Hiện, tại đây đang triển khai một số dự án có quy mô lớn như: Dự án Tổ hợp sản xuất, chế tạo ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup; Dự án xây dựng khu cảng hàng hóa, bến tàu du lịch, ga cáp treo, nhà máy sản xuất các sản phẩm du lịch, khu dịch vụ hậu cần du lịch của Tập đoàn Sungroup; Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng của Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ; Dự án đầu tư xây dựng 2 bến khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng của Công ty TNHH Cảng container quốc tế Hải Phòng.
Cụ thể, dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng (Deep C III) do Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ làm chủ đầu tư với quy mô 526,81 ha. Trong đó, diện tích khu vực xây dựng cảng đường thủy nội địa là 20 ha nằm tiếp giáp về phía thượng lưu của 2 bến cảng khởi động Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng |
Theo Công ty cổ phần Khu công nghiệp Đình Vũ, nhằm phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa cho Khu công nghiệp cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, tận dụng tối đa hiệu quả tuyến luồng Lạch Huyện đang được Chính phủ đầu tư xây dựng, có khả năng tiếp nhận tàu 100.000 DWT, Công ty có nhu cầu đầu tư xây dựng 01 bến cảng chuyên dùng với quy mô bến dài 265m, có thể tiếp nhận tàu có tải trọng đến 100.000 DWT tại vị trí quy hoạch cảng của KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Ngoài ra, Công ty sẽ đầu tư một số hạng mục công trình phục vụ cảng chuyên dùng này (nạo vét khu nước trước bến, vũng quay tàu và nâng cấp đoạn luồng kết nối với luồng Lạch Huyện, xây dựng hệ thống kho bãi trên bến). Đại diện Công ty CP Khu công nghiệp Đình Vũ cho biết, công ty sẽ tự bỏ kinh phí đầu tư nâng cấp đoạn luồng kết nối từ luồng Lạch Huyện đến vị trí xây dựng bến cảng tại KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng.
Nếu được chuyển đổi chức năng cảng đường thủy nội địa thành bến cảng chuyên dùng phục vụ KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, bến cảng sẽ là cơ sở hạ tầng kỹ thuật quan trọng, có tác động tích cực trong việc thu hút một số nhà đầu tư lớn đến đây. Đặc biệt, có dự án Tổng kho và Nhà máy chế biến các sản phẩm ngũ cốc của các nhà đầu tư châu Âu và một số dự án khác với tổng số vốn đầu tư gần 500 triệu USD. Các dự án này sẽ giúp phát triển ngành công nghiệp chế biến, giảm chi phí nhập khẩu các sản phẩm từ ngũ cốc sản xuất tại các nước khác, tăng nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tạo tuyến vận tải hàng rời mới trực tiếp từ châu Âu đến Hải Phòng. Từ đó, mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư, tăng thu ngân sách thông qua thu thuế xuất nhập khẩu, phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng, tạo thêm hàng nghìn việc làm cho người lao động.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư có thể triển khai dự án theo đúng quy định, UBND thành phố Hải Phòng đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải xem xét, chấp thuận việc chuyển đổi chức năng cảng đường thủy nội địa KCN cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng thành bến cảng chuyên dùng có khả năng tiếp nhận tàu trọng tải đến 100.000DWT phục vụ KCN. Đồng thời, cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển phía Bắc (nhóm 1) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.