Thời sự
Hải Phòng sáng lên muôn đài hoa
Thanh Tân - 13/05/2015 08:00
Ngày này cách đây 60 năm, từ bến Nghiêng, Đồ Sơn, những người lính Pháp cuối cùng đã phải rời khỏi mảnh đất hình chữ S. Hải Phòng được giải phóng, cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp thắng lợi hoàn toàn. Thành phố Cảng bước vào vận hội mới, chung tay, góp sức dựng tương lai.

Quá khứ hào hùng

Hải Phòng là vùng đất cổ, được nữ tướng Lê Chân khai phá từ thời đầu công nguyên khi bà lập nên trang An Biên ở đây, được gắn với cái tên Hải Tần phòng thủ. Thời kỳ độc lập tự chủ của các triều đại phong kiến Việt Nam, vùng đất này nổi tiếng với các chiến thắng trên sông Bạch Đằng năm 938 của Ngô Quyền, năm 981 của Lê Hoàn và năm 1288 của Trần Hưng Đạo.

Năm 1887, người Pháp cho thành lập tỉnh Hải Phòng, tách vùng lân cận cảng Ninh Hải ra từ tỉnh Hải Dương. Đến tháng 7/1888, đổi tên là TP. Hải Phòng. Từ ngày 15/8/1945 đến ngày 25/8/1945, chính quyền tay sai dưới chế độ thực dân rồi phát xít ở Hải Phòng đã bị lực lượng cách mạng lật đổ, chính quyền cách mạng được thiết lập. Ngày 20/11/1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ ở Hải Phòng.

Hải Phòng ngày càng văn minh, hiện đại, là điểm đến của các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới. Ảnh: Vũ Dũng

 

Những trận chiến ác liệt bảo vệ độc lập tự do đã cho thấy sự dũng cảm của người dân của mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió này. Đó là Đặng Kim Nở với trận đánh Nhà hát Lớn nổi tiếng, tiểu đội của anh chống lại quân Pháp đông gấp bội, giành giật từng góc phố, ngôi nhà. Đó là chiến thắng của trận Cát Bi rực lửa. Chỉ trong 25 phút tảng sáng ngày 7/3/1954, 32 dũng sỹ đã tập kích bất ngờ, đốt Sân bay Cát Bi, phá hủy 59 máy bay và nhiều phương tiện vũ khí. Chiến thắng đúng thời điểm chiến dịch Điện Biên Phủ sắp diễn ra, đã có tác dụng khích lệ động viên rất lớn với chiến sỹ ngoài mặt trận và giảm áp lực cho chiến trường Điện Biên Phủ.

Theo Hiệp định Gieneva về lập lại hoà bình cho Đông Dương (20/7/1954), Hải Phòng vẫn để cho quân Pháp quản lý 300 ngày để tập kết rút về nước, cũng như để các lực lượng đối lập rút về miền Nam, chờ tổng tuyển cử thống nhất. Ngày 13/5/1955, những người lính Pháp cuối cùng rời Hải Phòng và ngày này đã trở thành ngày giải phóng thành phố.

Thành phố được giải phóng, cùng miền Bắc đi lên Chủ nghĩa xã hội, làm hậu phương vững chắc cho miền Nam. Trong giai đoạn 1955- 1975, với vai trò là thành phố cảng lớn nhất miền Bắc, Hải Phòng là nơi tiếp nhận phần lớn hàng viện trợ quốc tế và là căn cứ xuất phát của đường Hồ Chí Minh trên biển (vận chuyển vũ khí cho miền Nam chống Mỹ). Vì vậy, trong các cuộc leo thang đánh phá miền Bắc, không quân Mỹ đã tập trung bắn phá ác liệt Hải Phòng, tiến hành phong tỏa cảng, nhằm hủy diệt đầu mối giao thông vận tải, ngăn chặn chi viện của miền Bắc cho miền Nam và của quốc tế với Việt Nam. Nhiều nhà máy, công trình xây dựng, bến cảng, đường giao thông, cầu phà và khu dân cư bị phá hủy hoàn toàn.

