Thời sự
Hải Phòng đứng thứ 8 cả nước về tốc độ tăng trưởng
Thu Lê - 29/12/2022 14:38
Theo công bố của Cục Thống kê Hải Phòng, năm 2022, tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố (GRDP) tăng 12,32% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 8 cả nước, thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng.

Kinh tế tăng trưởng 12,32%

Sáng nay (29/12), Cục Thống kê Hải Phòng đã tổ chức Họp báo công bố số liệu kinh tế - xã hội năm 2022 của Hải Phòng.

Thông tin tại buổi Họp báo, ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng cho biết: “Tăng trưởng kinh tế Thành phố đạt mức khá cao, gấp 1,5 lần tốc độ tăng trưởng bình quân chung của cả nước, thuộc tốp đầu các địa phương có tốc độ tăng trưởng cao. Một số chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tăng trưởng khá so với cùng kỳ, như: sản xuất công nghiệp, hàng qua cảng, thu ngân sách, thu hút FDI, doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, đặc biệt ngành du lịch, dịch vụ có sự phục hồi và tăng trưởng mạnh. Các chính sách an sinh xã hội được triển khai kịp thời, có hiệu quả; tình hình chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng, an ninh được giữ vững”.

Cụ thể, GRDP năm 2022 tăng 12,32% so với cùng kỳ năm trước, đứng thứ 8 cả nước và thứ 2 vùng Đồng bằng sông Hồng. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có mức tăng 1,21% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,04 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung toàn thành phố.

Khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 15,56% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 8,39 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Trong đó ngành công nghiệp tăng 16,30% so với cùng kỳ, đóng góp 7,96 điểm phần trăm mức tăng chung; ngành xây dựng tăng 8,40% so với cùng kỳ, đóng góp 0,43 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Khu vực dịch vụ tăng 9,06% so với cùng kỳ năm 2021, đóng góp 3,32 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm  tăng 9,57% so với cùng kỳ, đóng góp 0,57 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung.

Ông Lê Gia Phong, Cục trưởng Cục Thống kê Hải Phòng thông tin tại cuộc họp báo.

Cơ cấu nền kinh tế năm 2022 chuyển dịch đúng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trong đó khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 3,61%; công nghiệp - xây dựng chiếm 53,68%; thương mại - dịch vụ chiếm 36,98%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp chiếm 5,73%. 

Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn Thành phố năm 2022 đạt 107.132,6 tỷ đồng, tăng 11,8% so cùng kỳ năm trước và đạt 101,4% dự toán HĐND thành phố giao. Trong đó, thu nội địa là 36.781,5 tỷ đồng, tăng 0,4% so với cùng kỳ và đạt 89,7% dự toán HĐND; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 67.310 tỷ đồng, tăng 16,3% so cùng kỳ và bằng112,2% dự toán HĐND.

Tổng chi ngân sách địa phương năm 2022 ước đạt 31.685,7 tỷ đồng, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, chi đầu tư phát triển đạt 13.730,8 tỷ đồng, bằng 93,2% so với cùng kỳ năm trước; chi thường xuyên khoảng 13.610,7 tỷ đồng, bằng 105,9 so với năm 2021.

Năm 2022, vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn đều tăng ở cả 3 khu vực đạt 180.621,7 tỷ đồng. Cụ thể, vốn khu vực Nhà nước đạt 23.309,2 tỷ đồng, tăng 19,66% so với cùng kỳ. Khu vực ngoài nhà nước là 97.148,1 tỷ đồng, tăng 6,36% so với cùng kỳ. Vốn đầu tư khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 60.164,4 tỷ đồng, tăng 19,38% so với năm 2021

Dân số năm 2022 của Hải Phòng là 2.090,8 nghìn người, tăng 18,4 nghìn người, tương đương tăng 0,89% so với năm 2021. Phân theo giới tính, dân số nam 1.036,7 nghìn người, chiếm 49,58%; dân số nữ 1.054,1 nghìn người, chiếm 50,42%.

Công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng nhanh

Cả năm 2022, chỉ số sản xuất công nghiệp của Hải Phòng tăng 14,56% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 15,6%, đóng góp 14,87 điểm phần trăm – mức đóng góp cao nhất; ngành cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,35%, đóng góp 0,07 điểm phần trăm vào mức tăng chung; hai ngành có chỉ số giảm là ngành khai khoáng giảm 20,3% và ngành sản xuất, phân phối điện giảm 4,67%, tác động làm giảm tương ứng 0,04 và 0,34 điểm phần trăm vào mức tăng chung.

Lý giải về việc giảm của ngành sản xuất, phân phối điện, theo ông Phong là do 2 yếu tố chính. Một là do sự giảm điều tiết từ lưới điện, nhưng lượng điện thương phẩm do doanh nghiệp sản xuất điện của Thành phố vẫn tăng. Yếu tố thứ 2 là do trong quý I/2022, ảnh hưởng bởi Covid-19 nên sản xuất công nghiệp của Thành phố giảm so với cùng kỳ năm ngoái nên đã giảm sức tiêu thụ điện sản xuất.

Nguồn cung cấp: Cục Thống kê TP.Hải Phòng

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cả năm 2022 tăng 21,85% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tại thời điểm 31/12/2022 tăng 5,12% so với tháng trước và tăng 31,95% so với cùng thời điểm năm trước.

Số lao động làm việc trong doanh nghiệp công nghiệp tại thời điểm 01/12/2022 tăng 1,03% so với tháng trước và tăng 4,06% so với cùng kỳ. Trong đó, lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước giảm 0,92%; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 19,73%; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài giảm 0,37%.

Một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu năm 2022 tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như: Kính nổi và kính đã mài tăng 3,08 lần; modun camera tăng 2,1 lần; tivi tăng 66,87%; điện cực kim loại cơ bản (nam châm điện) tăng 63,02%; mạch điện tử tích hợp sản xuất tăng 38,86%; bột giặt và các chế phẩm dùng để tẩy rửa tăng 26,7%; lốp mới bằng cao su sản xuất tăng 46,38%; máy in offset tăng 37,18%; xe mô tô tăng 51,3%; bê tông tươi tăng 84,13%;…

Tin liên quan
Tin khác