UBND huyện Thủy Nguyên vừa tổ chức cuộc họp báo chiều 23/9 thông tin về tình hình giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Đầu tư xây dựng Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng.
Theo thông tin được công bố tại cuộc họp, đến thời điểm hiện tại, huyện Thủy Nguyên đã kiểm kê, lập, phê duyệt phương án bồi thường đối với 574,5 ha. Trong đó, diện tích đã chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ là 569,3 ha (chiếm 83,23%/tổng diện tích đã quyết định thu hồi), với tổng số tiền 1.140 tỷ đồng. Huyện cũng đã bố trí 230 hộ vào khu tái định cư. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 25ha/569,3 ha đất đã chi trả tiền bồi thường chưa có mặt bằng sạch.
UBND huyện Thủy Nguyên tổ chức họp báo công bố kế hoạch cưỡng chế |
Thực tế, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng dự án được triển khai từ năm 2009 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện xong. Được sự đồng ý của Thường trực thành Ủy Hải Phòng, huyện Thủy Nguyên sẽ tiến hành việc cưỡng chế thu hồi đất.
Cụ thể, từ 8h00 ngày 28, 29, 30/9/2016, UBND huyện Thủy Nguyên sẽ cưỡng chế đối với 07 hộ dân gồm 02 hộ chưa nhận tiền: Trần Văn Lời, Trần Văn Đàn và 05 hộ đã nhận tiền: Trần Văn Bon, Nguyễn Văn Thuý, Bùi Thị Xinh, Trần Văn Long, Hoàng Văn Nhuệ (đã nhận tiền từ năm 2011, 2012).
Theo ông Bùi Doãn Nhân, Phó chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên, trước khi có quyết định cưỡng chế, thì huyện đã nhiều lần tổ chức đối thoại với các hộ dân này. Hơn nữa, ngoài những chính sách bồi thường, hỗ trợ theo quy định chung của pháp luật thì huyện Thủy Nguyên cũng đã đề xuất với thành phố xây dựng cơ chế hỗ trợ riêng cho các hộ dân trong diện GPMB và đã được đồng ý.
Cụ thể là giao đất có thu tiền sử dụng đất cho hộ dân không đủ điều kiện giao đất tái định cư nhưng không còn nơi ở nào khác trên địa bàn xã vào khu tái định cư dự án VSIP Hải Phòng. Hỗ trợ đối với diện tích 400 m2 đất nông nghiệp bằng 100% giá đất vườn ao và 50% giá đất ở liền kề. Cuối cùng là hỗ trợ 80% đơn giá toàn bộ công trình vật kiến trúc xây dựng thay cho mức hỗ trợ 50% đơn giá theo quy định đối với một số công trình vật kiến trúc trên đất nông nghiệp (ăn ở ổn định, xây dựng công trình trên đất nông nghiệp trước 01/7/2004).
Tuy nhiên, 07 hộ dân đều không đồng ý và có những yêu cầu vượt ngoài quy định của pháp luật. Đơn cử như hộ ông Hoàng Văn Nhuệ, là 1 trong 5 hộ dân đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ, đã được xét giao 01 lô đất có thu tiền sử dụng đất tại Khu tái định cư và gia đình đã nhận đất, nhưng vẫn không bàn giao đất và tiếp tục yêu cầu phải bồi thường, hỗ trợ diện tích đang sử dụng theo giá là đất ở (dù đây là đất nông nghiệp). Hoặc như hộ ông Trần Văn Lời, là 1 trong 2 hộ chưa nhận tiền đền bù thì yêu cầu phải bồi thường, hỗ trợ tổng đất đai, tài sản của gia đình theo giá thỏa thuận là 03 tỷ đồng (không theo quy định của pháp luật về đất đai).
Và như ông Nhân đánh giá thì hầu hết các hộ đều đưa ra ưu sách không có cơ sở giải quyết như: miễn nộp tiền sử dụng đất khi được giao đất vào khu tái định cư, phải bồi thường công trình vật kiến trúc với tỷ lệ bằng 100% đơn giá, giao đất tái định cư cho các con chưa lập gia đình. Và mục đích cuối cùng của các hộ là phải được hỗ trợ thêm ngoài chính sách vài trăm triệu, cá biệt có hộ yêu cầu phải hỗ trợ 3 hoặc 4 tỷ đồng. Thậm chí có hộ còn có tâm lý chờ xem có hộ nào bị cưỡng chế không thì gia đình mới chấp hành.
Trước tình hình này, ngày 16/9/2016, Chủ tịch UBND huyện Thủy Nguyên đã ban hành các Quyết định số 5358/QĐ-CT, 5359/QĐ-CT, 5360/QĐ-CT, 5361/QĐ-CT, 5362/QĐ-CT, 5363/QĐ-CT, 5364/QĐ-CT cưỡng chế thu hồi đất đối với 07 hộ gia đình. Đến ngày 22/9/2016, Ban cưỡng chế thu hồi đất cùng các ban ngành chức năng của huyện Thủy Nguyên, xã An Lư (nơi các hộ dân có đất) đã tổ chức họp đối thoại, vận động, thuyết phục các hộ dân chấp hành việc tháo dỡ, di chuyển tài sản ra khỏi phạm vi khu đất thu hồi và chấp hành việc bàn giao đất để thực hiện Dự án xong trước ngày 28/9/2016, nhưng các hộ dân vẫn không đồng ý.
Và nếu các hộ vẫn cố tình không bàn giao đất để thực hiện Dự án, Ban cưỡng chế thu hồi đất sẽ tiến hành cưỡng chế thu hồi đất đối với các hộ từ 08 giờ ngày 28, 29 và 30/9/2016. Khi đó, 07 hộ dân này sẽ không được nhận phần hỗ trợ riêng của UBND huyện Thủy Nguyên nữa.
Thiết nghĩ, sự việc này nên được dứt điểm từ sớm để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Trong đó, dự án KCN VSIP Hải Phòng đã thu hút được 35 nhà đầu tư thứ cấp với tổng mức đầu tư trên 1,6 tỷ USD. Và những dự án thứ cấp này đã tạo việc làm cho khoảng 17.000 lao động (dự kiến đến hết năm 2016 thu hút thêm 5.000 lao động), trong đó 70% lao động thuộc huyện Thuỷ Nguyên, với mức thu nhập trung bình 5-6 triệu đồng/lao động/tháng. Việc 07 hộ dân không bàn giao mặt bằng đã ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ thực hiện xây các Nhà máy như Nipro Pharma, Zeon, Kein Hing, TPA,...
Đây cũng là điều mà chính quyền huyện Thủy Nguyên nên rút kinh nghiệm khi mà sự việc đã rõ ràng, có cơ sở pháp lý, đồng thời phía chính quyền địa phương cùng với nhà đầu tư cũng đã tìm nhiều giải pháp để hỗ trợ người dân thì không có lý gì lại để sự việc kéo dài gần 5 năm qua như thế.
Được biết, ngoài các chính sách hỗ trợ riêng của huyện Thủy Nguyên thì ông Bùi Mạnh Tùng, Phó tổng giám đốc Công ty TNHH VSIP Hải Phòng còn khẳng định sẽ hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi dự án vào làm việc tại các doanh nghiệp thứ cấp trong khu, hoặc làm những công việc phổ thông (phù hợp với trình độ, độ tuổi) để đảm bảo cuộc sống sau khi di chuyển đến nơi ở mới.