Nhưng quân dân Hải Phòng đã dũng cảm đương đầu với không lực Hoa Kỳ, chặn đứng chiến tranh phá hoại của Mỹ. Kể từ trận đầu bắn rơi máy bay Mỹ trên đảo Bạch Long Vĩ ngày 26/3/1965, đến chiến thắng oanh liệt trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối năm 1972, quân và dân Hải Phòng đã chiến đấu trên 4.000 trận, bắn rơi 317 máy bay Mỹ (có 5 pháo đài bay B52), 28 lần bắn cháy tàu chiến của hải quân Mỹ. Cùng với cả nước, Hải Phòng đã chiến thắng với biểu tượng được cả nước ngợi ca: “Thành phố Cảng Trung dũng, Quyết thắng”.

Rực sáng tương lai

Những ngày này, người dân và du khách đến với thành phố Cảng sẽ cảm nhận được sự ngập tràn sắc vàng của nắng, sắc thắm hoa phượng và đỏ rực màu cờ. Hải Phòng đón chào ngày kỷ niệm 60 năm được giải phóng với sự háo hức và tự hào. Thành phố giờ đây như một bức tranh đẹp với nhiều mảng sáng, sắc màu tươi tắn.

Nếu ở đâu trên mảnh đất hình chữ S này có một vùng đất có núi, có sông, có biển rộng và con người bộc trực “ăn sóng, nói gió”, thì đó chính là Hải Phòng. Từ năm 1874, Hải Phòng đã được người Pháp xây dựng với một chuỗi các khu bến cảng như: cảng Vật Cách, cảng Hải Phòng (khu cảng chính, hay còn gọi là Bến Hoàng Diệu, trước gọi là Bến Sáu Kho) trên sông Cấm. Và bây giờ, khi thành phố vươn ra phía biển, khi mà ngành công nghiệp, dịch vụ ngày càng phát triển thì thêm những cảng Đình Vũ, Nam Đình Vũ có thể tiếp nhận tàu trọng tải 10.000 - 20.000 DWT.

Trong sự phát triển nhanh chóng của đất nước và Thành phố, Bến Sáu Kho năm xưa đã trở nên quá bé nhỏ. Theo dự báo, lượng hàng hóa thông qua nhóm cảng phía Bắc đến năm 2020 là 146 - 176 triệu tấn/năm. Trong khi đó, tổng năng lực của các cảng hiện hữu (kể cả sau khi nâng cấp, mở rộng) cũng chỉ đạt 86 - 90 triệu tấn vào năm 2015 và không thể phát triển thêm được nữa. Chính vì vậy, cảng Lạch Huyện - cửa ngõ quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức phát lệnh khởi công ngày 14/4/2014.

Với tổng mức đầu tư hơn 25.000 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ODA Nhật Bản và vốn Chính phủ, Hải Phòng sẽ có một cảng biển với 2 bến, chiều dài 750 m, cùng các trang thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến để khai thác, xếp dỡ, cho tàu container trọng tải đến 100.000 DWT. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã khẳng định “Dự án này sau khi hoàn thành sẽ mở rộng cánh cửa thông thương khu vực phía Bắc nước ta với thế giới, tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - xã hội của vùng Đông Bắc Bộ nói riêng, cũng như toàn miền Bắc nói chung”.

Cảng Lạch Huyện còn đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của thị trường, góp phần đưa hàng hóa xuất nhập khẩu của khu vực miền Bắc có thể đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ (không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore, Hồng Kông). Thu hút lượng hàng quá cảnh khu vực Đông Bắc Lào qua tuyến hành lang Đông - Tây và khu vực Nam Trung Quốc qua các tuyến thuộc chương trình “hai hành lang, một vành đai”. Thật giá trị và ý nghĩa biết bao khi Hải Phòng ngày càng khẳng định được thương hiệu Thành phố Cảng của mình.

Cùng với sự phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, du lịch và đầu tư, những năm gần đây, nhu cầu vận chuyển và đi lại bằng đường hàng không của TP.Hải Phòng và khu vực tăng cao. Bộ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Đinh La Thăng đã chỉ rõ khi dự lễ khởi công Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi: “Cát Bi giữ vị trí quan trọng trong hệ thống cảng hàng không Việt Nam và trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hải Phòng và vùng Đông bắc Bắc Bộ. Nhà ga này sẽ được khánh thành đúng dịp 61 năm ngày Giải phóng Hải Phòng - 13/5/2016”. Vui quá! Một năm nữa thôi, Sân bay Cát Bi sẽ sánh cùng các sân bay lớn nhất của cả nước.

