Doanh nghiệp
Sáng lập UP Coworking Space Đỗ Hoài Nam - “Chiến binh” thiện xạ trên đấu trường start-up
Anh Hoa - 10/02/2019 15:22
Thích đặt chân đến những vùng đất chưa ai biết theo những cách không ai nghĩ tới; tách biệt khỏi đám đông để có góc nhìn mới, cách giải quyết mới cho sự việc, Đỗ Hoài Nam (Namster Đỗ) nhận ra, chân lý nằm trong tay nếu biết khơi nguồn đúng mạch.
Đỗ Hoài Nam.

Truyền cảm hứng và nuôi dưỡng tinh thần start-up

Tòa nhà 8 tầng nằm trên phố Trần Quốc Toản (Hoàn Kiếm, Hà Nội) là nơi Namster Đỗ đứng ngắm nhìn trung tâm TP. Hà Nội từ trên cao mỗi khi có cơ hội. Một đô thị như Hà Nội đang tạo nhiều cơ hội cho người từng đi xa, thành công và trở về như anh.

“Tôi tự hào về nơi tôi sinh ra. Ở đâu có cơ hội, có nhiều việc, tôi sẽ đến”, Namster Đỗ giải thích về việc trở về Việt Nam làm việc mà không sở hữu bất cứ ngôi nhà nào. Dù việc kinh doanh ở TP.HCM có sôi động hơn, anh vẫn chọn Hà Nội để đặt cứ điểm.

Với những gì đang làm, mọi người nghĩ Namster Đỗ muốn xây dựng một “Thung lũng Silicon” tại Việt Nam. Nhưng anh khẳng định: “Không có một thành phố nào của Việt Nam có thể trở thành Thung lũng Silicon thứ 2, vì còn thiếu rất nhiều yếu tố về con người, trình độ, công nghệ, tài chính… Cái tôi muốn làm là tạo ra một môi trường tốt nhất có thể, để phát hiện và giúp đỡ những người thực sự có tài năng và tâm huyết với công nghệ”, Namster Đỗ nói.

Anh đã mời được nhiều cá nhân tiêu biểu trong làng công nghệ Mỹ, những người đã và đang nắm những vị trí hàng đầu trong các công ty lớn có vai trò chi phối cả ngành công nghệ. Họ sẽ trực tiếp dẫn dắt và tư vấn cho các doanh nghiệp, các start-up ở Việt Nam để đến được với thị trường thế giới.

Trong thời gian tới, Namster Đỗ hy vọng sẽ chọn được khoảng 10 công ty để đầu tư và trong vòng 3 năm, 2 trong số đó có thể phát triển lớn mạnh.

Một trong những khoản đầu tư thành công của anh ở Việt Nam?

Là HD Viet, được Galaxy Media & Entertainment (Galaxy ME) mua lại trong vòng 1 năm sau khi tôi đầu tư, với giá bán gấp 20 - 30 lần so với ban đầu. Hiện HD Viet đã đổi tên thành Film+ năm 2015 và là dự án đầu tiên tại Việt Nam cung cấp dịch vụ xem phim theo nhu cầu cá nhân với chất lượng HD, có bản quyền, phụ đề tiếng Việt và tiếng Anh chuẩn.

Nghe nói, anh cũng thất bại nhiều?

Tôi từng đầu tư vào 25 start-up, nhưng chỉ có 10 start-up “sống”. Thất bại, nhưng tôi không mất nhiều tiền lắm, vì mỗi start-up tôi chỉ rót 1 - 2 tỷ đồng. Tôi nhận ra, đầu tư 1 tỷ đồng không giúp gì cho start-up, mà chỉ kéo dài thời gian “chết” của nó. Tuy nhiên, chỉ cần vài khoản đầu tư tăng trưởng trên 100% là tôi kéo được lại nhiều khoản khác.

Giờ tôi không đầu tư vào start-up có giá trị dưới 100.000 USD, mà trung bình phải từ 500.000 USD, có công ty về năng lượng tái tạo, tôi đầu tư 3,5 triệu USD.

Nhìn quy mô đầu tư đó mới thấy, vì sao quỹ lớn ít vào Việt Nam?

Đúng vậy. Tôi thấy mình thành công về phương diện tài chính cá nhân, nhưng về quy mô thị trường thì tôi như đang nhặt tiền bồm. Các start-up trong khu vực ASEAN (ngoài Việt Nam) thường xuyên nổ ra những thương vụ rót vốn lên tới vài tỷ USD.

