Thưa ông, ngày 13/5 có ý nghĩa lịch sử thế nào đối với nhân dân TP. Hải Phòng?
Hải Phòng là miền đất có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng. Hải Phòng đã trở thành một trong những cái nôi đánh dấu sự ra đời của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam trong đấu tranh chống lại sự áp bức dân tộc và giai cấp của thực dân Pháp.
Ngày 13/5 với nhân dân Hải Phòng là dấu mốc cho cuộc sống hòa bình, cùng với miền Bắc xây dựng CNXH, hậu phương lớn cho miền Nam. Đảng bộ, quân và dân TP. Hải Phòng đã liên tục chiến đấu, xây dựng, phát triển, có những đóng góp xứng đáng với cả nước, giành những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa thời đại và lịch sử sâu sắc.
Ông Lê Văn Thành, Chủ tịch UBND TP. Hải Phòng |
Trong những ngày vui này, nếu nói về lịch sử xây dựng và phát triển của Thành phố, trong một bài viết sẽ là điều không thể. Vậy ông có thể cho độc giả biết những nét chính nhất về sự đi lên đó của Hải Phòng?
60 năm xây dựng và phát triển để có Hải Phòng hôm nay đã là một minh chứng hùng hồn nhất cho ý chí, sự quyết tâm, lòng dũng cảm của quân dân Thành phố Cảng. Hải Phòng đã tập trung xây dựng và phát triển công nghiệp, đưa sản xuất nông nghiệp, ngư nghiệp từng bước ổn định và phát triển. Hình thành mạng lưới thương nghiệp, dịch vụ, cũng như xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng đô thị, bên cạnh việc đầu tư cho giáo dục và đào tạo, y tế và văn hóa - nghệ thuật, thể dục - thể thao.
Vững vàng, anh dũng, hiên ngang chống lại 2 cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, mà trong đó Hải Phòng luôn được đánh giá là trọng điểm ác liệt nhất. Hải Phòng luôn giữ vững sản xuất, ổn định đời sống, tích cực đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, làm tròn trách nhiệm của thành phố cảng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Sau ngày 30/4/1975, Hải Phòng cùng cả nước đi lên xây dựng CNXH. Nhiều công trình công nghiệp, nông nghiệp; hoạt động thương nghiệp, xuất khẩu, tài chính được Thành phố tập trung. Xuất hiện cơ chế “Khoán sản phẩm” và Nghị quyết 24 NQ/TU trở thành động lực chủ yếu thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển. Đây là tiền đề để năm 1981, Ban Bí thư Trung ương (Khoá IV) ra Chỉ thị 100-CT/TW về “cải tiến công tác khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong hợp tác xã nông nghiệp”.
Sự kiện này mở ra một giai đoạn mới của quá trình nhận thức và đổi mới về con đường phát triển của nông nghiệp nước ta. Là mốc quan trọng đánh dấu sự chuyển đổi từ cơ chế tập trung quan liêu sang cơ chế hạch toán tự chủ, tạo nên nhân tố mới trong sản xuất nông nghiệp, góp phần đưa nông nghiệp cả nước thoát dần khỏi tình trạng bế tắc và khủng hoảng.
Tiếp đó, Hải Phòng cùng cả nước bước vào giai đoạn đổi mới, xóa bỏ cơ chế quan liêu bao cấp từ năm 1986. Hải Phòng cũng đã tìm ra hướng đi phù hợp cho mình từ nông nghiệp, công nghiệp nặng, dịch vụ, du lịch, thương mại, khai thác tốt hơn tiềm năng kinh tế biển và lợi thế về vị trí địa lý với các liên kết vùng, miền và các địa phương xung quanh.
Đâu là điểm nhấn quyết định để Hải Phòng phát triển như ngày hôm nay và trong cả tương lai, thưa ông?
Ngày 5/8/2003, Bộ Chính trị (Khoá IX) đã ban hành Nghị quyết 32-NQ/TW “về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước” với mục tiêu “đến năm 2020, Thành phố phải tập trung xây dựng và phát triển để Hải Phòng xứng đáng là thành phố cảng, công nghiệp hiện đại; là đô thị trung tâm cấp quốc gia; đầu mối giao thông quan trọng và cửa chính ra biển của các tỉnh phía Bắc, có cảng nước sâu; một cực tăng trưởng quan trọng của vùng kinh tế động lực phía Bắc; một trọng điểm phát triển kinh tế biển; một trong những trung tâm công nghiệp, thương mại lớn của cả nước và trung tâm dịch vụ, du lịch, thủy sản, giáo dục và y tế của Vùng Duyên hải Bắc Bộ...”.
Đây chính là yếu tố quan trọng cho Hải Phòng đi tới thành công. Quy mô kinh tế của Thành phố từng bước được mở rộng, duy trì vị trí thứ hai ở Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tỷ trọng GDP của các nhóm ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ tăng và tiếp tục giữ vai trò chủ lực trong nền kinh tế Thành phố, GDP tăng bình quân 11,15%/năm. Công nghiệp Thành phố đứng thứ 7 về giá trị sản xuất so với cả nước, đứng thứ ba miền Bắc (sau Hà Nội, Bắc Ninh). Hải Phòng đang trở thành khâu quan trọng trong chuỗi sản xuất hàng hóa công nghiệp; mối liên kết được thể hiện trong tất cả các ngành sản xuất.