Trước đó, từ năm 2013, Cảng HKQT Cát Bi đã đầu tư xây dựng đường cất hạ cánh có khả năng tiếp nhận máy bay B747-400 và tương đương. Cùng với đó, mở rộng sân đậu máy bay để tăng từ 2 lên 10 vị trí, dự kiến giai đoạn I sẽ hoàn thành vào tháng 9/2015. Nhà ga hành khách cũng đã được khởi công xây dựng (ngày 24/1/2015) với tổng vốn đầu tư 1.500 tỷ đồng, nhằm hướng tới công suất khai thác đạt 4 triệu hành khách/năm, đáp ứng nhu cầu đưa đón 1.000 hành khách giờ cao điểm. Dự kiến, nhà ga hành khách sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong quý IV/2016. “Việc đầu tư xây dựng nhà ga hành khách mới tại Cảng HKQT Cát Bi là rất cấp bách và cần thiết. Đây sẽ thêm một công trình trong chuỗi các công trình trọng điểm của Hải Phòng được hoàn thành như cảng quốc tế Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng…. Điều đó sẽ tạo đà cho kinh tế, xã hội của Hải Phòng cất cánh”, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng hồ hởi.

Giao thông đường bộ Hải Phòng ngày càng hoàn thiện. Sau 6 năm thực hiện, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (dự án giao thông trọng điểm quốc gia có quy mô lớn, triển khai theo mô hình BOT) dài 105 km, tiêu chuẩn cao tốc quốc tế, cũng đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thông xe đoạn Hải Phòng - Hải Dương. Một năm trước, ngày 15/2/2014, Dự án đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện thuộc Dự án xây dựng cơ sở hạ tầng cảng Lạch Huyện - Hợp phần cầu và đường, cũng đã được khởi công với tổng mức đầu tư là 11.849 tỷ đồng, trong đó 10.049 tỷ đồng là vốn vay ODA của Nhật Bản. Đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện khi hoàn thành sẽ kết nối Cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện với mạng lưới hệ thống giao thông: đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Quốc lộ 5, đường sắt Hà Nội - Hải Phòng và Cảng HKQT Cát Bi. Tuyến đường sẽ góp phần tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư cho các dự án nằm trong chương trình phát triển Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải, phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Theo kế hoạch, Dự án sẽ được hoàn thành vào đầu năm 2017.

Bên cạnh đó, cầu Tân Vũ vượt biển dài 5,44 km được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cấp III, với 6 làn xe, mặt cắt ngang đường rộng 29,5m, chịu được động đất cấp 7. Đây sẽ là cây cầu vượt biển dài nhất Đông Nam Á. Ông Hiroshi Fukada, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam đã khẳng định, đây tiếp tục là sự đoàn kết, ủng hộ mạnh mẽ đối với Việt Nam trong khuôn khổ “quan hệ đối tác chiến lược” giữa Nhật Bản và Việt Nam, đặc biệt trong sự phát triển kinh tế của cả hai nước.

Rồi mới đây, lãnh đạo 6 tỉnh Vùng duyên hải Bắc Bộ đã họp bàn về công tác chuẩn bị để triển khai xây dựng tuyến đường cao tốc ven biển Vùng duyên hải Bắc Bộ với tổng chiều dài 160km, đi qua các tỉnh, thành phố trong khu vực và kết nối với tuyến đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng. Hiện đã có tờ trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn và cho phép khởi công tuyến đường trong thời gian sớm nhất.

Rõ ràng, Hải Phòng đang có lợi thế kết cấu hạ tầng để phát huy các tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy kinh tế - xã hội. Đúng như ông Dương Anh Điền, Bí thư Thành ủy Hải Phòng đánh giá: “Các dự án này sau khi hoàn thành sẽ là những điểm nhấn trong kiến trúc đô thị của Hải Phòng và từng bước hoàn thiện kết nối giao thông với các tỉnh phía Bắc, đồng thời góp phần tái cơ cấu nền kinh tế và là cầu nối giúp cho kinh tế - xã hội Hải Phòng tăng trưởng mạnh hơn nữa”.

