghệ - công nghiệp - dịch vụ mà Vingroup đang đặt ra cho 10 năm tới trở nên rõ ràng hơn, giống như cách thị trường đang dần bình tâm hơn khi đón nhận các tuyên bố mới của Vingroup về những sản phẩm thương hiệu Việt của mình.
Hệ sinh thái không giới hạn
Vingroup khuynh đảo thị trường trong 2 năm liên tục với những kế hoạch từng được cho là điên rồ. Thậm chí, nhiều doanh nhân Việt tên tuổi cũng không dám bình luận về con đường mà tỷ phú Phạm Nhật Vượng đang đi. “Không thể hiểu ông ấy làm việc thế nào, vì chỉ cần nghe báo cáo về các ngành mà Vingroup đang đầu tư cũng không đủ thời gian”, một doanh nhân nói.
Nhưng thương hiệu này đang không đi một mình, đây là điều mà giới kinh doanh luôn nói đến khi chia sẻ về những phương thức mà Vingroup đang mở ra, chứa đựng cơ hội vô tận cho các doanh nghiệp khác, trong đó rất có thể sẽ có họ.
Những bản ký kết hợp tác với các thương hiệu, doanh nghiệp khác của Vingroup liên tục được công bố sau các lễ ra mắt sản phẩm mới. Gần đây là hợp tác với VNPOST để xây dựng các điểm sạc và cửa hàng tiện ích tại hệ thống bưu điện, bưu cục trên toàn quốc. Trước đó, các thỏa thuận hợp tác với PV Oil, Petrolimex - hai đơn vị nắm giữ phần lớn cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại Việt Nam để triển khai rộng rãi mô hình “tiện ích một điểm” sẽ đưa mục tiêu xây dựng 30.000 - 50.000 điểm sạc xe điện đến năm 2020 của Vingroup trong tầm tay.
Cũng phải thẳng thắn, sức nặng của tay mới VinFast trong nền công nghiệp ô tô Việt Nam và thế giới một phần lớn nhờ các hợp đồng sản xuất xe mẫu với trị giá 5 triệu USD với nhà nhiết kế hàng đầu Pininfarina, mua bản quyền sở hữu trí tuệ từ thương hiệu ô tô danh tiếng BMW... và dàn nhân sự cao cấp gắn với các thương hiệu đình đám khác của GM, Bosch...
Tại Tổ hợp sản xuất VinFast, trong khu nội địa hóa, ngoài 4 nhà máy VinFast tự đầu tư, đã có 2 nhà máy liên doanh và 2 nhà máy 100% vốn của nhà cung cấp cam kết đầu tư…
Thậm chí, cách Vingroup mở cửa nhà máy sản xuất VSmart đầu tiên tại Khu công nghiệp Đình Vũ cho báo giới khi ra mắt 4 mẫu điện thoại Vsmart mới vào tháng 12/2018, cùng với cam kết sẽ ra thêm 6 mẫu thuộc mọi phân khúc trong năm 2019 này, như muốn đánh tan nghi vấn trước đó về tính khả thi của các kế hoạch lấn sân mới. Lần đầu tiên, tại nhà máy này, mọi người tận mắt nhìn thấy các máy gắn chip của ASM Siplace (thương hiệu số 1 thế giới, xuất xứ từ Đức); máy in kem hàn của hãng Speedline, lò hàn thiếc của Omnimax (đều là thương hiệu số 1 thế giới đến từ Mỹ); các máy kiểm tra quang học tự động từ hãng Kohyoung (Hàn Quốc, là thương hiệu số 1 trong lĩnh vực này)...
Các bước đi thần tốc của Vingroup luôn mở ra một hệ sinh thái không giới hạn, với sự tham gia của các thương hiệu hàng đầu trong nước và thế giới. Nhưng, không chỉ riêng Vingroup đang mở ra con đường này.
Giấc mơ chinh phục người Việt
Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cũng có mặt tại buổi ra mắt của VinFast. Ông đến để khẳng định niềm tin của mình vào những doanh nghiệp Việt.
“Khi nhìn vào VinFast, Bkav (doanh nghiệp đang sở hữu thương hiệu Bphone) hay bất cứ doanh nghiệp nào đang sản xuất hàng Việt, đừng nhìn vào một doanh nghiệp riêng lẻ mà bình luận, mổ xẻ. Hãy nhìn họ như một xu thế đầu tư, phương thức kinh doanh mới để xây dựng cơ chế, hoàn thiện chính sách. Chọn cách đi nào là quyền của doanh nghiệp, nhưng với góc nhìn này, sẽ có nhiều doanh nghiệp sẵn sàng tiên phong, sẵn sàng chọn cách đi khó khăn, cách đi phi truyền thống là hợp tác và tận dụng chất xám, trí tuệ của cả cộng đồng, thay vì xin một mảnh đất để làm dự án hay dựa vào các mối quan hệ để được chỉ định thầu...”, ông Cung nói.
