Luật Điện lực (sửa đổi) năm 2024 có những nội dung “hoàn toàn mới” về phát triển điện năng lượng tái tạo (Ảnh: Đức Thanh) |
Từ sự quan tâm đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ
Theo thông tin về 10 sự kiện nổi bật của ngành công thương vừa được công bố, thì 2024 là năm đột phá trong công tác tham mưu chính sách với hàng loạt luật, nghị định, thông tư được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới. Trong số đó, việc hoàn thành sửa Luật Điện lực được đánh giá là “bước đột phá” trong tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, khơi thông các vướng mắc, thu hút đầu tư, phát triển ngành điện...
Nhìn lại cả quá trình từ khi Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) đầu tiên được trình Quốc hội vào đầu Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV (tháng 10 - 11/2024) cho đến khi 91,65% đại biểu bấm nút tán thành thông qua, thì đây cũng được coi là dự án luật khá đặc biệt.
Đặc biệt ở chỗ, nội dung được đề xuất sửa đổi khá nhiều, phức tạp, nhưng lại theo quy trình 1 kỳ họp (thông lệ là 2 kỳ họp). Rồi, hầu hết các luật được thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV có hiệu lực thi hành từ giữa năm 2025 (trừ các luật về đầu tư có hiệu lực từ tháng 1), riêng Luật Điện lực có hiệu lực thi hành từ ngày 1/2/2025. Điều đó cho thấy tính cấp bách của việc ban hành hành lang pháp lý mới cho lĩnh vực vô cùng quan trọng của nền kinh tế.
Bổ sung cơ chế giá điện hai thành phần
“Về thị trường điện cạnh tranh và hoạt động mua bán điện, Luật Điện lực bổ sung điểm mới quy định về tạm ngừng, khôi phục hoạt động của thị trường điện giao ngay trong thị trường điện cạnh tranh các cấp độ.
Luật cũng quy định về hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện; bổ sung các yêu cầu về việc liên kết lưới điện với nước ngoài thông qua hệ thống điện quốc gia. Bổ sung một số nguyên tắc về xây dựng giá điện cho các loại hình, phương pháp hướng dẫn và hình thức định giá đối với lưới điện truyền tải do các thành phần kinh tế ngoài nhà nước đầu tư xây dựng và bổ sung cơ chế giá điện hai thành phần (giá công suất, giá điện năng)”.
- Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài
Cũng bởi thế, việc sửa đổi Luật Điện lực từng nhận được sự quan tâm đặc biệt của người đứng đầu Chính phủ.
Báo cáo trước khi trả lời chất vấn trực tiếp của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ tám, nêu rõ việc sửa đổi Luật Điện lực nhằm tạo đột phá về thể chế, tháo gỡ các vướng mắc, phát triển nguồn điện, lưới điện, Thủ tướng Chính phủ “trân trọng đề nghị Quốc hội quan tâm, chia sẻ, phối hợp với Chính phủ nâng cao chất lượng và xem xét thông qua tại kỳ họp này để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, điểm nghẽn pháp lý cho ngành điện”.
Khi đó, Dự thảo Luật vẫn đang trong quá trình hoàn thiện với không ít lo lắng về chất lượng.
Ngày 28/11/2024, trước khi Quốc hội bấm nút đối với Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) 2 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã có công thư gửi Chủ tịch Quốc hội và các phó chủ tịch Quốc hội đề nghị giữ, bổ sung một số nội dung để Luật Điện lực (sửa đổi) sau khi được thông qua có tính khả thi, phù hợp với đặc thù đầu tư phát triển điện lực.
Tiếp đó, ngày 29/11, Chính phủ lại có văn bản hỏa tốc gửi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi được quy định tại Dự thảo Luật. Bởi vì, bản Dự thảo ngày 28/11 có quy định, “không được chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi dưới mọi hình thức”.
Theo Chính phủ, để huy động các nguồn lực đầu tư phát triển điện gió ngoài khơi, không để vướng mắc, khó khăn trong quá trình tổ chức thi hành luật, cần thiết phải có quy định về chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi. Đồng thời, để đảm bảo quốc phòng, an ninh, Chính phủ đề nghị quy định việc chuyển nhượng dự án, cổ phần, phần vốn góp trong dự án điện gió ngoài khơi phải đảm bảo tuân thủ quy định của luật này (bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, an toàn thông tin) và quy định pháp luật khác có liên quan, giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung đó.
Đề nghị này của Chính phủ đã được tiếp thu, thể hiện tại Dự thảo Luật được Quốc hội bấm nút thông qua ngày 30/11/2024.
Có bổ sung, nhưng cũng có những rút gọn. Chẳng hạn, thay vì quy định thời hạn tối đa của giấy phép hoạt động điện lực trong từng lĩnh vực, thì Dự thảo Luật cuối cùng giao Chính phủ quy định, với nguyên tắc không được vượt quá thời hạn hoạt động của dự án, công trình phát điện, truyền tải điện, phân phối điện.