Các KKT, KCN Hải Phòng ngày càng là điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Năm 2014, Hải Phòng đã thu hút được 1,09 tỷ USD vốn FDI và 4.596 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước (DDI). Hiện các KCN, KKT Hải Phòng có 163 dự án FDI còn hiệu lực (7,058 tỷ USD) và 85 dự án DDI còn hiệu lực (36.929 tỷ VNĐ). Năm 2015, Hải Phòng đặt mục tiêu thu hút từ 2 đến 3 tỷ USD vốn FDI từ các tập đoàn, công ty lớn, đặc biệt là các dự án công nghiệp phụ trợ. Những Đình Vũ, Tràng Duệ, VSIP… ngày càng là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Ta đã thấy những mảng sáng đậm nét của bức tranh Hải Phòng với hạ tầng giao thông đường bộ, đường biển, đường hàng không. Rồi cầu, rồi cảng, rồi các KKT, KCN đã làm nên diện mạo thành phố hôm nay. Còn một thế mạnh của Hải Phòng không thể không nhắc đến, đó là những địa danh du lịch biển như Cát Bà, Đồ Sơn thu hút hàng triệu du khách mỗi năm. Cát Bà giờ càng nổi tiếng hơn khi đã là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới. Đồ Sơn là một trong số những bãi biển đẹp bởi sự hòa quyện của núi, với hàng ngàn cây thông, phi lao... với biển cả mênh mông.

Kinh tế phát triển, an sinh xã hội cũng được đảm bảo hơn, nhất là vấn đề chăm sóc sức khoẻ. Bệnh viện Đa khoa quốc tế Hải Phòng cao 21 tầng đã được đưa vào hoạt động từ tháng 9/2014. Với diện tích rộng gần 10.000 m2, được xây dựng theo tiêu chuẩn khách sạn 5 sao, với quy mô 500 giường bệnh. Phòng bệnh được thiết kế khép kín, với đầy đủ tiện nghi (TV, internet, tủ lạnh, điện thoại) và hệ thống khí y tế, hệ thống gọi y tá… Ngoài ra, bệnh viện còn có hệ thống nhà hàng, quầy bar và siêu thị tự chọn. Bệnh viện có sân bay trực thăng trên nóc rộng 420m2, tạo nên dịch vụ y tế hoàn hảo.

Cũng trong năm ngoái, Tập đoàn Hapaco đã đưa vào khai thác Bệnh viện Quốc tế Green với quy mô giai đoạn I là 206 giường bệnh, vốn đầu tư gần 450 tỷ đồng; với kiến trúc hiện đại theo mô hình bệnh viện khách sạn, cao 9 tầng, diện tích sàn hơn 20.000 m2. Green sở hữu hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, đồng bộ hàng đầu, với các Model mới nhất của các nước và các hãng thiết bị y tế danh tiếng trên thế giới, như máy chụp nhũ của Hãng GE (My); máy chụp Xquang kỹ thuật số của hãng Hitachi (Nhật Bản); máy siêu âm 2D, 4D… với 12 khoa chuyên sâu về sản, nhi. Không chỉ có y tế, giáo dục, mà người dân nơi đây ngày càng được tiếp xúc, hưởng nhiều tiện ích từ sự văn minh của dịch vụ thương mại.

Tổ hợp Trung tâm thương mại Vincom Lê Thánh Tông - Hải Phòng, với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng, đã được khởi công và sau vài tháng nữa, người dân Hải Phòng sẽ có cơ hội sử dụng TTTM hiện đại này với tiêu chí “tất cả trong một”. Đây sẽ là nơi kinh doanh của các thương hiệu nổi tiếng về thời trang, tiêu dùng, giải trí, ẩm thực. Khu hoạt động giáo dục hướng nghiệp, rạp chiếu phim... nhằm phục vụ nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân thành phố. Ông Lê Khắc Hiệp, Phó chủ tịch Tập đoàn Vingroup cho biết: “Đây là dự án khởi đầu của Vingroup tại Hải Phòng, chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là một công trình đẹp, hữu ích với người dân, góp phần cho sự phát triển kinh tế - văn hóa của Thành phố và khu vực”.