Điều đáng nói, khi các bước đi này được hậu thuẫn, sẽ mở ra con đường sáng sủa, thuận lợi cho những người kinh doanh thực sự, những người có tầm nhìn và thực tâm muốn cống hiến cho đất nước. Lúc đầu, chỉ một vài doanh nghiệp tiên phong đủ sức khám phá, nhưng sẽ kéo theo nhiều doanh nghiệp cùng khát vọng…
Có thể kể tới Viettel trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Vinamilk, TH Truemilk, Bia Sài gòn, Vinacafe Biên Hòa, Cà phê Trung Nguyên… trong lĩnh vực thực phẩm và rất nhiều thương hiệu thủy sản, nông sản, thương hiệu gạo Việt.
Các sản phẩm Việt, thương hiệu Việt này đã có mặt trên các kệ hàng ở nhiều siêu thị lớn, trở nên thân thuộc với nhiều người dùng ở các lục địa xa xôi.
Ngay tại Việt Nam, sản phẩm của các thương hiệu này được chọn dùng không phải bởi cuộc vận động ưu tiên dùng hàng Việt duy tình, thậm chí lạm dụng tinh thần dân tộc, mà bởi uy tín, chất lượng và khả năng cạnh tranh.
Cũng phải kể tới cú bắt tay vô tiền khoáng hậu giữa 3 thương hiệu Việt đình đám trong 3 lĩnh vực tưởng như không liên quan là Tập đoàn Thủy sản Minh Phú, Nhựa Tiền Phong và Thép Hòa Phát. Họ đã tìm được con đường chung để thực hiện mô hình nuôi tôm ao nổi, giúp giảm giá thành nuôi tôm đến 30% so với trước đây.
Còn Thaco, sau khi bắt tay với Hoàng Anh Gia Lai trong thương vụ M&A đình đám để làm nên doanh nghiệp nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam, đã tuyên bố bước vào chu kỳ đầu tư lần thứ 4 tại Chu Lai, đầu tư mở rộng khu phức hợp cơ khí ô tô và đổi tên thành khu công nghiệp cơ khí và ô tô Thaco - Chu Lai, phát triển thêm cơ khí nông nghiệp, cơ khí xây dựng và cơ khí thiết bị công nghiệp. 15 năm trước, Chu Lai là vùng đất nghèo, còn hoang sơ và Thaco chỉ là một doanh nghiệp kinh doanh và sửa chữa ô tô tại Đồng Nai. Hiện tại, Thaco đã trở thành tập đoàn tư nhân hàng đầu tại Việt Nam, ông chủ của thương hiệu này là tỷ phú Trần Bá Dương cũng đã trở thành một doanh nhân lớn của đất nước.
Những bước chân phi truyền thống của nhiều doanh nghiệp Việt tiên phong đang chinh phục trái tim người Việt, thậm chí chinh phục cả thị trường thế giới bằng năng lực cạnh tranh, bằng trình độ quản trị, bằng trí tuệ và đẳng cấp của người Việt.
Cùng với đó, cơ hội để những thương hiệu Việt trong các ngành công nghiệp điện tử, công nghiệp ô tô… thoát khỏi “phận gia công” đã hiện hữu, bắt đầu tham gia công cuộc chinh phục này.
Con đường mà những doanh nghiệp tiên phong đang mở, đã đi dù còn khó khăn, thách thức, nhưng đang dẫn tới sự cường thịnh, tự chủ của đất nước.
Tỷ phú Trần Bá Dương, Chủ tịch Tập đoàn Thaco
Facebook hay Google trở thành những ông lớn không phải là nhờ có vốn lớn, mà xuất phát điểm chính là tri thức, trí tuệ, sự sáng tạo và quy tụ được những người chung chí hướng.
Nguyễn Tử Quảng, CEO Tập đoàn Công nghệ Bkav
Ở Việt Nam, điều kém nhất chính là ý thức tuân thủ luật lệ. Nếu biết tổ chức tốt, người Việt Nam có thể làm ra những sản phẩm hàng đầu thế giới.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup
Bây giờ mục tiêu quan trọng nhất của tôi là phải có được một thương hiệu công nghiệp tốt. Hyundai làm được, Toyota làm được, tại sao Việt Nam mình không làm được? Mỹ có Microsoft, có Apple… tại sao mình không có được? Cứ cho là mình không phải là số 1, nhưng bét ra cũng vào top 5, top 10. Những cái đó sẽ mang lại thương hiệu cho đất nước mình. Tóm lại, tôi muốn làm sao để đất nước mình được người ta biết đến ở khía cạnh trí tuệ, đẳng cấp.