Anh nhận thấy thương vụ nào sắp nổ lớn?

Sẽ có vài thương vụ tỷ USD, nhưng không nổ ra ở Việt Nam mà ở Singapore. Trên thực tế, nhiều start-up có tiềm năng gọi vốn tỷ USD của Việt Nam đã chuyển sang Singapore “đóng đô”.

Phong trào start-up bùng lên 2 năm qua, nhưng đà phát triển này sẽ khó duy trì trong năm 2019 do tác động của một số chính sách, như chính sách thuế đối với nhà đầu tư. Hiện Việt Nam đã có cơ chế cho start-up mang tiền ra nước ngoài đầu tư, nhưng thủ tục quá chậm, không phù hợp với các start-up đổi mới, sáng tạo.

Nhưng anh vẫn đang miệt mài tạo ra hệ sinh thái start-up?

Chỉ cá nhân tôi thì không thể tạo ra hệ sinh thái start-up, nhất là khi vẫn còn có những tranh cãi, như: thế nào là start-up, thế nào là khởi nghiệp.

Việc tôi làm chỉ là thúc đẩy, tạo bước đầu tiên cho start-up thành xu hướng, làn sóng. Chúng tôi đang làm 2 việc: tuyên truyền thế nào là start-up và truyền cảm hứng. Muốn có start-up Việt vươn ra khu vực, thì các thế hệ thành công phải là người truyền cảm hứng.

Trong bối cảnh đó, có lúc nào anh muốn buông bỏ để đến nơi có đủ yếu tố “hậu thuẫn” hơn?

Nhiều lúc tôi cũng thấy nản, nhưng những thử thách tôi gặp ở Việt Nam chưa là gì so với những gì tôi đã trải qua ở Australia, ở Mỹ thời tuổi trẻ.

Start-up khác với cuộc sống. Nếu cuộc sống có nhiều trải nghiệm, có đau khổ tận cùng thì start-up lại không có tận cùng khó khăn. Khó khăn luôn là những ngày đầu tiên khi mình làm việc gì đó, mà start-up thì lúc nào cũng như bắt đầu từ số 0. Đã bước qua ngưỡng tuổi 40, tôi tích luỹ được nguồn lực kiến thức, kinh nghiệm xã hội, có cách ứng xử tốt hơn với cộng đồng. Start-up có lẽ là “nghề” tích luỹ kiến thức nhiều nhất.

Theo anh, các start-up có cơ hội gì từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0?

Một trong những cụm từ được nhắc nhiều nhất hiện nay là kinh tế chia sẻ. Kinh tế chia sẻ được coi là một phần của cách mạng 4.0, nó tối ưu hóa nguồn lực nhờ kết nối cả thế giới với nhau thông qua Internet và tạo ra nhiều thị trường ngách cho các start-up bùng nổ. Nhưng điều đó không có nghĩa là dễ vượt qua các công ty cũ.

Đơn cử, Dropbox, từ một start-up với trụ sở trong căn hộ nhỏ, sau 11 năm đã phát triển thành doanh nghiệp cung cấp phần mềm nổi tiếng toàn cầu với hơn 2.000 nhân viên, được định giá 20 tỷ USD. Tuy nhiên, Dropbox vẫn không thể qua mặt được IBM, Microsoft.

Gần 3 năm có mặt trên thị trường, UP Coworking Space đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng tinh thần cho cộng đồng start-up?

2018 là một năm thành công đối với chúng tôi. Từ một địa điểm đầu tiên với diện tích 4.000 m2 tại Lương Yên (Hà Nội), diện tích của UP Coworking Space đã tăng lên gấp 10 lần. Đặc biệt, cộng đồng tại UP Coworking Space đã tăng gấp đôi trong năm 2018, lên gần 5.000 thành viên. Với hơn 110 sự kiện lớn nhỏ, hơn 20.000 lượt khách đến tham gia, chúng tôi đã mang những thông tin, kiến thức bổ ích từ trong và ngoài nước đến cho cộng đồng. Những kiến thức, sự va chạm đó sẽ nuôi dưỡng tinh thần start-up lớn mỗi ngày.

Năm 2019 tiếp tục là một năm thành công hơn nữa của UP Coworking Space, khi sẽ có hàng loạt cơ sở được mở.

