Quy định trên nhằm thực hiện việc quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo hướng cắt giảm và tiến tới tháo dỡ hoàn toàn các cơ sở nuôi trồng thủy sản ở khu vực vịnh Trà Báu, vịnh Lan Hạ, vịnh Cát Bà và sắp xếp lại ở khu vực vịnh Bến Bèo và Bến Gia Luận theo hướng bảo đảm cảnh quan, môi trường.
Mới đây, UBND TP. Hải Phòng đã chỉ đạo UBND huyện Cát Hải xây dựng nội dung hỗ trợ cho các cơ sở nuôi. Đây được cho là một trong những phương án để giải bài toán về vướng mắc trong việc di chuyển các lồng bè không phù hợp quy hoạch ra khỏi vịnh Cát Bà. Việc này kỳ vọng sẽ giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn tại, bất cập giữa phát triển nuôi trồng thủy sản với bảo tồn, bảo vệ hệ sinh thái, môi trường tự nhiên cũng như cảnh quan du lịch.
Đồng thời, sẽ tạo bước đột phá trong công tác bảo vệ cảnh quan môi trường trên các vịnh thuộc quần đảo Cát Bà, đặc biệt nằm trong vùng lõi của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà. Đây cũng là điều kiện cần thiết để UNESCO có thể công nhận Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 2022.
Theo đó, TP Hải Phòng sẽ dành hơn 68,4 tỷ đồng hỗ trợ việc tháo dỡ các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên các vịnh thuộc vùng biển quần đảo Cát Bà. Cụ thể, hỗ trợ vật kiến trúc: mức hỗ trợ đối với nhà chòi là 19.857.983 đồng/nhà chòi; mức hỗ trợ đối với ô lồng nuôi cá là 4.836.000 đồng/ô lồng; mức hỗ trợ đối với giàn nuôi nhuyễn thể là 89.008 đồng/m2.
Lồng bè nuôi thủy sản trên vịnh Cát Bà (huyện Cát Hải, TP Hải Phòng) |
Đối với các ô lồng nuôi cá tháo dỡ trước ngày 01/01/2022 sẽ hỗ trợ là 25.000 đồng/m3; các ô lồng tháo dỡ từ ngày 01/01/2022 đến hết ngày 31/12/2022 sẽ hỗ trợ 12.500 đồng/m3. Hỗ trợ đối với các giàn nuôi nhuyễn thể tháo dỡ trước ngày 01/01/2022 với mức 12.500 đồng/m2. Hỗ trợ ổn định đời sống đối với thành viên hộ gia đình là chủ cơ sở nuôi trồng thủy sản bị tháo dỡ sinh sống trên các cơ sở nuôi trồng thủy sản trước ngày 01/7/2021, mức hỗ trợ là 6.480.000 đồng/nhân khẩu.
Theo UBND huyện Cát Hải, hiện đang có 440 cơ sở nuôi trồng thủy sản với 516 nhà chòi, 8.216 ô lồng, 58.790m2 giàn nuôi nhuyễn thể và 1.298 nhân khẩu trên các cơ sở nuôi, tập trung tại vịnh Cát Bà, vịnh Lan Hạ, vịnh Bến Bèo, vịnh Trà Báu và vịnh Gia Luận. Trong đó, các cơ sở nuôi có chủ cơ sở là người có hộ khẩu Hải Phòng là 371 cơ sở, còn 69 cơ sở có chủ người các địa phương khác. Các cơ sở nuôi trồng thủy sản trên ảnh hưởng tới cảnh quan môi trường, xung đột với định hướng phát triển du lịch của địa phương.
Để thực hiện tốt nội dung Quy định trên, đồng thời tháo gỡ các khó khăn cho các hộ nuôi trồng, vướng mắc trong quá trình thực hiện, UBND huyện Cát Hải đã có văn bản số 1556/UBND-KT&HT đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kêu gọi sự chung tay của các doanh nghiệp, nhà máy, các tổ chức, cá nhân kinh doanh lĩnh vực chế biển thủy sản trong, ngoài thành phố Hải Phòng thực hiện thu mua, các sản phẩm thủy sản từ các giàn bè bị tháo dỡ nhằm giảm bớt các khó khăn cho người dân trong quá trình thực hiện các chính sách của nhà nước. Bên cạnh đó, đề nghị Sở Công thương chỉ đạo các ngành có liên quan, các siêu thị, Ban quản lý các chợ đầu mối thủy sản, các cơ sở kinh doanh, chế biển thủy sản trong và ngoài thành phố hỗ trợ thu mua sản phẩm...
Cụ thể, tổng khối lượng sản phẩm cá hiện tại trên vịnh cần hỗ trợ thu mua là 2.203.900kg, tổng khối lượng nhuyễn thể là 4.204.050kg. Giá bán các sản phẩm được công khai. Trong đó, cá song (tổng khối lượng: 1.381.430kg) có giá từ 200-500 nghìn đồng/kg, cá giò 120.000 đồng/kg, cá côi 130.000 đồng/kg, cá chim vây vàng 150.000 đồng/kg ngao hai cùi 60.000 đồng/kg, tu hài 250.000 đồng/kg...