Rồi nữa, Trung tâm thương mại dịch vụ giải trí Nguyễn Kim Hải Phòng đã được khởi công mới đây, với tổng mức đầu tư của dự án là 150 tỷ đồng. Dự kiến, sẽ được hoàn thành vào tháng 8 tới. Dự án Tòa nhà tổ hợp SHP Plaza gồm tổ hợp văn phòng, căn hộ cao cấp và trung tâm thương mại... với diện tích hơn 3.000 m2, với 2 tầng hầm và 28 tầng nổi đã được khởi động và sẽ hoàn thành, bàn giao nhà trong vòng 2 năm. Dự án Khu du lịch và vui chơi giải trí cao cấp tại khu vực đảo Hòn Dấu, Đồ Sơn cũng sắp khởi công xây dựng tuyến cáp treo đầu tiên (dự kiến tháng 10/2015). Tổng diện tích 26,3 ha với bến thủy phi cơ, bến đỗ trực thăng trên đảo…

“Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, tạo điều kiện thuận lợi thu hút vốn đầu tư và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh. Nhiều dự án FDI được đưa vào khai thác, phát huy hiệu quả. Một số công trình lớn, trọng điểm có tác động thúc đẩy thành phố và cả vùng”, ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng đã rất phấn khởi khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư nhân dịp những ngày hội này.

Và cũng chưa lâu lắm, ngày 27/3, với vốn đầu tư 1,5 tỷ USD, LGE đã chính thức khai trương tổ hợp công nghệ LG Hải Phòng tại KCN Tràng Duệ với diện tích 800.000 m2. Đây là tổ hợp nhà máy có quy mô lớn nhất trong khu vực của LG chuyên sản xuất, lắp ráp các sản phẩm công nghệ cao như TV, điện thoại di động, máy giặt, điều hòa, máy hút bụi, các thiết bị kỹ thuật số cho ô tô, phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước, đóng vai trò then chốt trong chiến lược phát triển của LG trên toàn cầu. Đến năm 2020, dự án sẽ thu hút khoảng 9.000 lao động, với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,5 tỷ USD, doanh thu 9 tỷ USD.

Việc thu hút được một tập đoàn sản xuất lớn mang tính toàn cầu như LGE góp phần làm tăng tính hấp dẫn và cạnh tranh của môi trường đầu tư, thúc đẩy phát triển, nâng cao hình ảnh và vị thế của Hải Phòng. Cùng với các tập đoàn nổi tiếng khác như General Electric (Mỹ), Bridgestone, Fuji Xerox, Nippro Pharma, Shin - Etsu (Nhật Bản), LGE đã tạo cơ hội cho các DN sản xuất các sản phẩm hỗ trợ nội địa hợp tác và phát triển.

Thành phố của tháng Năm

“Một thành phố tháng Năm/ Rợp trời hoa phượng đỏ/ Một con đường tuy nhỏ/ Vẫn mang phố Nguyên Hồng” (nhạc sỹ Nguyễn Kim). Chắc rằng, cố nhà văn Nguyên Hồng khi còn sống cũng khó tưởng tượng ra được một Hải Phòng văn minh, hiện đại của hôm nay. Hải Phòng đã là điểm đến của những tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới với vốn đầu tư hàng tỷ USD. Của các thương hiệu Việt hàng đầu: Vincom, Him Lam, BRG…

Mới đây, trong một cuộc gặp gỡ với báo giới, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng Lê Văn Thành “bật mí”, nếu không có gì thay đổi, dịp tháng Năm nhiều ý nghĩa này, dự án của Vingroup tại đảo Vũ Yên sẽ được khởi công. Vừa qua, khách sạo 5 sao đầu tiên với thương hiệu Hilton cũng đã được khởi công.

Thành phố Cảng “Trung dũng- Quyết thắng” năm xưa nay đã là một Hải Phòng đang vươn mình trỗi dậy, “sánh vai cùng Sài Gòn, Đà Nẵng quê hương” và trở thành cầu nối không thể thiếu cho “những chuyến hàng Việt Nam gửi đi muôn nơi” trên khắp thế giới. 1,9 triệu con tim của người dân thành phố sẽ chung một nhịp đập để Hải Phòng luôn là “Một ngày mới ánh nắng chói lóa/ Thành phố sáng lên như muôn đài hoa/ Một thành phố tin yêu con người/ Một thành phố của tương lai”.

Tin liên quan
Tin khác