Có những nội dung hoàn toàn mới
Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Điện lực tại cuộc họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về các luật được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ tám, Thứ trưởng Bộ Công thương Trương Thanh Hoài nêu rõ nhiều nội dung mới của Luật. Trong đó, có những nội dung được Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nhấn mạnh là “hoàn toàn mới” về phát triển điện năng lượng tái tạo, điện năng lượng mới, điện gió ngoài khơi.
Về nội dung này, Luật Điện lực khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư dự án điện gió, điện mặt trời kết hợp đầu tư hệ thống lưu trữ điện hoặc sản xuất hydrogen xanh, amoniac xanh để phục vụ hoạt động phát điện, sử dụng điện.
Đối với nguồn điện mặt trời và điện gió có đấu nối vào hệ thống điện quốc gia, tổng công suất phát của nhà máy điện mặt trời, điện gió, bao gồm công suất hệ thống lưu trữ điện không được vượt quá công suất của nhà máy điện mặt trời, điện gió đã được xác định trong quy hoạch phát triển điện lực hoặc phương án phát triển mạng lưới cấp điện trong quy hoạch tỉnh; công suất lắp đặt do chủ đầu tư quyết định trong giai đoạn thực hiện dự án đầu tư xây dựng trên cơ sở bảo đảm tỷ lệ công suất hệ thống lưu trữ điện theo quy định và hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Về điện gió ngoài khơi, theo quy định của Luật, căn cứ điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, mục tiêu phát triển và thu hút đầu tư từng thời kỳ, cấp độ thị trường điện cạnh tranh, để bảo đảm an ninh cung cấp điện, Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung cụ thể. Như, điều kiện được thực hiện, tham gia thực hiện dự án điện gió ngoài khơi của tổ chức là nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước, gồm tổng tỷ lệ sở hữu cổ phần, phần vốn góp tại dự án điện gió ngoài khơi. Chính phủ cũng được giao quy định chi tiết về thời điểm chấm dứt áp dụng cơ chế, chính sách với sản lượng điện hợp đồng tối thiểu dài hạn đối với dự án bán điện lên hệ thống điện quốc gia; miễn, giảm tiền sử dụng khu vực biển và miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất.
Lấy ý kiến quy định chi tiết về giấy phép hoạt động điện lực
Mới đây, Bộ Công thương triển khai lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Điện lực về giấy phép hoạt động điện lực. Tờ trình dự thảo nêu rõ, hoạt động điện lực là hoạt động kinh doanh có điều kiện theo quy định tại Luật Điện lực và Luật Đầu tư.
Luật Điện lực năm 2024 đã thể hiện sự thay đổi mạnh mẽ trong tư duy quản lý hoạt động điện lực, đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước, tiếp cận phương pháp quản lý hoạt động điện lực xuyên suốt, khoa học, cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính. Theo đó, Luật Điện lực năm 2024 đã lược bỏ quy định cấp giấy phép lĩnh vực tư vấn chuyên ngành điện lực, quy định rõ hơn các điều kiện của từng hình thức cấp giấy phép hoạt động điện lực nhằm minh bạch và đơn giản hóa thủ tục hành chính.
Làm rõ thêm sự quan tâm của báo chí về điện gió ngoài khơi, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài nói, theo định nghĩa hiện nay, với những công trình điện gió ngoài 6 hải lý sẽ được xem là điện gió ngoài khơi. Theo pháp luật về biển đảo hiện nay, các công trình ngoài 6 hải lý quản lý sẽ khác, song trên thực tế, một số công trình trong phạm vi 6 hải lý đã sử dụng công nghệ điện gió ngoài khơi.
“Trong quá trình xây dựng Luật, đã tính toán đến sự thống nhất đồng bộ trong hệ thống pháp luật, nên Luật Điện lực năm 2024 cơ bản đưa ra những quy định khung và Chính phủ quy định chi tiết để đảm bảo tính hiệu quả, đồng bộ thống nhất trong quá trinh thực hiện sau này”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài giải thích.
Với điện mặt trời mái nhà, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài cho hay, những vấn đề được luật hóa đã tương đối “chín” và rõ, nên quy định tại Luật là tương đối chi tiết. Song, nhằm đảm bảo độ ổn định của hệ thống điện (như tỷ lệ năng lượng tái tạo, trong đó có điện gió, điện mặt trời), sẽ đưa ra quy định phù hợp tùy từng thời kỳ và phụ thuộc vào hạ tầng lưới điện Việt Nam. Nếu có nhiều nguồn điện nền và ổn định, phát triển tốt, thì sẽ có dư địa để phát triển năng lượng tái tạo, nhưng nếu nguồn nền chậm và ít, thì sẽ có giải pháp khác như pin lưu trữ để cân bằng, ổn định hệ thống điện.
“Để đảm bảo Luật Điện lực được triển khai hiệu quả khi chính thức có hiệu lực từ ngày 1/2/2025, Bộ Công thương đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng nghị định và thông tư hướng dẫn thực hiện”, Thứ trưởng Trương Thanh Hoài trao đổi với báo chí.