Chinh phục thử thách

Không chỉ là “chiến binh” thiện xạ trên đấu trường start-up, Namster Đỗ còn góp gió, đưa “cơn bão” nhạc Âu Mỹ về Việt Nam. Hẳn nhiều người yêu nhạc còn nhớ sự kiện đặc biệt 8 năm trước, khi Backstreet Boys, một trong những boysband hàng đầu thế giới đã có 2 đêm diễn tại Hà Nội, TP.HCM. Đỗ Hoài Nam khi đó là Chủ tịch HĐQT Công ty Water Buffalo Productions đã đứng sau sự kiện này..

kinh tế chia sẻ được coi là một phần của cách mạng 4.0, nó tối ưu hóa nguồn lực nhờ kết nối cả thế giới với nhau thông qua Internet và tạo ra nhiều thị trường ngách cho các start-up bùng nổ.
Đỗ Hoài Nam

Là người kinh doanh nhiều năm, Namster Đỗ thừa hiểu, không nên kỳ vọng vào việc có lãi ngay từ show đầu tiên. “Chúng tôi chấp nhận lỗ hàng triệu USD vì tin thị trường sắp chín muồi. Đây là một thị trường lớn chưa được khai thác, chúng tôi là người đi tiên phong, đầu tư lớn và kiên trì là điều cần thiết”, Namster Đỗ nói và khẳng định, phải có người “mở khoá” để các ban nhạc quốc tế tràn sang Việt Nam. Đó là một cách nâng cao văn hóa, văn minh xã hội.

Từ “đại gia” đứng sau show diễn của Backstreet Boys, đến “ông trùm” start-up, đó là biệt danh do những người yêu quý đặt cho Namster Đỗ. Nhưng ít ai biết, ước mơ lớn nhất của anh từ thủa nhỏ là đá bóng cho đội MU. Anh từng nghĩ, dù phải đánh đổi điều gì cũng sẽ trở thành cầu thủ. Nhưng lớn lên, anh nhận ra mình không đủ khả năng và một khi giấc mơ tan vỡ, thì làm nghề gì cũng được.

Anh không nghĩ mình là “ông trùm”, “đại gia”. Anh chỉ thích nghĩ đến những thử thách của cuộc đời và chinh phục nó tại mỗi thời điểm như các chiến binh. Dĩ nhiên, trên hành trình của mình, anh đã phải trải qua cảm giác như “đâm đầu vào tường”, nhưng mỗi sớm mai thức dậy, mọi thứ lại qua đi. Và bức tường này vỡ, lại đến bức tường tiếp theo. Cứ thế, anh cuốn mình theo chiều vận động của start-up và muốn thổi bùng hơn niềm đam mê kinh doanh của thế hệ trẻ để tạo ra giá trị lớn cho xã hội.

“Người thành công sớm không có nghĩa là giỏi hơn người thành công muộn. Điều quan trọng là sản phẩm họ sẽ phát triển như thế nào và mang lại gì được cho xã hội. Không bao giờ có việc không làm được, chỉ có việc chưa làm được mà thôi”, Namster Đỗ chiêm nghiệm.

Từ cựu học sinh Hà Nội - Amsterdam, đến chủ nhân những dự án khởi nghiệp táo bạo

Doanh nhân Đỗ Hoài Nam sinh năm 1977, từng là học sinh chuyên Vật lý của Trường THPT Hà Nội - Amsterdam. Năm 1995, anh giành được học bổng toàn phần của Chính phủ Australia và theo học chương trình dành cho những sinh viên giỏi có tố chất đặc biệt để làm lãnh đạo tại Đại học RMIT (Australia).

Anh từng khởi nghiệp với nhiều công ty và cũng từng thất bại. Đến đầu năm 2003, Nam cùng bạn bè thành lập Emotiv Systems, với sản phẩm “máy đo bộ não người”.

Năm 2010, Emotiv Systems đạt doanh thu đến 10 triệu USD, có 20.000 khách hàng là doanh nghiệp trên toàn thế giới. Bộ phim Avatar nổi tiếng từng sử dụng sản phẩm này để đo cảm xúc người xem trước khi công chiếu.

Năm 2012, Namster Đỗ rời Emotiv System để thành lập SeeSpace với sản phẩm chính là InAir, thiết bị mà người xem có thể dùng chiếc điều khiển để bấm tìm hiểu thông tin sâu hơn ngay trên màn hình ti vi.

Tin liên quan
Tin khác