Điểm nhấn nữa là ngành kinh tế biển phát triển mạnh, đặc biệt là công nghiệp đóng tàu, kinh tế dịch vụ phát triển nhanh. Hải Phòng đã trở thành trung tâm dịch vụ lớn của Vùng Duyên hải Bắc Bộ. Sản xuất nông nghiệp, thủy sản chuyển mạnh sang sản xuất hàng hoá; áp dụng nhanh tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng cao có sức cạnh tranh trên thị trường. Hải Phòng tiếp tục thể hiện vai trò trung tâm phát triển thủy sản. Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện khá tích cực.
Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch bền vững quần đảo Cát Bà đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch đô thị du lịch Đồ Sơn, Cát Bà... được thiết lập. Đô thị phát triển cả về quy mô và và chất lượng theo các tiêu chí của đô thị loại I, với chức năng đô thị trung tâm cấp quốc gia, mang bản sắc cảng biển theo hướng văn minh, hiện đại. Quy mô đô thị được mở rộng trên cả 5 hướng. Kết cấu hạ tầng đô thị được đầu tư phát triển mạnh theo hướng hiện đại, đặc biệt là hạ tầng kỹ thuật, đầu tư nâng cấp khá đồng bộ các công trình cấp nước, thoát nước, điện, thông tin liên lạc, công viên cây xanh, văn hóa, thể dục - thể thao, du lịch, y tế…
Một số dự án phát triển hạ tầng giao thông trọng yếu và có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Hải Phòng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc đã được triển khai và đang dần hoàn thiện đưa vào khai thác trong năm nay và các năm tiếp theo. Đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng, đường Tân Vũ - Lạch Huyện; cải tạo, nâng cấp Cảng Hàng không quốc tế Cát Bi. Hải Phòng đã thực sự trở thành đầu mối giao thông quan trọng, cửa chính ra biển của cả nước ở miền Bắc, kết nối với các tuyến giao thông hàng hải quốc tế, hội tụ đủ các loại hình giao thông: đường biển, đường bộ, đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không. Các khu kinh tế, khu công nghiệp ngày càng thu hút các nhà đầu tư có thương hiệu nổi tiếng thế giới.
Giáo dục - đào tạo phát triển khá toàn diện, mạng lưới khám chữa bệnh được mở rộng và củng cố (Bệnh viện Đa khoa quốc tế, Bệnh viện Green, nâng cấp Bệnh viện Việt Tiệp…). Cải cách hành chính đạt được những kết quả nổi bật. Mô hình bộ phận “một cửa liên thông, hiện đại”, “một cửa có phần độc lập, chuyên trách” gắn với cải cách thủ tục hành chính, được Chính phủ, Bộ Nội vụ đánh giá cao, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Các hoạt động đối ngoại được triển khai đồng bộ, gắn kết chặt chẽ với nhiều nội dung phong phú, toàn diện. Tích cực tham gia tổ chức đa phương “Mạng lưới các thành phố khu vực châu Á - Thái Bình Dương (Citynet)”. Hình ảnh, vị thế của đất nước và Thành phố được quảng bá rộng rãi tới bạn bè thế giới.
Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW, ngày 10/10/2013, Bộ Chính trị (khóa XI) đã ban hành Kết luận 72-KL/TW “về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 32-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Hải Phòng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”. Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Kết luận 72-KL/TW, Thành phố đã đạt được những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
Kinh tế Thành phố có bước phục hồi tăng trưởng khá, tạo bước chuyển biến quan trọng và có đột phá. 14/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội hoàn thành kế hoạch; nhiều chỉ tiêu tăng trưởng khá cao. Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 8,53%, là năm tăng cao nhất trong 3 năm gần đây. Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 12%; sản lượng hàng qua cảng đạt 60,3 triệu tấn, tăng 15,04%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,57 tỷ USD, tăng 18,03%; lượng khách du lịch đến Thành phố đạt 5,28 triệu lượt, tăng 5,46%; thu ngân sách tăng khá so với cùng kỳ... Thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 1.100 triệu USD.
Sản xuất nông nghiệp duy trì ổn định, năng suất lúa bình quân đạt khá cao 6,3 tấn/ha. Cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.
Trong những ngày này, nhiều dự án của các nhà đầu tư trong nước, quốc tế được triển khai. Mới đây, khách sạn 5 sao đầu tiên của Hải Phòng mang thương hiệu Hilton đã được Tập đoàn BRG khởi công. Các dự án khu đô thị, vui chơi giải trí tại đảo Vũ Yên (Vingroup), Hòn Dáu (Him Lam)... sẽ được khởi động. Sân bay quốc tế Cát Bi, Cảng Lạch Huyện, đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thông xe đoạn Hải Phòng - Hải Dương... sẽ tạo nên bộ mặt đô thị, TP. Hải Phòng ngày càng rạng rỡ.
60 năm, một chặng đường lịch sử gắn liền với những dấu ấn của sự biến đổi to lớn và vươn lên mạnh mẽ của Hải Phòng. Dịp kỷ niệm này, Hải Phòng vinh dự đón nhận Huân chương Sao Vàng thời kỳ đổi mới do Đảng, Nhà nước trao tặng là niềm tự hào vô cùng to lớn của quân và dân Thành phố.
Bằng ý chí, nghị lực, tinh thần dũng cảm, sáng tạo, Đảng bộ, quân và dân TP. Hải Phòng đã, đang và sẽ tiếp tục viết lên những trang sử mới, tô đậm thêm truyền thống “Trung dũng - quyết thắng”, đoàn kết, năng động, sáng tạo của thành phố cảng. Hải Phòng chắc chắn sẽ trở thành Thành phố Cảng hiện đại, văn minh trong một ngày không xa.